Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy (chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC) chỉ ra những sai lầm của các mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ như bỏ qua sữa non, ép bé bú theo cữ hay bắt buộc phải vắt hút sữa...
Tác giả bài viết là Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy (Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC) |
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, tất cả những bà mẹ khỏe mạnh đều được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo những lợi ích sức khỏe tốt nhất cho con, đồng thời tạo mối liên kết đặc biệt giữa hai mẹ con.
Tuy nhiên, trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ đặc biệt là người sinh con lần đầu có thể gặp phải không ít những sai lầm dưới đây:
Bỏ qua sữa non
Sữa non là loại sữa mẹ tiết ra vào những ngày đầu sau khi sinh, có màu vàng, sánh, rất giàu protein. Sữa non không chỉ chứa dưỡng chất cần thiết cho bé sơ sinh mà còn có một hàm lượng lớn các chất kháng thể và bạch cầu giúp bé chống lại các loại bệnh tật. Sữa non cũng chứa nhiều nguyên tố vi lượng không thể thiếu đối với trẻ sơ sinh như: sắt, đồng, kẽm. Theo các nghiên cứu thì tỉ lệ tử vong ở trẻ giảm một cách đáng kể nếu ngay sau khi sinh bé được bú loại sữa non quý giá này.
Một số bà mẹ do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan mà bỏ đi phần sữa non quý giá này. Dù mẹ bé có sinh thường hay sinh mổ thì sữa non đã có sẵn trong ngực mẹ từ 3 tháng cuối thai kỳ, nên mẹ hãy cho bé ti mẹ ngay sau khi sinh.
Vắt bỏ sữa đầu
Sai lầm này xuất phát từ quan niệm của các mẹ rằng sữa loãng như màu nước vo gạo được cho là không giúp bé tăng cân tốt và nên vắt bỏ đi cho đến khi sữa đặc lại mới cho bé bú. Tuy nhiên trên thực tế, sữa mẹ khi cho bé bú sẽ được chia làm hai giai đoạn: Sữa đầu và sữa cuối.
Sữa đầu: Được tiết ra trước, thường trong như nước vo gạo. Sữa đầu có chứa nhiều nước và kháng thể có vai trò trước tiên là giúp bé thỏa mãn cơn khát, sau nữa thành phần kháng thể giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.
Sữa cuối: Tiết ra sau, có màu trắng đục nhiều chất béo cùng các thành phần khác giúp bé tăng trưởng cân nặng tốt.
Mẹ cho bé bú cả sữa đầu và sữa cuối sẽ hưởng được hết lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ. (Ảnh minh họa)
Sữa mẹ tối ưu hơn sữa công thức bởi thành phần kháng thể mà không một loại sữa công thức nào có thể thay thế, chính thành phần kháng thể này giúp bé có sức đề kháng tốt trước các tác nhân từ môi trường. Khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ hệ miễn dịch rất tốt, ít nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa hay hô hấp và ngược lại. Chính vì vậy, nếu mẹ bỏ sữa đầu thì đã mất đi thành phần kháng thể quý giá này.
Do đó, mẹ cần cho bé bú theo nhu cầu. Nếu phát sinh vấn đề như bé ngủ gật trong khi bú, mẹ hãy lay bé dậy bằng cách động bầu vú hay lay lay má; bé bú một hoặc hai bên tùy nhu cầu từng bé, nhưng cần cho bé bú cạn một bên rồi mới đổi sang bên kia. Như vậy bé sẽ được hưởng cả sữa đầu và cuối.
Ép bé bú theo cữ
Khi cho con bú, mẹ thường cố gắng đưa con vào “khuôn khổ”, bú từ 2-3 tiếng/lần. Việc cho bé bú theo cữ thế này có khá nhiều lợi ích như giúp mẹ nhàn hơn trong việc nuôi con và tránh trường hợp bé bú lắt nhắt. Nhưng bên cạnh những lợi ích này, ép bé bú đúng cữ cũng có những mặt không tốt.
Chẳng hạn như bé đang ngủ nhưng đến cữ nên mẹ gọi bé dậy bú. Điều này hoàn toàn không nên vì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Ngoài ra, mẹ phá giấc ngủ sẽ khiến bé cáu gắt, không chịu bú hoặc bú khi vẫn đang mơ màng sẽ không hiệu quả thậm chí có thể gây sặc cho bé.
Thực tế, mỗi trẻ có một nhu cầu cá nhân riêng và lịch sinh hoạt của bé sẽ thay đổi từng ngày. Khi bé thực sự có nhu cầu thì sẽ ngoan ngoãn bú mẹ và lúc đó sữa mẹ cũng tiết ra nhiều nhất. Vì vậy, mẹ hãy học cách quan sát con để nhận biết khi nào bé muốn bú, tránh ép bé bú khi bé không có nhu cầu.
Nhiều em bé sẽ "thiên vị", chỉ thích bú 1 bên ngực. (Ảnh minh họa)
Phải vắt hút sữa
Có thể mẹ không biết, sữa mẹ có một cơ chế rất tuyệt vời đó là tiết ra theo quy luật cung - cầu. Điều này có nghĩa là bé càng bú nhiều thì sữa mẹ càng tiết ra nhiều chưa không nhất thiết bắt buộc phải vắt hút sữa. Bé ti mẹ trực tiếp luôn là phương pháp tốt nhất giúp duy trì sữa mẹ tuy nhiên do một số nguyên nhân như mẹ và bé bị cách ly, mẹ cần đi làm… thì việc vắt sữa, hút sữa là điều thiết yếu nếu không muốn bị tắc tia sữa, sữa ít dần rồi mất hẳn.
Hai ngực phải đều nhau
Hai ngực không nhất thiết phải đều nhau. Bé có thể thích 1 bên này hơn bên kia. Có bé chỉ bú 1 bên ngực mà bên kia không hề đụng vào. Ngực mẹ có thể bên to bên nhỏ nhưng khi cai sữa kích thước ngực sẽ lại bình thường. Nếu mẹ đủ sữa cho bé thì không cần thiết phải kích cho bên ít sữa hơn. Hãy dành thời gian chơi với con, chăm sóc con thay vì phải tìm cách kích cho 2 bên đều nhau.
Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy là chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) với gần 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện tại, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 "chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế" được công nhận. Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế (IBCLC) là gì? IBCLC = International Board Certified Lactation Consultant là chuyên gia tư vấn về sữa mẹ mang tầm cỡ quốc tế, đây là một chuyên gia y tế được đào tạo chuyên sâu để xử lý các vấn đề liên quan đến sữa mẹ. Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế: - Được công nhận trên toàn thế giới vì đã trải qua các khóa học chuyên sâu về sữa mẹ, được đào tạo các kiến thức y khoa, trải qua kỳ thi khó khăn cùng hàng ngàn ứng cử viên trên toàn thế giới. - Các kiến thức tư vấn dựa trên các bằng chứng khoa học (y học chứng cứ) - Có kinh nghiệm trong nhiều trường hợp phức tạp liên quan đến sữa mẹ - Hiểu được nhu cầu từng mẹ, từng bé, giúp mẹ và bé từng bước đạt được những mục tiêu riêng trên con đường nuôi con bằng sữa mẹ. - Tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức được đề ra cho toàn bộ các IBCLC trên toàn thế giới |