Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc quản lý bằng số cả mẹ và con, đồng thời giao trách nhiệm từ nhân viên y đến và bảo vệ bệnh viện, nên việc trao nhầm con rất khó xảy ra.
Trong những ngày gần đây, liên tiếp các sự việc trao nhầm con tại các nhà hộ sinh cách đây 42 năm và sau đó là 29 năm khiến dư luận rất hoang mang lo lắng, nhiều ý kiến cho rằng, nến không kiểm soát chặt chẽ thì ngay tại các bệnh viện hiện nay cũng rất dễ xảy ra trường hợp trao nhầm con cho các bà mẹ.
Để hiểu rõ hơn về quy trình sinh con, tiếp nhận, chăm sóc từ khi sản phụ vào nhập viện cho đến khi “mẹ tròn, con vuông”, phóng viên đã có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nơi mỗi năm có khoảng 40.000 em bé ra đời.
Sản phụ và trẻ sơ sinh cùng mã số (Ảnh: Nam Nguyễn)
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Mỹ Hà (Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) khẳng định: “Hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện, tôi chưa thấy có một ca nào trao nhầm con cho sản phụ cả, ở đây chúng tôi có những quy định rất cụ thể và chặt chẽ giữa việc giao, nhận trẻ sơ sinh cũng như giữa bà mẹ và nhân viên y tế.
Không chỉ có vậy, chúng tôi còn gắn tránh nhiệm của từng cá nhân, người có trách nhiệm từ nhân viên y tế cho đến bảo vệ bệnh viện”.
Theo bà Hà, để tránh việc trao nhầm trẻ, các nhân viên y tế phải chuẩn bị đầy đủ các cặp số đánh dấu sơ sinh cho mẹ và con, các số đánh dấu đó phải giống nhau. Số đeo không trùng nhau giữa các trẻ và các mẹ và phải theo thứ tự liên tục.
Những số này phải được công khai và đeo theo từng cặp ngay tại bàn đẻ, bàn đón mổ. Đồng thời, việc thực hiện đeo số, kiểm tra để đánh dấu trẻ và ghi vào hồ sơ bệnh án phải do một người thực hiện, còn người đỡ đẻ có tránh nhiệm đọc to giờ sinh, ngày sinh, công khai giới tính của trẻ ngay tại bàn mổ.
Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trương Thị Mỹ Hà đang ân cần hỏi thăm, kiểm tra mã số của sản phụ và trẻ sơ sinh
Còn người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ, số con trước khi ghi vào hồ sơ bệnh án. Đồng thời trong ca trực cần phải thường xuyên đi kiểm tra để đảm bảo việc chăm sóc trẻ, hướng dẫn sản phụ và gia đình phối hợp chăm sóc, theo dõi, kịp thời phát hiện và cảnh giác với những hiện tượng nghi ngờ, mất an ninh để có biện pháp xử lý.
Cũng theo vị điều dưỡng trưởng này, khi bàn giao trẻ tại giường bệnh, nhân viên y tế chỉ bàn giao con cho bà mẹ, không giao cho bất kỳ ai, đối chiếu số mẹ, số con trùng khớp và kiểm tra thêm giới tính của trẻ. Các trường hợp đặc biệt khác phải do cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, khi sản phụ chưa đủ sức khỏe để nhận biết trẻ thì không được bàn giao cho con cho sản phụ.
Còn khi nhân viên y tế nhận trẻ từ mẹ, cần phải thông báo cho sản phụ biết lý do đón trẻ tách mẹ như: cho đi tắm, tiêm hoặc điều trị bệnh lý. Đồng thời, đối chiếu hồ sơ bệnh án tên mẹ, tên con, mã số con và số mẹ đeo khớp với bệnh án sơ sinh…
Để tránh tình trạng nhầm lẫn và sử dụng lại số, khi ra viện bệnh viện yêu cầu sản phụ tự giữ lại số để không có tình trạng người khác lấy nhầm. Thậm chí, ngay cả lực lượng bảo vệ cũng có trách nhiệm trong việc kiểm soát này, đó là kiểm soát giấy ra viện, giấy chứng sinh cũng như số trẻ ra viện…
“Bằng tất cả những biện pháp trên, tôi khẳng định khó có thể xảy ra trường hợp trao nhầm trẻ cho sản phụ. Còn riêng về việc tráo đổi thì với lương tâm người thầy thuốc, các nhân viên bệnh viện phụ sản Hà Nội sẽ không bao giờ làm như vậy”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, hiện nay bệnh viện vẫn đang áp dụng số đeo đánh dấu theo thứ tự và ép bằng nhựa mica, nên việc nhòe hoặc mờ số là không thể xảy ra. Hơn nữa, việc đeo dây giữ số vào cổ trẻ và đeo vào cổ tay sản phụ cũng khó có thể xảy ra tình trạng tuột, vì trẻ sơ sinh và sản phụ là những người cần được nâng niu, chăm sóc đặc biệt nhẹ nhàng.
“Hiện chúng tôi cũng đang áp dụng số đeo tay cho mẹ và con bằng cách bấm cố định, không thể tháo ra được (sau khi ra viện sẽ cắt). Nếu thấy phù hợp chúng tôi sẽ áp dụng trong toàn viện trong thời gian tới, phương pháp này sẽ an toàn tuyệt đối và không bao giờ có chuyện nhầm lẫn”, điều dưỡng trưởng Hà cho biết.