Trong suốt 1 tháng ở cữ, mẹ Wu Lili không tắm gội, không ăn đồ lạnh và hạn chế ra ngoài.
Hãy thử tưởng tượng trong suốt 1 tháng, chúng ta không được phép ra ngoài, không tắm gội và ăn uống đồ lạnh… thì sẽ như thế nào? Nghe giống như ai đó đang bị quản thúc tại gia. Nhưng mỗi năm có đến hàng chục triệu phụ nữ Trung Quốc vẫn tình nguyện thực hiện những điều này. Và đây là những điều cấm kỵ đã có từ ngàn xưa với những mẹ sau sinh nở tại đất nước này.
Câu chuyện về những tháng ngày ở cữ của mẹ Wu Lili – một bà mẹ hiện đại ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhưng vẫn muốn áp dụng cách ở cữ nghiêm ngặt của người xưa sẽ giúp chúng hiểu hơn về phong tục kiêng cữ của người Trung Quốc.
Mẹ Wu Lili đã chọn trung tâm ở cữ để kiêng cữ sau sinh 1 tháng liền.
Bé Momo và mẹ Wu Lili đã không rời khỏi trung tâm ở cữ ở tại Bắc Kinh trong suốt 29 ngày vừa qua. Hôm nay là ngày cuối cùng trong 1 tháng ở cữ của chị nhưng chị vẫn quyết tâm không ra ngoài và không thay đổi bất cứ điều kiêng cữ gì “trong tháng”. Theo truyền thống của các bà, các mẹ nước này, bà đẻ sẽ phải ở cữ 1 tháng với rất nhiều điều cấm kỵ.
Ở Trung Quốc, 30 ngày sau sinh được gọi là “trong tháng”. “Trong tháng” này mẹ sẽ không được ra ngoài, phải mặc quần áo dài tay, chỉ ăn đồ ấm nóng, không được tắm gội… Rất nhiều quy tắc đã khiến chính Wu Lili mệt mỏi nhưng vẫn phải vật lộn làm theo ngay cả khi hôm nay là ngày cuối cùng trong chuỗi 30 ngày đó.
“Tôi thực sự muốn ăn trái cây và rất nhiều đồ ăn khác nhưng tôi không được phép. Tôi đã vô cùng khó khăn khi thực hiện được những điều này. nhưng tôi cảm thấy những điều khó khăn nhất là không được tắm gội và ăn uống đạm bạc.”, mẹ Wu Lili nói.
Một nhân viên trung tâm đang chăm sóc bé Momo
Bé Momo và mẹ không được ra ngoài trong suốt 1 tháng đầu sau sinh.
Trong suốt 1 tháng ở cữ, Wu Lili không được ăn trái cây, rau sống, uống cà phê, đồ uống lạnh thậm chí là nước lọc bình thường mà phải uống nước ấm, nóng. Những quy định này nhằm mục đích giúp sản phụ nhanh phục hồi cơ thể sau ca sinh nở.
Wu Lili cũng cho biết thêm cô cảm thấy đôi chân của mình đang ngứa ran vì phải đi tất và đắp chăn cả tháng trời. Thế nhưng hôm nay cô vẫn phải đi tất dày vì mẹ cô cảnh báo nếu không làm thế có thể sẽ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh về xương, khớp sau này.
“Văn hóa “trong tháng” đã ăn sâu vào tiềm thức người Trung Quốc. Ngay cả khi nó đã được đề cập trong cuốn sách 'Những điều cần thay đổi trong vòng 2.000 năm qua'. Người Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề cân bằng âm dương trong tất cả mọi vấn đề. Nếu âm và dương trong cơ thể được cân bằng thì con người sẽ không mắc bệnh tật. Vì thế, sản phụ cần phải giữ ấm cơ thể, không để bị nhiễm lạnh.”, bác sĩ y học cổ truyền Wu chia sẻ.
Thậm chí ở Trung Quốc, người ta còn mở những trung tâm ở cữ để phục vụ những bà mẹ sau sinh không muốn ở nhà. “Cả một tháng ở nhà, không được ra ngoài mà chỉ có 2 mẹ con thì buồn lắm nên tôi quyết định chọn đến trung tâm ở cữ. Dù sao ở đây vẫn có người nhà thường xuyên lui tới và đặc biệt có các nhân viên chăm sóc hàng ngày. Tôi còn có thể sang các phòng bên cạnh để trò chuyện với những mẹ ở cữ cùng.”, mẹ Wu Lili nói.
Nhân viên trung tâm đang hướng dẫn vợ chồng sản phụ cách tắm cho bé.
Tại những trung tâm này, người ta áp dụng rất nghiêm ngặt các quy định ở cữ. Họ có đội ngũ nhân viên dọn phòng hàng ngày và chăm sóc sản phụ cũng như trẻ sơ sinh rất cẩn thận. Vì vậy, đây chính là sự lựa chọn của nhiều sản phụ Trung Quốc muốn áp dụng kiêng cữ theo cách truyền thống.
Bên cạnh việc kiêng cữ theo cách truyền thống, ngày nay, có rất nhiều mẹ trẻ hiện đại đã ở cữ "thoáng" hơn bằng cách không áp dụng việc chỉ ngồi lì trong phòng, kiêng tắm rửa và ăn uống phong phú… Tuy nhiên, có lẽ vì truyền thống ở cữ ở Trung Quốc đã có từ lâu đời và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ nên phong tục “trong tháng” vẫn còn được rất nhiều mẹ áp dụng.