Hiện tượng chuột rút bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai kỳ và xảy ra thường xuyên hơn khi thai nhi lớn dần.
Chân bị chuột rút là một hiện tượng phổ biến, nhiều khi gây phiền phức, đau đớn cho chị em khi mang thai. Những mẹo dưới đây sẽ phần nào giúp chị em quên đi chuyện phiền hà này để có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
NGUYÊN NHÂN CHUỘT RÚT KHI MANG THAI
Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào tìm ra chính xác nguyên nhân tại sao phụ nữ thường bị chuột rút khi mang thai. Lý do có thể do trong thời kỳ mang thai, trọng lượng cơ thể không ngừng tăng lên từ đó tạo áp lực lên các cơ ở bắp chân gây ra hiện tượng chuột rút. Ngoài ra, khi mang thai, tử cung sẽ lớn dần tạo ra áp lực đè lên tĩnh mạch chủ dưới khiến tuần hoàn máu và bạch huyết kém, làm chậm quá trình tĩnh mạch bơm máu trở lại tim từ các chi dưới. Phù sinh lý do dồn máu xuống chi dưới cũng là lý do khiến bạn bị chuột rút.
Chuột rút bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ ba của thai kỳ và xảy ra thường xuyên hơn khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này xảy ra cả ban ngày và trầm trọng hơn vào ban đêm ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của thai phụ.
Hiện tượng chuột rút chân khi mang thai sẽ diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng khi thai nhi lớn lên. (Ảnh minh họa)
CÁCH XỬ LÝ KHI BỊ CHUỘT RÚT
Khi chân bị chuột rút, chị em hãy thực hiện theo các bước sau:
- Căng duỗi cơ ở mức cực đại, duỗi thẳng đầu gối, túm lấy bàn chân và kéo ngược lại về phía mình. Đầu tiên bạn sẽ cảm thấy khó chịu nhưng sau đó cơn đau do chuột rút sẽ dịu dần.
- Xoa bóp nhẹ nhàng các cơ với một trai nước ấm (hoặc khăn nhúng nước nóng) để giúp các cơ thư giãn. Đi bộ một vài phút cũng sẽ giúp chân bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Chườm chân bằng khăn ấm sẽ giúp mẹ bầu thấy thoải mái hơn. (Ảnh minh họa)
CÁCH PHÒNG NGỪA CHUỘT RÚT Ở BÀ BẦU
Hiện nay, chưa tìm ra chính xác cách nào giúp phụ nữ thoát khỏi việc bị chuột rút khi mang thai, tuy nhiên những lời khuyên sau chắc chắn sẽ giúp bạn hạn chế hiện tượng này
- Tránh đứng hoặc ngồi vặt chéo chân quá lâu.
- Co duỗi bắp chân thường xuyên vào ban ngày và một vài lần trước khi đi ngủ.
- Xoa bóp mắt cá chân và các ngón chân thường xuyên khi ngồi, ăn tối hay ngay cả lúc xem tivi.
Thường xuyên xoa bóp, massage sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, tránh chuột rú khi mang thai.
- Đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (trừ khi có chỉ định của bác sĩ hạn chế thai phụ đi lại).
- Nằm nghiêng về phía bên trái để cải thiện tuần hoàn máu từ chân đi lên.
-Uống nước hàng ngày để tránh mất nước.
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để các cơ được thư giãn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung magiê và vitamin cũng giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân ở nhiều chị em phụ nữ.
Nhiều người cho rằng bị chuột rút nhiều là dấu hiệu của việc thiếu canxi. Việc bổ sung canxi đầy đủ khi mang thai là điều rất quan trọng, tuy nhiên không có bằng chứng nào chỉ ra rằng bổ sung canxi đều đặn trong thai kỳ sẽ giúp cải thiện tình hình.Vậy nên, các mẹ bầu hãy luôn hỏi chú ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất cứ dưỡng chất hay loại thuốc gì trong thai kỳ.
Nếu cơn đau vẫn dai dẳng, chân bị sưng đỏ hoặc bạn cảm thấy nóng khi chạm vào chân , chị em hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đó có thể là triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu trong thai kỳ cần phải được điều trị ngay, nếu để muộn sẽ gây ra sưng phù, loét và hoại tử chi.
Video: Cách massage chân cho bà bầu để giảm bớt hiện tượng chuột rút.