8/3 buồn của vợ hiếm muộn khi òa khóc nức nở: “Bác sĩ ơi cho em gửi lại thuốc vì không còn chồng nữa!”.
Cả hành trình thăm khám và chữa hiếm muộn chỉ đơn lẻ một mình
Ngày 8/3/2024 hôm qua có lẽ là một ngày rất buồn với Ths. Bs CKII. Nguyễn Đình Đông, Chuyên gia IVF, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội nói chung và với chị Trần Thanh Hải (*), 26 tuổi ở Hà Nội nói riêng.
Chị Hải năm nay 26 tuổi nhưng từ ngày lấy chồng đến nay vợ chồng chị vẫn chưa được bế con trên tay dù đã 4 lần mang bầu. Những năm 2019, 2021, 2022, 2023, chị Hải có bầu nhưng lần nào cũng chưa qua được mốc 9 tuần thì bị lưu.
Chật vật chữa hiếm muộn nhưng người vợ không có chồng đồng hành bên cạnh.
Đầu năm 2024, người vợ 26 tuổi này đến gặp bác sĩ Đông để khám tìm nguyên nhân thai lưu liên tiếp 4 lần. Dù vẫn cần phải khám thêm cho cả anh chồng nhưng bác sĩ Đông không thấy chồng của chị Hải đi khám cùng.
Liệt kê những xét nghiệm chị Hải đã được chỉ định làm từ trước đó, tất cả đều bình thường. Những lần giữ thai trước đó người vợ này cho biết đã được thử nhiều cách, uống nhiều thuốc nhưng mang bầu chưa thành công.
Tỉ mỉ thăm khám, bác sĩ Đông bước đầu xác định một số vấn đề:
Thứ nhất, tử cung vách ngăn bán phần, rộng 2 cm, dài 2 cm. Buồng tử cung bị chia thành 2 khoang hẹp, niêm mạc tử cung mỏng nhưng hình thái không đều, xấu. Vách ngăn tử cung là 1 dị dạng tử cung bẩm sinh, bản chất là 1 mô xơ, không/rất ít mạch máu, niêm mạc không hoặc tăng sinh rất kém tại vị trí vách ngăn. Tỷ lệ sảy lưu, đẻ non, ngôi thế bất thường tăng lên; việc phẫu thuật cách vách ngăn có thể cải thiện kết cục sinh sản.
Thứ 2, chị Hải bị rối loạn miễn dịch hệ thống, theo dõi bệnh tự miễn. Vì thế, bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật tạo hình buồng tử cung nhưng ngày lên bàn mổ, chị Hải cũng không có chồng đi cùng, chỉ đi với chị gái.
“Khi ấy tôi đã hỏi, nay chồng có đi cùng không để nếu niêm mạc có dấu hiệu gì bất thường cần xét nghiệm chuyên sâu thì bác sĩ sẽ gặp anh ấy giải thích và yêu cầu xét nghiệm. Nhưng chị Hải nói đi cùng với chị gái. May mắn ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp, đưa đèn soi vào buồng tử cung niêm mạc nhiều đám xung huyết. Thêm nữa, nhiều vùng niêm mạc “xù xì” “tăng sản” mặc dù xung quanh tăng sinh rất kém (mỏng)”, bác sĩ Hải kể lại.
Khi kết quả điều trị hiếm muộn hoàn hảo lại là lúc người chồng đòi ly hôn
Với trường hợp của người vợ hiếm muộn bị sảy thai liên tiếp 4 lần kể trên sau thăm khám đã có kết quả xét nghiệm chuyên sâu như sau:
- Niêm mạc viêm mạn tĩnh mức đồ vừa, tăng nguy cơ lưu thai liên tiếp, vô sinh/chuyển phôi thất bại. Tỷ lệ gặp viêm niêm mạc tử cung mạn tính trong sảy lưu thai liên tiếp khoảng 29.6%, điều trị kháng sinh uống đạt tỷ lệ khỏi 87.9%. Hiệu quả sau điều trị còn tranh cãi do chẩn đoán và điều trị chưa thống nhất tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ lưu thai lặp lại và cải thiện tỷ lệ sinh sống sau điều trị khỏi triệt để.
Đến khi mọi thứ dần tốt lên, đã có thể sẵn sàng để sinh con thì người vợ lại phải dừng điều trị vì chồng ly hôn.
- Quá sản nội mạc tử cung, 1 bất thường (thay đổi) cấu trúc của niêm mạc. Niêm mạc giống như mảnh đất trồng cây, niêm mạc bình thường như “đất ruộng” thích hợp để trồng “cây lúa” (thai nhi) nhưng bị biến chất thành đất “đồi núi” thì khi đó khó mà có thể trồng được “cây lúa” khỏe mạnh trên nền đó được. Quá sản niêm mạc gây tăng tỷ lệ lưu thai bé, lưu thai to, đẻ non.
Dù chị Hải tồn tại nhiều vấn đề đau đầu nhưng những vấn đề ấy bác sĩ Đông đều có thể dần điều trị khỏi. Và hiện nay, việc mổ đã xong, tử cung của chị Hải “đẹp” như gái chưa chồng. Bệnh miễn dịch đang điều trị, viêm niêm mạc đã xong 1 liệu trình kháng sinh. Chỉ còn mỗi tình trạng quá sản cũng đã đặt vòng điều trị xong. Nhưng có lẽ vì yêu thương chưa đủ nhiều chăng mà đúng lúc mọi thứ tốt lên thì chồng chị Hải lại ly hôn vợ.
Cho đến hôm qua, chị Hải đến gặp bác sĩ Đông rồi òa khóc nức nở khi nói:
“Bác ơi cho em gửi lại thuốc của chồng vì…”
“Nói đến đây, chị Hải òa lên khóc nức nở, lời nói bị đứt đoạn. Tôi như chợt “nhảy số”, nghĩ đến điều gì đó nhưng không tiện hỏi thẳng. Tôi gật đầu đồng ý nhưng rồi vẫn buột miệng hỏi “vì sao thế?”. Chị Hải nói rằng vì chị ấy không còn chồng nữa, do không đẻ được nên chồng đòi ly hôn rồi”, chuyên gia điều trị hiếm muộn buồn bã kể.
Là một bác sĩ, lại không phải người trong cuộc nên bác sĩ Đông không dám nhận xét bừa, chỉ biết động viên người vợ 26 tuổi bị chồng ly hôn: “Cố lên nhé, bệnh của em sắp khỏi hết rồi, em sẽ sớm được làm mẹ thôi. Bác không biết nói gì thêm, chúc em sớm tìm được người đàn ông tốt hơn. Tôi thấy bạn mỉm cười dù nước mắt vẫn đang rơi, bạn cám ơn tôi rồi ra về. Thật sự làm phụ nữ có quá nhiều thiệt thòi, hy vọng những người chồng sẽ yêu thương, bao dung nhiều hơn, cùng nhau vượt qua gian khó với những người vợ không may bị hiếm muộn”.