Chế độ thai sản là vấn đề các cặp vợ chồng phải tìm hiểu thật kỹ về điều kiện được hưởng, tiền trợ cấp nghỉ đẻ năm 2019 là bao nhiêu và được nghỉ bao nhiêu ngày, muốn nhận đủ trợ cấp và được nghỉ theo quy định cần làm những thủ tục gì?
Đối tượng nào được hưởng chế độ thai sản năm 2019?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tại điều 31, thì đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được hưởng chế độ thai sản gồm những người sau:
- Lao động nữ đang mang thai;
- Lao động nữ vừa mới sinh con;
- Lao động nữ mang bầu hộ và người mẹ nhờ mang bầu hộ theo đúng quy định của pháp luật;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi từ dưới 6 tháng tuổi ;
- Lao động nữ triệt sản hoặc đặt vòng tránh thai;
- Lao động nam tham gia đóng BHXH và có vợ sinh đẻ.
Chế độ thai sản cho chồng và vợ năm 2019 (Ảnh minh họa)
Điều kiện để vợ và chồng được hưởng chế độ thai sản năm 2019 như sau:
- Cả 2 vợ chồng đóng bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện hưởng chế độ.
- Vợ hay chồng, 1 trong 2 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
- Đóng đủ 6 tháng trở lên trong 1 năm trước khi sinh hoặc nhận nuôi con.
Lưu ý về đối tượng hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ nuôi con nuôi, sinh con, người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi phải đóng đầy đủ BHXH đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi hoặc sinh con.
- Trường hợp đóng đủ BHXH 12 tháng trở lên nhưng nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện, bác sĩ thì phải đóng BHXH đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
- Trường hợp sinh và nuôi con nuôi đủ 2 điều kiện trên nhưng nghỉ việc thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Thời gian nghỉ việc được hưởng theo chế độ thai sản năm 2019
1. Thời gian hưởng chế độ thai sản để đi khám thai
- Người mang thai sẽ được nghỉ việc có lương để đi khám thai 5 lần trong 9 tháng mang thai, mỗi lần sẽ được nghỉ 1 ngày.
- Nếu bệnh viện ở xa hoặc thai bất ổn, người mang thai có bệnh lý thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần đi khám thai.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản cho nữ khi thai chết lưu, sẩy thai, nạo phá thai do bệnh lý
Nếu lao động nữ mang thai gặp một số vấn đề như thai bị chết lưu, sảy thai, hút, phá thai do bệnh lý và có xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền như bệnh viện, cơ sở y tế thì sẽ được nghỉ việc theo BHXH như sau:
- Thai nhi dưới 5 tuần tuổi sẽ được nghỉ 10 ngày
- Thai nhi từ 5 - 13 tuần tuổi được nghỉ 20 ngày
- Thai nhi từ 13 - 25 tuần tuổi sẽ được nghỉ 40 ngày
- Thai nhi từ 25 tuần tuổi trở lên được nghỉ 50 ngày.
Lưu ý: Để được hưởng chế độ thai sản cho nữ khi thai nhi có vấn đề trong quá trình mang thai, người mẹ cần có xác nhận của cơ sở y tế và bác sĩ theo đúng quy định.
Với lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ 6 tháng (Ảnh minh họa)
3. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Đây là vấn đề mà các cặp vợ chồng nên lưu ý và tìm hiểu thật kỹ để tránh mất quyền lợi hưởng chế độ sinh đẻ khi tham gia đóng BHXH.
3.1. Chế độ thai sản cho nữ
- Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con là 6 tháng, trong đó trước khi sinh không quá 2 tháng.
- Trường hợp mang bầu đa thai: Tính từ con thứ 2 trở lên, mỗi người con mẹ sẽ được nghỉ thêm 1 tháng.
3.2. Chế độ thai sản cho chồng có tham gia đóng BHXH
- Vợ sinh đẻ thường: Nghỉ 5 ngày;
- Vợ đẻ mổ: Nghỉ 7 ngày
- Vợ sinh đôi: Nghỉ 10 ngày;
- Vợ sinh 3 trở lên: Mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày;
- Vợ sinh đôi trở lên nhưng phải mổ, phẫu thuật: Nghỉ 14 ngày.
3.3. Trường hợp khác sau khi sinh con
- Nếu mẹ mất sau khi sinh con, bố là người trực tiếp nuôi con thì sẽ hưởng chế độ thai sản theo quy định.
- Nếu con dưới 2 tháng bị chết: Mẹ được nghỉ 4 tháng kể từ ngày sinh con.
- Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên chết: Mẹ được nghỉ 2 tháng tính từ ngày con mất và thời gian nghỉ này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.
4. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi
- Nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Người lao động được nghỉ việc theo chế độ thai sản đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
- Trường hợp: Cả mẹ và bố cùng tham gia đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng chế độ thì chỉ có mẹ hoặc bố được nghỉ làm.
Vợ sinh đẻ, người chồng sẽ được nghỉ chăm vợ theo số ngày quy định (Ảnh minh họa)
5. Thời gian nghỉ dưỡng sức hồi phục sức khỏe sau sinh
Nếu sau thời gian nghỉ 6 tháng sinh con, nhận nuôi con nuôi đi làm trở lại sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục, sẽ được nghỉ dưỡng sức, hồi phục sức khỏe từ: 5 - 10 ngày.
Lưu ý:
- Thời gian nghỉ dưỡng sức bao gồm cả cuối tuần, ngày lễ Tết.
- Phải được người sử dụng lao động chấp thuận thì mới có hiệu lực.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, hồi phục sức khỏe sau sinh được quy định như sau:
- Sinh đôi trở lên: Nghỉ tối đa 10 ngày.
- Sinh con phải mổ, phẫu thuật: Tối đa 7 ngày.
- Các trường hợp khác: Tối đa 5 ngày.
Mức hưởng lương nghỉ hồi phục, dưỡng sức sau sinh cho lao động nữ sẽ bằng 30% mức lương cơ sở.
6. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi dùng các biện pháp tránh thai
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai: Nghỉ 7 ngày
- Người lao động dùng biện pháp triệt sản: Nghỉ 15 ngày
Lưu ý: Người lao động chỉ được nghỉ việc khi có xác nhận, chỉ định của cơ sở y tế, bệnh viện có thẩm quyền.
Mức hưởng và cách tính chế độ thai sản 2019
1. Mức hưởng chế độ thai sản năm 2019
- Mức hưởng 1 tháng: Sẽ bằng 100% mức bình quân lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.
- Mức hưởng 1 ngày: Sẽ bằng mức hưởng chế độ của 1 tháng và chia cho 24 ngày.
- Mức hưởng theo sinh con hoặc nhận con nuôi: Hưởng mức trợ cấp theo tháng.
Khi đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, mẹ sẽ nhận được các chế độ, tiền trợ cấp thai sản theo quy định (Ảnh minh họa)
2. Cách tính tiền chế độ thai sản năm 2019
Để có thể theo dõi, tự tính được mức hưởng, số tiền trợ cấp thai sản cho những người lao động đủ điều kiện hưởng quyền lợi, bạn có thể tự tính được mức tiền trợ cấp mình sẽ nhận được theo công thức sau đây:
2.1. Cách tính tiền chế độ thai sản cho nữ 2019
So với chế độ thai sản 2018 thì tiền trợ cấp thai sản 2019 có những thay đổi, tăng mức trợ cấp đáng kể lên như sau:
Trường hợp lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi sẽ nhận được tiền trợ cấp thai sản với cách tính như sau:
Trợ cấp 1 lần
Công thức tính: Mức trợ cấp = 2 x Lương cơ sở
Trong đó:
- Mức trợ cấp từ ngày 1/1/2019 là 2.780.000 đồng. Trong đó mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Sẽ được tính như sau: 2 x 1.390.000 = 2.780.000 đồng.
- Mức trợ cấp từ ngày 1/7/2019 là 2.980.000 đồng. Trong đó mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng. Sẽ được tính như sau: 2 x 1.490.000 = 2.980.000 đồng.
Mức trợ cấp này được điều chỉnh, thay đổi theo điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Do đó, tiền trợ cấp thai sản sẽ tăng lên 200.000 đồng so với trước đây.
Tiền chế độ
Công thức tính:
Mức lương hàng tháng = 100% x Mức bình quân lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ việc
Ví dụ: Bạn tham gia đóng BHXH với mức lương là 6.000.000 đồng/tháng. Vậy mức hưởng chế độ sẽ là: 6.000.000 x 6 = 36.000.000 đồng.
Mức trợ cấp tiền chế độ này được áp dụng theo điều 39, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Như vậy, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, sẽ được hưởng và cộng dồn tiền trợ cấp 1 lần và tiền chế độ.
Nhận nuôi con nuôi người lao động vẫn được hưởng chế độ thai sản bình thường (Ảnh minh họa)
2.2. Cách tính tiền chế độ thai sản cho nam năm 2019
Không những người vợ được hưởng quyền lợi, để có điều kiện chăm con tốt nhất thì người chồng khi tham gia đóng BHXH đầy đủ, đủ điều kiện sẽ được hưởng tiền trợ cấp thai sản cho chồng như sau:
Tiền trợ cấp 1 lần
Công thức: Mức trợ cấp = 2 x Lương cơ sở
Trong đó:
- Mức trợ cấp từ ngày 1/1/2019 là 2.780.000 đồng. Trong đó mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Sẽ được tính như sau: 2 x 1.390.000 = 2.780.000 đồng.
- Mức trợ cấp từ ngày 1/7/2019 là 2.980.000 đồng. Trong đó mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng. Sẽ được tính như sau: 2 x 1.490.000 = 2.980.000 đồng.
Mức trợ cấp thai sản cho chồng này được áp dụng theo điều 38, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và điểm a, khoản 2 điều 9 của thông tư số 59/2015/TT - BLĐTBXH.
Lưu ý: Khoản trợ cấp này chỉ được hưởng khi chỉ có người chồng tham gia vào đóng BHXH và đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi vợ sinh. Nếu cả vợ và chồng đều đóng BHXH thì chỉ có người vợ được nhận trợ cấp.
Tiền chế độ
Công thức:
Mức lương hàng tháng = Mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc: 24 x số ngày nghỉ
Khoản trợ cấp này được áp dụng theo điểm b, khoản 1 điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2019.
Ví dụ: Bạn nghỉ 7 ngày, bạn tham gia đóng BHXH với mức lương là 6.000.000: 24 x 7 = 1. 750.000 đồng.
Người lao động nữ sẽ được nghỉ 5 ngày để đi khám thai (Ảnh minh họa)
Thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ thai sản cần những giấy tờ gì?
1. Hồ sơ
Để hưởng chế độ thai sản đối với nam hay nữ tốt nhất, đảm bảo quyền lợi của mình thì người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ sau theo từng đối tượng.
Đối với lao động nữ sinh con
- Bản sao giấy chứng sinh của hoặc giấy khai sinh của con.
- Trường hợp con chết: Bản sao giấy chứng tử của con.
- Trường hợp mẹ chết: Bản sao giấy chứng tử của mẹ.
T- rường hợp người mẹ không đủ sức chăm con: Xác nhận của nơi khám chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của mẹ.
- Trường hợp con chết sau sinh chưa có giấy chứng sinh: Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ.
- Trường hợp dưỡng thai: Có giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai của nơi khám chữa bệnh.
Đối với trường hợp đi khám thai, sảy thai, nạo hút phá thai do bệnh lý, thai chết lưu hoặc tránh thai.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH .
- Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện.
Đối với người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
- Giấy chứng nhận quyền nhận nuôi con nuôi
Đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ đẻ
- Bản sao giấy khai sinh hoặc chứng sinh của con.
- Trường hợp vợ sinh mổ, con dưới 32 tuần: Giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi vợ sinh đẻ.
Để nhận, hưởng tiền trợ cấp thai sản nhanh, đầy đủ người lao động nên làm đủ giấy tờ và nộp sớm (Ảnh minh họa)
2. Thủ tục hưởng chế độ thai sản
Để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người lao động thì người lao động, các cơ quan, tổ chức cần làm các thủ tục sau đây:
Với người lao động nộp hồ sơ
- Thời hạn nộp hồ sơ, các giấy tờ liên quan là 45 ngày kể từ ngày đi làm việc lại.
- Nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
- Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi: Nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH
Với người sử dụng lao động lập hồ sơ
- Kể từ 10 ngày khi nhận được hồ sơ của người lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp về cơ quan BHXH
Với cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ
- Cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm chi trả tiền chế độ thai sản cho người lao động trong thời gian:
- 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động
- 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động đã thôi việc trước khi sinh hoặc nuôi con nuôi.
Tối đa trong 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động sẽ được hưởng, nhận tiền trợ cấp thai sản.
Quy định này được áp dụng theo điều 102, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Chế độ thai sản 2019 với nhiều thay đổi, chế độ mới, tăng mức tiền trợ cấp sinh đẻ hơn so với 2018.
Vì thế, để không mất quyền lợi của mình thì các cặp vợ chồng có ý định sinh con, nhận con nuôi hoặc đang mang thai nên tìm hiểu rõ về đối tượng được hưởng chế độ thai sản gồm những ai, mức trợ cấp là bao nhiêu và cần làm những giấy tờ gì để nhận được tiền trợ cấp thai sản cho chồng hoặc cho vợ nhanh, đầy đủ nhất.