Liệu có phải cứ cho thai nhi nghe nhạc là bé thông minh? Nghe nhạc khi bầu bí thế nào mới đúng?
Không ai biết chắc chắn rằng âm nhạc có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hay không. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai nhi có thể nghe và phản ứng với âm thanh bằng cách di chuyển nhưng không ai thực sự biết những chuyển động đó có ý nghĩ gì bởi các chuyên gia không thể quan sát thai nhi một cách dễ dàng như khi quan sát một em bé đã được sinh ra.
Nghe nhạc giúp em bé thông minh hơn ngay từ khi trong bụng mẹ?
Không có nghiên cứu nào đưa ra kết luận chắc chắn về vấn đề này. Bạn có thể đã nghe nói rằng tiếp xúc với âm nhạc giúp trẻ em ở mọi lứa tuổi thông minh, giỏi toán hơn, nhưng ông Gordon Shaw, một nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực khoa học thần kinh tại Đại học Califonia ở Irvine, cho biết các nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào trẻ lớn, không phải thai nhi.
Chưa có nghiên cứu chính thức chứng minh nghe nhạc giúp thai nhi thông minh hơn (ảnh minh họa).
Ví dụ, những bài học piano có thể nâng cao khả năng suy luận không gian của trẻ (khả năng hiểu không gian ba chiều), nhưng các nhà nghiên cứu chỉ thử nghiệm, quan sát và đưa ra kết luận ở trẻ 3 hoặc 4 tuổi. Từ đó, một số chuyên gia phỏng đoán rằng nếu âm nhạc có ảnh hưởng sâu sắc đến các bé, trẻ sơ sinh thì thai nhi cũng có thể nhận được lợi ích từ âm nhạc theo cùng cách đó.
Một số người cũng cho rằng trẻ sơ sinh có thể nhận ra loại nhạc bố mẹ đã từng mở cho bé nghe khi còn đang nằm trong bụng mẹ, bé cũng hoạt bát hơn hoặc dễ đi vào giấc ngủ khi nghe một bản nhạc quen thuộc. Tuy nhiên, Janet DiPietro, một nhà tâm lí học chuyên nghiên cứu về sự phát triển của thai nhi tại trường Đại học John Hopkins, cho biết những kết luận này hoàn toàn mang tính giai thoại và không được dựa trên những nghiên cứu thực sự.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy thai nhi cử động, hít thở theo nhịp nhạc nhưng giới chuyên môn cũng chưa biết liệu điều này có tốt cho bé không. Việc phản ứng với các giai điệu âm nhạc cũng như những âm thanh khác của thế giới bên ngoài của bé không thể hiện được là bé thích thú hay khó chịu với chúng.
Cho thai nhi nghe nhạc như thế nào?
Mặc dù không có nghiên cứu chính thức kết luận cho việc thai nhi nghe nhạc cổ điển sẽ thông minh hơn nhưng các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng nghe nhạc là một lựa chọn tốt khi mang thai dù cho nó có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi hay không. Nếu thai phụ yêu thích âm nhạc cổ điển, âm nhạc có thể giúp mẹ làm dịu tinh thần. Và khi mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn, bớt căng thẳng thì điều này sẽ có tác dụng tích cực đối với thai nhi.
Lựa chọn tốt nhất khi mẹ và thai nhi nghe nhạc đó là sử dụng loa ngoài. Nhiều mẹ lo âm lượng loa ngoài không đủ để thai nhi nghe tiếng nhạc nên áp tai nghe vào bụng để bé dễ nghe hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu không được áp tai nghe vào bụng quá một giờ mỗi lần bởi lẽ nước ối có khả năng khuyếch đại âm thanh, nếu nghe nhạc quá to trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thính lực của bé sau khi ra đời. Để đảm bảo an toàn, mỗi ngày mẹ có thể cho bé nghe từ 2-3 lần và mỗi lần nghe không quá 20 phút.
Áp tai nghe vào bụng quá một giờ với âm lượng to có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ (ảnh minh họa).
Thông thường đến tháng thứ 4 thai nhi đã có thể phản ứng với những âm thanh bên ngoài nhưng thai đạp mạnh không có nghĩa là biểu hiện bé thích nghe nhạc. Chủ yếu thời gian trong bụng mẹ thai nhi dành để ngủ, âm thanh bất ngời làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ có thể gây ra rối loạn nhịp sinh học của bé. Do đó, thói quen mở nhạc thật to vì sợ con không nghe thấy của nhiều ông bố bà mẹ là hoàn toàn sai lầm.
Âm thanh như thế nào là quá to?
Thai nhi hay trẻ sơ sinh và thậm chí cả người lớn cũng chỉ tiếp nhận được một lượng âm thanh nhất định. Nếu nhạc quá to, khi sinh ra thính giác của trẻ có thể không tốt.
Học viện Nhi khoa Mỹ đã nghiên cứ các thai phụ làm việc trong những lĩnh vực tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn đã thấy thai nhi tiếp xúc với những tiếng ồn này trong thời gian dài có nhiều khả năng bị sinh non, trọng lượng sinh thấp cũng như khả năng mất thính lực cao hơn các bé khác.
Hiện nay, nhạc tại các cửa hàng thường có âm lượng khoảng 65 decibel (dB), âm lượng này có thể làm tổn thương hoặc khiến thai nhi bị giật mình nếu nghe trong thời gian dài. Lời khuyên cho mẹ là khi nghe nhạc, mẹ nên duy trì âm thanh dưới 50 dB là an toàn cho thai nhi, đây cũng là mức âm thanh được sử dụng hầu hết ở các đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh.
Dưới đây là mức decibel của âm thanh phổ biến trong gia đình, mẹ có thể dựa vào đó để điều chỉnh âm lượng của bản nhạc sao cho phù hợp nhất:
- Máy giặt: 50-70 dB
- Máy rửa chén: 55-70 dB
- Máy hút bụi: 60-85 dB
- Máy sấy tóc: 60-95 dB
- Đồng hồ báo thức: 65-80 dB
- Tiếng dội nước trong WC: 75-85 dB
- Chuông điện thoại: 80 dB
Âm nhạc cũng giống như đồ ăn thức uống: ít quá sẽ bị thiểu dưỡng trí năng, nhiều quá gây ra bội thực; có loại âm nhạc bổ ích, có loại âm nhạc độc hại và có bản nhạc hợp với người này nhưng không hợp với người kia.
"Điều độ" là từ khóa mẹ nên nhớ khi cho thai nhi nghe nhạc (ảnh minh họa)
Sử dụng âm nhạc như thế nào để tốt cho thai nhi? Câu hỏi này đến nay giới khoa học vẫn chưa có chỉ dẫn rõ ràng, mà chỉ có những lời khuyên căn cứ trên những phân tích về mặt logic khoa học nhiều hơn là những bằng chứng khoa học xác đáng. "Nghe nhạc nhiều giúp thai nhi thông minh hơn?" là câu hỏi chưa được kiểm chứng nhưng có một điều chắc chắn nghe nhạc nhẹ nhàng giúp mẹ bầu thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngủ ngon giấc, điều này rất có lợi đối với mẹ và là ảnh hưởng gián tiếp của âm nhạc đến sự phát triển của thai nhi.
Điều độ là chìa khóa khi sử dụng âm nhạc cho mẹ và bé. Thay vì ép thai nhi phải nghe thật nhiều nhạc, áp tai nghe vào thành bụng hoặc mẹ phải cố nghe thật nhiều (kể cả những bản nhạc khiến mẹ khó chịu), thì hãy để cho bé được tiếp thu âm nhạc một các tự nhiên hơn. Ví dụ như mẹ có thể chọn nghe những loại hình âm nhạc mình yêu thích, nghe trong lúc tâm trạng vui vẻ, thoải mái, hay mẹ có thể hát những ca khúc mình yêu thích để cả hai mẹ con cùng nghe, đừng bao giờ cố gắng nghe hay áp đặt một bản nhạc mình nhất định phải nghe. Mẹ hãy nhớ thai nhi đang là một phần của cơ thể mẹ, mọi hoạt động thể chất của mẹ thai nhi đều có thể cảm nhận thấy.