Có những cách giảm đau nếu mẹ áp dụng triệt để sẽ có tác dụng rất hữu hiệu.
Thời con gái, nghe chuyện của mẹ, của chị với cơn đau đẻ thập tử nhất sinh chắc hẳn vẫn còn là nỗi ám ảnh của các mẹ bầu. Thế nhưng các mẹ không nên quá lo lắng vì thực ra có khá nhiều biện pháp giúp giây phút lâm bồn của mẹ trở thành những ký ức tươi đẹp, khó quên và không hề đau đớn.
Tạo môi trường dễ chịu
Trong thời gian mang bầu, mẹ thường đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố môi trường xung quanh, vì vậy một môi trường thoải mái, dễ chịu sẽ giúp mẹ bầu giải tỏa được cảm giác căng thẳng, lo lắng và làm dịu cơn đau lúc lâm bồn. Các mẹ bầu có thể tìm đến những nơi có không gian để đi bộ, nghỉ ngơi và sử dụng các đồ nội thất cũng như các thiết bị có tác dụng xoa dịu tinh thần, hỗ trợ giảm đau như máy nghe nhạc, xích đu, giường mềm... Cách tốt nhất để đương đầu với cơn đau đẻ là "để dành" năng lượng băng cách nằm nghỉ. Do đó, khi chưa có các cơn co thắt tử cung, bạn hãy nằm thật thoải mái trên giường, chặn gối xung quanh để hỗ trợ bụng và lưng. Bạn cũng nên uống một chút nước ngọt và ấm. Nghe nhạc hoặc xem TV cũng sẽ khiến bạn thư giãn tốt hơn. Sau đó, bạn sẽ dễ dàng đương đầu với cơn đau đẻ.
Mẹ nên nằm nghỉ "để dành" năng lượng đương đầu với những cơn đau đẻ (ảnh minh họa).
Tìm người trợ giúp đắc lực.
Theo một số nghiên cứu mới đây, nếu sản phụ có người ở bên hỗ trợ và an ủi sẽ sinh nở nhanh và dễ dàng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, một số bệnh viện không cho phép các thành viên trong gia đình sản phụ có mặt trong quá trình sinh nở. Trong trường hợp bệnh viện cho phép người thân trợ giúp, bạn nên suy nghĩ kỹ xem chọn ai ở bên. Bạn nên chọn người bình tĩnh, tin cậy, có thể nói chuyện với bác sĩ thay cho bạn. Bạn hãy cân nhắc lựa chọn chị, em gái, ông xã, mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc bạn gái cho phù hợp... Đội ngũ bác sĩ, y tá có trình độ, tay nghề cao, tận tâm, nhiệt tình cũng là nhân tố vô cùng quan trọng bởi khi mẹ bầu được đối xử đầy tôn trọng và kiên nhẫn, căng thẳng và ức chế trong phòng sinh sẽ giảm đi nhiều, đồng thời các bác sĩ, y tá có kinh nghiệm sẽ giúp bạn "vượt cạn" dễ dàng hơn nhiều, do đó mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ trước khi nhập viện.
Tìm hiểu về quá trình lâm bồn
Các mẹ bầu nên tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến quá trình lâm từ sách báo, tạp chí, các trang web, clip, từ các lớp học tiền sản, người thân hoặc bạn bè. Các mẹ cũng nên tự làm quen với các thủ tục, quy trình trong bệnh viện. Khi cơn đau đẻ bất ngờ đến, nếu không chuẩn bị tâm lý và thông tin từ trước, các mẹ bầu thường khá bối rối, lo lắng, đến bệnh viện lại không biết làm thủ tục, đến phòng ban nào, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, ức chế, làm cơn đau đẻ càng trầm trọng hơn. Hãy nên nhớ rằng, càng nhiều kiến thức, mẹ càng chủ động với những tình huống bất ngờ xảy ra và có thể ung dung tập trung chuẩn bị đón bé yêu chào đời với tâm lý thoải mái nhất.
Mẹ bầu nên tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm lý từ trước để tránh bối rối (ảnh minh họa).
Bày tỏ nỗi lo ngại của bạn
Bạn đang lo lắng về cơn đau đẻ, những chiếc kim tiêm, thuốc thang hay những tình huống ngoài tầm kiểm soát có thể xảy ra? Hãy chia sẻ điều này với một người bạn am hiểu, đáng tin cậy hay một bác sĩ thân thiết bạn thường đến khám. Bày tỏ mối lo ngại có thể giúp giải tỏa tâm lý cho mẹ bầu, xoa dịu lo lắng, hồi hộp và có thể mang lại những lời khuyên, giải thích thiết thực cho vấn đề mà bạn quan tâm. Khi nỗi sợ đã được giải tỏa, bạn sẽ đón nhận cơn đau đẻ dễ dàng và đỡ đau đớn hơn rất nhiều.
Tập hít thở
Tập trung hít thở là cách tốt nhất để vượt qua những cơ co thắt tử cung. Bạn hãy hít thở thật sâu khi cơn co bắt đầu rồi thở ra và thư giãn. Bạn có thể hít vào qua đường mũi và thở ra bằng miệng. Đừng quá bận tâm xem bạn đã hít thở sâu chưa, hãy cứ thở thật đều. Tập trung thở khi có cơn co thắt sẽ giúp cảm giác đau đớn giảm nhẹ đi.
Sử dụng hình ảnh và tưởng tượng
Mẹ bầu có thể tập trung vào một thứ gì đó mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc như tưởng tượng khuôn mặt của bé yêu, một bức ảnh truyền cảm hứng hoặc đồ vật yêu thích của bạn để kích thích các giác quan và làm giảm nhận thức của bạn về đau đớn. Các mẹ bầu cũng có thể nghe những bản nhạc êm dịu, một giọng nói nhẹ nhàng hoặc tiếng ghi âm của sóng biển dạt dào, và tưởng tượng mình đang đắm chìm trong một môi trường thoải mái, dễ chịu để làm quên đi cơn đau đẻ hiện tại.
Tắm nước ấm
Tắm vòi hoa sen với nước ấm đặc biệt tốt cho mẹ bầu khi gần đến ngày "vượt cạn", nhất là khi mẹ có thể ngồi trên một chiếc ghế, hướng vòi hoa sen vào bụng hoặc lưng. Tắm trong nước ấm có thể giúp mẹ thư giãn, thậm chí giúp làm tăng cơn co thắt trong lúc lâm bồn, giúp mẹ bầu trải qua thời gian đau đẻ ngắn hơn.
Tắm nước ấm giúp mẹ bầu thư giãn, giảm đau đớn (ảnh minh họa).
Thay đổi tư thế
Tránh nằm ngửa khi cơn co thắt đang diễn ra, mẹ sẽ sinh lâu hơn nếu nằm xuống. Quá trình sinh nở càng lâu, mẹ sẽ càng bị mệt. Vì thế khi chuẩn bị sinh, mẹ hãy cố gắng đứng lên, chọn tư thế mà mình cảm thấy thoải mái nhất. Nếu bác sĩ không có yêu cầu đặc biệt, mẹ có thể thử áp dụng một số tư thế sau:
- Đứng lên và dựa vào giường.
- Quỳ xuồng và dựa vào ghế (nhớ đăt một vài chiếc ghế dưới gối để tránh bị đau và giảm áp lực lên bụng).
- Chống cả tay và chân xuống để giảm đau lưng.
- Ngồi một lúc trên ghế rồi đứng dậy và đi bộ.
- Lắc hông nhẹ nhàng để em bé trong bụng mẹ có thể chuyển động.
Sử dụng túi chườm ấm hoặc mát
Trong quá trình vượt cạn, đau đẻ khiến mẹ rất mệt mỏi và có thể kiệt sức. Mẹ bầu có thể dùng túi chườm ấm để áp vào lưng, bụng dưới, vai hoặc háng để giảm bớt cơn đau. Nếu không có túi chườm nóng, mẹ có thể thay thế bằng một chai nhựa đựng nước nóng rồi quấn khăn bên ngoài trước khi chườm. Một chiếc túi chườm mát cũng có thể làm dịu cảm giác nóng bỏng ở những khu vực đau đớn. Mẹ bầu còn có thể sử dụng những chiếc khăn mát để lau mặt, ngực và cổ đẫm mồ hôi, mang lại cảm giác sảng khoái hơn, cơn đau đẻ nhờ đó cũng dịu đi phần nào.
Massage nhẹ nhàng
Massage có thể giúp mẹ đương đầu với cơn đau đẻ và giải tỏa lo lắng. Mẹ có thể nhờ ai đó massage ở lưng trong lúc có những cơn co tử cung. Vùng vai gáy được massage cũng sẽ giúp mẹ thoải mái hơn. Một điều cần lưu ý là động tác massage phải nhẹ nhàng, chậm rãi. Cách này sẽ khiến cơ thể sản sinh endorphins, một chất sinh hóa tự nhiên giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái và dễ chịu.