Đau sau đẻ - quá hãi!

Ngày 16/09/2013 10:08 AM (GMT+7)

Ai cũng bảo trên đời này không gì đau bằng đau đẻ, ấy vậy mà chưa hết đâu chị em ạ.

Nhiều mẹ hỏi tôi: “Đau đẻ dã man lắm à?”, tôi bảo: “Vâng, nhưng đau sau sinh còn sợ gấp trăm lần”. Tôi chẳng nói ngoa chút nào đâu, đến giờ Sóc đã được gần 2 tuổi rồi nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện sinh nở, tôi vẫn "nổi da gà". 1 tháng sau sinh, tôi đã tuyên bố thẳng thừng với cả nhà rằng sẽ không bao giờ đẻ nữa. Ám ảnh lớn nhất với tôi không phải cơn đau chuyển dạ mà là “hậu quả” sau ca đẻ. Có lẽ do tôi chuẩn bị tâm lý chưa thật sẵn sàng nên tôi thực sự bị sốc với những cơn đau này.

Sợ nhất đau vết mổ đẻ

Đúng ngày dự sinh, khi vừa nằm ngủ được một lúc (khoảng 11 giờ đêm) tôi bỗng giật mình bởi tiếng “bục” phát ra từ cơ thể. Không khó để tôi nhận ra ngay vùng kín của mình đang có chuyện. Tôi vội vào nhà vệ sinh để kiểm tra thì ôi thôi nước ối đã tràn ra lênh láng. Hai vợ chồng vội bắt xe đến bệnh viện. Cũng may bệnh viện nơi tôi đăng ký sinh cách nhà chỉ hơn 1km nên 15 phút sau chúng tôi đã có mặt. Sau khi làm xong thủ tục ban đầu, tôi được đưa vào phòng khám và rất nhanh sau đó, bác sĩ kết luận tôi đã vỡ ối, phải tiêm thuốc kích đẻ ngay. Nửa giờ sau khi tiêm thuốc, những cơn đau đẻ dữ dội bắt đầu xuất hiện. Cả đêm hôm đó, tôi vật vã chống chọi với cơn đau trong khi cổ tử cung thì cứ im lìm. Đến 7 giờ sáng hôm sau, cổ tử cung mới mở được 4 phân. Lúc này tôi đã gần như kiệt sức vì đau quá. Bác sĩ khám lại một lần nữa và quyết định cho tôi mổ đẻ vì nước ối đã cạn hết, sợ em bé bị ngạt. “Vậy là bị “ăn dao” rồi, vừa đau đẻ thường, vừa đau đẻ mổ, số tôi sao khổ thế”, tôi đã nghĩ vậy khi nằm miên man trên bàn mổ.

Đau sau đẻ - quá hãi! - 1
Tôi không ngờ, vết mổ đẻ lại đau đến thế. (ảnh minh họa)

Rất nhanh chóng, chỉ 20 phút sau con yêu đã chào đời. Trong suốt thời gian bác sĩ tiến hành mổ lấy con, tôi hoàn toàn tỉnh táo và biết hết mọi chuyện đang diễn ra. Tôi nghĩ đẻ mổ nhẹ nhàng thế này sao, biết trước tôi đã chọn đẻ mổ ngay từ đầu để khỏi phải chịu những cơn đau chuyển dạ. Sau sinh khoảng 5 giờ, tôi được chuyển về phòng bình thường và lúc này mới được nhìn rõ mặt con. Cũng từ lúc này, thuốc gây tê dần dần hết tác dụng và tôi bắt đầu phải đối mặt với cơn đau vết mổ đẻ. Cả ngày hôm đó tôi nằm liệt giường, người đau ghê gớm nhưng chẳng dám xoay người vì đau vết mổ. Đến sáng hôm sau, bác sĩ yêu cầu tôi phải tập ngồi, tập đi. Ôi lúc này mới gọi là cực hình. Gượng mãi, gượng mãi tôi mới ngồi dậy được. Những bước đi đầu tiên của tôi đồng hành cũng những giọt nước mắt. Ám ảnh nhất là mỗi lần con khóc đòi ti hoặc muốn ôm ấp, vỗ về con yêu một chút cũng không thể ngồi dậy vì đau. Phải đến ngày thứ 5,6 vết mổ mới đỡ dần. Đấy là cơ địa của tôi còn tốt đấy, nhiều mẹ bị đau vết mổ đến cả tháng, lại không thể tập đi sớm nên còn bị dính ruột, khổ lắm.

Cứ bảo đẻ mổ mới đau thế chứ đẻ thường, xong là xong luôn. Không có chuyện đó đâu các mẹ ạ. Một chị đẻ thường nằm cạnh giường tôi cũng “sống dở chết dở” vì đau vết rạch tầng sinh môn. Đầu thằng cu nhà chị to nên chị bị rạch tầng sinh môn đến gần hậu môn, khâu tận 8 mũi. Tôi nghĩ như thế thì có kém gì vết mổ đẻ của tôi. Mà vết rạch lại ở vùng kín nên mỗi lần đi tiểu hoặc vệ sinh như “chết đi sống lại”. Nói thật, những vết đau này khéo còn kinh khủng hơn đau đẻ.

Ôi, ngực của tôi!

Nhưng ám ảnh về vết đau đẻ mổ của tôi không thể bằng những cơn đau do tắc tia sữa. Tôi sinh mổ nhưng thật may chỉ 1 ngày sau đẻ là sữa về. Có lẽ do tôi đẻ đã đến ngày dự sinh nên sữa cũng nhanh về hơn. Do con còn nhỏ nên chỉ tu ti được một tí đã no, tôi lại thuộc tuýp người nhiều sữa nên đến ngày thứ 4 thì hai ngực bắt đầu cương cứng. Tôi cũng đã chủ động hút sữa nhưng do mới sinh, các tia sữa chưa thông nên mỗi lần hút như “cực hình”, đau đớn vô cùng nhưng cũng chỉ được 50-60ml. Sữa càng ngày càng nhiều, con thì vẫn ăn có hạn nên chỉ đến hôm sau, tôi bị sốt vì sữa. Khi xuất viện, bác sĩ dặn tôi về nhà chăm chỉ hút sữa vì tôi nhiều sữa quá, con không bú hết, cứ để như thế sẽ bị tắc tia sữa. Thế nhưng đâu phải hút sữa đơn giản, vì tôi sinh con lần đầu nên các mạch sữa chưa thông hẳn, hút rất khó khăn.

Đau sau đẻ - quá hãi! - 2
"Núi đôi" sau sinh "hoành hành" tôi đến mất ăn mất ngủ. (ảnh minh họa)

Đến khoảng ngày thứ 7 thì tôi bị sốt lên đến 40 độ vì ngực căng cứng sữa. Sữa bị tắc lại, cắn nhay nháy trong bầu ngực khiến tôi mất ăn mất ngủ. Lúc đó tôi đau đớn đến nỗi không còn thiết gì đến con. Trong lúc hai ngực tôi căng đầy sữa thì con vẫn phải ăn sữa ngoài vì tôi đau quá không thể cho con bú được. Tôi đến bệnh viện và được chẩn đoán bị áp-xe vú do tắc tia sữa. Từ hôm đó, ngày ngày tôi phải đi thông sữa. Có chị em nào đã từng phải đi thông sữa mới hiểu cảm giác đau đớn thế nào. Bác sĩ dùng tay để day núi đôi của tôi cho mềm ra rồi lấy dụng cú hút từng tí sữa một. Ôi cảm giác đau “thấu trời xanh” luôn… Điều trị khoảng 10 ngày thì núi đôi của tôi ổn định bình thường, tuy nhiên ngày ngày tôi vẫn phải hút bỏ đi đến gần 1 lít sữa. Có lẽ do tôi nhiều sữa quá nên mới bị tắc thế. Tôi đã có những trải nghiệm kinh khủng những ngày đi thông sữa. Giờ ngồi viết lại những dòng này tôi vẫn “nổi da gà”.

Đau “thấu trời” vì co dạ con

Các mẹ đẻ thường chắc đỡ “nhọc” vì khoản này hơn. Đấy là tôi nghe bạn bè nói thế vì tôi không đẻ thường nên cũng không biết. Khoảng 10 ngày sau đẻ mổ, tôi bắt đầu thấy xuất hiện những cơn đau ở bụng. Những cơn đau này ngày càng nặng nề hơn khiến tôi sợ hãi vì lo vết mổ đẻ có vấn đề. Ngày hôm trước tôi lại được chồng làm cho món tôm kho nên mẹ tôi đã đổ tại ăn tôm có mùi tanh nên tôi bị đau bụng.

Đến bệnh viện, các bác sĩ nói vết mổ của tôi bình thường. Nhưng cơn đau đó chỉ là đau do co dạ con thôi. Những cơn co bóp này sẽ giúp đẩy cục máu, sản dịch, chất dư thừa ra ngoài nên tử cung đồng thời tử cung cũng co dần về trạng thái ban đầu. Thông thường đẻ mổ sẽ đau hơn và đến lần sinh thứ 2 thì cơn đau nhiều nữa. Tôi nghe mà sợ “khiếp vía”, không biết lần 2 đau hơn thì đến mức nào. Những cơn đau này khéo còn mạnh hơn cả đau chuyển dạ ấy. Vậy nhưng cũng may nó chỉ kéo dài khoảng 4 ngày. Nếu đau lâu nữa chắc tôi chết luôn.

Trên đây là những trải nghiệm điển hình mà tôi đã trải qua. Ngoài ra, sau sinh các mẹ còn phải đối mặt với cơn đau lưng (đặc biệt với mẹ đẻ mổ do bị gây tê màng cứng), mệt mỏi, trầm cảm sau sinh… Vì vậy, tôi khuyên chị em nên chuẩn bị tâm lý thật kỹ để không bị sốc sau sinh như tôi. Chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ, nên tham gia các lớp học tiền sản về sinh nở.

Nói là đau “thấu trời” thế nhưng đến khi được nhìn mặt con yêu, được ngày ngày chăm sóc con, nhìn bé lớn lên, thay đổi mỗi ngày cũng vui lắm các mẹ ạ. Đó là món quà vô giá để bù đắp cho những đau đớn mà chúng ta phải trải qua sau ca sinh nở. Nghĩ lại lúc sau sinh, tôi đã không ngần ngại tuyên bố sẽ không bao giờ đẻ nữa nhưng giờ Sóc được gần 2 tuổi rồi, có đôi lúc tôi nghĩ đến cảnh sẽ có thêm một bé con nữa để nô đùa với Sóc thì vui biết mấy, và tôi lại nghĩ đến ngày sẽ “đeo bao lô ngược”…

Mẹ Sóc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ