Chọn đẻ thường, tôi “khỏe re”

Ngày 10/05/2014 11:25 AM (GMT+7)

Chẳng biết các mẹ thế nào chứ tôi rất hài lòng với quyết định đẻ thường của mình.

Hôm trước, tình cờ đọc được những chia sẻ của các mẹ về chuyện đẻ thường, đẻ mổ (Chọn đẻ mổ, tôi đã sai lầm!; Đừng tưởng đẻ thường mà sướng!), tôi nghĩ có thể do cơ địa của các mẹ không hợp với từng phương pháp này nên mới chịu đau đớn, khổ sở thế. Chứ riêng tôi, qua hai lần sinh nở,  2 lần đẻ thường, tôi đều thấy rất hài lòng và cảm thấy đó là quyết định sáng suốt.

Tôi đã lo lắng vô cùng khi đọc những dòng bình luận ở cuối bài viết “Đừng tưởng đẻ thường mà sướng!” của nhiều mẹ bầu cũng như những chị em đang muốn có thai, họ lo lắng không dám đẻ vì sợ đau đẻ vì không biết nên chọn đẻ thường hay đẻ mổ. Theo tôi, phụ nữ khi được sinh ra đã mang trong mình thiên chức làm vợ, làm mẹ trong đó đương nhiên có nhiệm vụ phải sinh đẻ. Các mẹ có thấy, từ bao đời nay có biết bao người phụ nữ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, thậm chí họ còn sinh đến 5-7 đứa con chứ không chỉ 2 đứa. Vậy có lý do gì mà chúng ta không thể dũng cảm sinh thường được đúng không.

Nếu mẹ vẫn chưa đủ tự tin để đón con yêu bằng phương pháp sinh thường, tôi sẽ liệt kê ra những ưu điểm vượt trội của phương pháp này mà tôi đã được hưởng qua 2 lần sinh nở để chị em thêm vững tin nhé!

Sinh thường – đâu có đau lắm!

Lần đầu mang thai, tôi ốm nghén khủng khiếp. 3 tháng đầu tôi giảm đến 4kg và rất lo con yêu sẽ bị thiếu chất. Những tháng đầu đó, vừa không ăn uống được, cơ thể lại mệt mỏi khiến tôi nhiều lúc rất sợ việc mang bầu. Cũng may từ tháng thứ 4, triệu chứng này bắt đầu giảm dần và tôi ăn uống ngon miệng hơn. Thế nhưng đến quý 3 thai kỳ, tâm trạng tôi lại một lần nữa lo lắng khi ngày ngày phải đối mặt với những câu chuyện đi đẻ khủng khiếp của mọi người. Hầu hết những người xung quanh tôi đều “khoe”: “Ôi đau đẻ khủng khiếp lắm!” “Ôi, tôi tưởng mình đã không thể sống được!”… Tôi cũng sợ mình sẽ không thể vượt qua được cơn đau đẻ vì vốn dĩ tôi nhút nhát và rất sợ đau.

Thế nhưng chồng tôi thì vững vàng tâm lý hơn nhiều. Trong suốt thai kỳ, anh luôn khuyến khích tôi đi học lớp tiền sản, rồi chăm chỉ tập luyện thể thao và anh rất muốn tôi đẻ thường. Tôi cũng thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ về sức khỏe thai kỳ, tôi không ăn uống quá nhiều và cũng chỉ cần con được khoảng 3-3,2kg là được.

Chọn đẻ thường, tôi “khỏe re” - 1
Qua 2 lần sinh thường, tôi thấy rất nhẹ nhàng. (ảnh minh họa)

Trước ngày dự sinh 10 ngày, tôi nhận thấy những cơn đau bụng âm ỉ. Cứ nghĩ đó chỉ là những cơn đau do ăn uống nên tôi không quan tâm nhiều. Cả đêm đó, tôi vẫn ngủ lúc tỉnh lúc say vì những cơn đau thỉnh thoảng lại ghé thăm. Sáng hôm sau, khi những cơn đau dày hơn, tôi vào viện khám thì bác sĩ nói cổ tử cung đã mở được 3 phân. Tôi nhập viện và tiếp tục đối mặt với những cơn đau. Trong suốt thời gian đau đẻ, chỉ trừ những lúc cơn đau đỉnh điểm tôi phải gồng mình chịu đựng thì tôi vẫn có thể cười nói, ăn uống và tám chuyện với mọi người. Chắc chỉ khoảng 1 giờ cuối trước khi con chào đời là cơn đau mạnh mẽ hơn cả.

Tôi lên bàn đẻ, làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và rặn 3 lần là con ra đời. Nghe được tiếng khóc của con yêu sau 9 tháng mong chờ, tôi dường như quên hết mọi đau đớn.

Đến lần sinh nở thứ 2, tôi còn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chỉ 6 giờ sau khi đau đẻ, con tôi đã chào đời. Và cảm xúc cũng đúng như lần 1, chỉ cần nghe tiếng con khóc chào đời, nhìn thấy đôi môi hồng xinh, đôi mắt trong veo của con là đau đớn trong tôi tan biến cả.

Phục hồi rất nhanh

Nếu như mẹ đẻ thường phải mất cả một tuần, thậm chí là cả tháng đề phục hồi thì tôi chỉ phải ở viện 1 ngày. Tôi sinh con đầu lòng lúc 10 giờ sáng thì trưa hôm sau đã được xuất viện. Lúc đó, mẹ chồng tôi khá lo lắng vì sợ sức khỏe của tôi chưa phục hồi được nhưng bác sĩ khẳng định cả hai mẹ con tôi rất khỏe nên hoàn toàn yên tâm.

Tôi chỉ mất 3 ngày đầu bị đau đớn do vết rạch tầng sinh môn nhưng nhờ có mẹ đẻ hỗ trợ, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nên cảm giác cũng khá nhẹ nhàng. Một bí quyết nữa giúp mẹ giảm đau vết rạch tầng sinh môn là khi đi vệ sinh nên dùng nước ấm từ vòi hoa sen để xả cùng. Như thế sẽ không có cảm giác đau, xót. Từ ngày thứ 2 tôi đã vô tư bế con, cho con tu ti mà chẳng thấy mệt mỏi, đau đớn. Khoảng 1 tuần sau sinh, tôi có thể làm được những công việc nhẹ nhàng và 2 tuần sau đó, tôi đã có thể tự nấu ăn, giặt đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa.

Sữa về ào ào

Không phải chịu khổ sở như các mẹ đẻ mổ, khi chọn đẻ thường tôi rất hài lòng bởi chỉ sau khi con chào đời được 3 giờ là sữa tôi đã về. Cũng vì đẻ thường nên tôi chẳng mất đến 4-5 giờ nằm một mình ở phòng hậu phẫu. Sau khi khâu vết rạch tầng sinh môn xong, tôi được đẩy về bên con và có thể bế được con ngay. Tôi cũng không quên nhiệm vụ cho con bú ngay để kích thích sữa về và nhờ thế tôi có sữa rất sớm cho con, thậm chí con tôi còn chẳng phái bú đến 1 cữ sữa ngoài nào. Như thế chẳng phải quá tốt hay sao?

Tốt cho con

Tôi còn nhận thấy một lợi ích tuyệt vời của đẻ thường nữa là rất có lợi cho con. Không giống như những trẻ sơ sinh đẻ mổ thường gặp vấn đề về hô hấp, hai đứa con tôi rất ít khi bị sổ mũi, đau họng, ốm vặt dù thời tiết có thay đổi. Tôi được biết, chính nhờ quá trình đẻ thường làm bé phổi bé nở ra, giúp đẩy hết nước trong phổi ra ngoài. Đồng thời, khi sinh thường, trẻ được tiếp xúc với dịch trong âm đạo của mẹ, được tiếp nhận vi sinh vật có lợi ở đây (âm đạo của một phụ nữ khỏe mạnh là nơi chung sống hòa bình của khoảng 22 loại vi khuẩn có lợi). Vì thế, tự cơ thể của bé có thể sản xuất hệ miễn dịch và đương nhiên sẽ khỏe mạnh hơn bé sinh mổ.

Với tất cả những lý do trên, tôi thấy mình “khỏe re” khi chọn sinh thường và tôi khuyên các mẹ đừng nên lo lắng quá nhiều, hãy tự tin sinh thường nhé!

Mẹ Chút Chít
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh thường