Chóng mặt khi mang thai, khi nào bà bầu cần đi gặp bác sĩ?

Ngày 12/08/2019 15:43 PM (GMT+7)

TS. BS Bùi Chí Thương cho biết, chóng mặt khi mang thai là một trong những tình trạng phổ biến mà mẹ bầu sẽ gặp phải.

Chóng mặt khi mang thai, khi nào bà bầu cần đi gặp bác sĩ? - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Chí Thương - Giảng viên Bộ môn Sản - Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

Chóng mặt khi mang thai, khi nào bà bầu cần đi gặp bác sĩ? - 2

Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Chí Thương - Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

Chóng mặt khi mang thai là khi đang ngồi bỗng dưng đứng dậy hoặc đang đứng mẹ liền cúi xuống có dấu hiệu choáng váng. Chóng mặt khi mang thai thường kéo dài suốt 9 tháng thai kỳ và sẽ giảm dần sau khi sinh con. Đâu là giải pháp để có thể giải quyết tình trạng chóng mặt trong thai kỳ?

Khi nào bà bầu bắt đầu chóng mặt thai kỳ?

Mang thai đến tuần thứ 6 có thể mẹ sẽ gặp biểu hiện chóng mặt. Một số trường hợp có thể đến giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối mới bị chóng mặt, do em bé mới phát triển và gây áp lực đến các mạch máu của mẹ.

Ở 3 tháng đầu, mẹ bầu sẽ trải qua gần như đầy đủ các dấu hiệu ốm nghén và buồn nôn, chóng mặt cũng là biểu hiện khó tránh khỏi vì đây là thời điểm lượng đường trong máu giảm và gây mất cảm giác ngon miệng.

Yếu tố nguy cơ gây chóng mặt khi mang thai là gì?

Yếu tố nguy cơ gây chóng mặt khi mang thai phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ và có thể bao gồm cả những thay đổi xảy ra trong cơ thể.

Trong giai đoạn 3 tháng đầu, nội tiết tố và những thay đổi khác trong cơ thể làm giãn nở các thành mạch máu. Gây hạ huyết áp khiến mẹ bầu cảm thấy choáng váng. Thai nghén cũng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt, do cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng dưỡng chất cần thiết qua thức ăn.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, thể tích máu tăng 30% khi thai nhi phát triển, nhưng huyết tương tăng hơn huyết cầu nên máu loãng hơn. Điều này khiến có thể gây thiếu máu nhẹ, từ đó dẫn đến chóng mặt.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác khiến mẹ bầu cảm thấy chóng mặt như:

- Do cơ thể mất nước và chán ăn

- Thân nhiệt tăng cao

- Lượng đường trong máu dao động do tiểu đường thai kỳ

- Một số bà bầu có dấu hiệu tiền sản giật cũng dẫn đến chóng mặt khi mang thai

Ở những tháng cuối của thai kỳ, em bé phát triển to hơn chèn lên những mạch máu vận chuyển máu từ phần dưới cơ thể về tim. Điều này gây cản trở quá trình lưu thông tối ưu trong cơ thể, giảm lượng máu về tim, não và từ đó có thể gây chóng mặt.

Chóng mặt khi mang thai, khi nào bà bầu cần đi gặp bác sĩ? - 3

Chóng mặt khi mang thai là khi đang ngồi bỗng dưng đứng dậy hoặc đang đứng mẹ liền cúi xuống có dấu hiệu choáng váng. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nào cho thấy bà bầu bị chóng mặt?

- Một số bà bầu có dấu hiệu rất rõ ràng là chóng mặt và mệt mỏi.

- Một số khác lại cảm thấy buồn nôn và choáng váng

- Cũng có những chị em mang bầu cảm thấy chóng mặt dạng nhìn nhà cửa vật dụng xung quanh xoay tròn.

- Thậm chí có những bà bầu chóng mặt đến mức mất thăng bằng, không đứng vững dẫn đến ngã quỵ.

Chóng mặt khi mang thai bà bầu nên làm gì?

Khi thấy có dấu hiệu chóng mặt, bà bầu hãy:

- Lập tức từ từ ngồi xuống để tránh ngã. Nếu muốn đứng dậy cần hoạt động từ từ, chậm rãi, vì những chuyển động đột ngột sẽ làm tình trạng chóng mặt của bà bầu trở nên tồi tệ hơn.

- Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn những nguyên nhân có thể nguy hiểm sức khỏe cho mẹ và thai như tiền sản giật

- Nhắc mọi người xung quanh mở ngay cửa ra vào và cửa sổ hoặc đi đến những nơi thông thoáng.

- Khi bị chóng mặt, chị em mang thai cố gắng nằm nghiêng sang trái để phần nào cải thiện lưu thông máu đến não giúp bản thân cảm thấy khá hơn.

- Uống nhiều nước.

- Ăn nhẹ và uống nước trái cây sẽ giúp chị em tích lũy được khá nhiều năng lượng.

Phương pháp giúp ngăn ngừa chóng mặt khi mang thai

Bà bầu có thể phòng tránh các cơn chóng mặt xảy ra trong thai kỳ bằng cách thực hiện theo một số biện pháp như:

- Bà bầu không đứng quá lâu, cố gắng di chuyển nếu có thể để máu được lưu thông tốt.

- Hạn chế thay đổi tư thế quá đột ngột, nhất là khi đứng dậy, khi đang ngồi hoặc nằm vì di chuyển đột ngột có thể tụt huyết áp tư thế khiến bà bầu chóng mặt.

- Cần duy trì lượng đường trong máu bằng việc ăn uống đều đặn

- Khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu hạn chế nằm ngửa

- Bà bầu mặc quần áo rộng để giúp giảm bớt nhiệt độ cơ thể và tăng khả năng lưu thông máu.

- Uống đủ nước để tránh mất nước.

- Nên nghỉ ngơi nơi thoáng đãng, mát mẻ.

Chóng mặt khi mang thai, khi nào bà bầu cần đi gặp bác sĩ? - 4

Bà bầuhạn chế thay đổi tư thế quá đột ngột, nhất là khi đứng dậy, khi đang ngồi hoặc nằm vì di chuyển đột ngột có thể tụt huyết áp tư thế khiến bà bầu chóng mặt. Ảnh minh họa

Khi nào bà bầu bị chóng mặt nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bà bầu bị chóng mặt do đói, nóng, thay đổi tư thế đột ngột hoặc co giật thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, không nên bỏ qua các cơn chóng mặt thường xuyên hoặc chóng mặt dai dẳng.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị chóng mặt kèm theo các tình trạng sau: Mờ mắt, nhức đầu dữ dội, đánh trống ngực, tê bì, nói ngọng, chảy máu âm đạo, đau tức ngực, khó thở, đau bụng…

Bên cạnh đó, nếu bà bầu chóng mặt đi kèm các dấu hiệu như nhịp tim nhanh và đau bụng cần đi gặp bác sĩ ngay vì đó có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về biểu hiện chóng mặt khi mang thai. Nếu trong thai kỳ bà bầu bị chóng mặt hay căn cứ vào những tư vấn trên của bác sĩ để tự tìm cách hạn chế chóng mặt khi mang thai. Trong trường hợp không thể tự can thiệp hoặc điều chỉnh được tình trạng chóng mặt, bà bầu hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị một cách sớm nhất.

Đau đầu khi mang thai và những cách làm dịu cơn đau hiệu quả
Đau đầu khi mang thai là triệu chứng điển hình thường gặp ở thai phụ đang mang thai giai đoạn đầu hoặc cuối thai kì. Dù vậy, mẹ bầu cũng không nên chủ...

Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Chí Thương - Giảng viên Bộ môn Sản - Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia