Những cơn co chuyển dạ giả không theo tần suất hay cường độ nào khiến bà mẹ này vật vã khổ sở nhưng cô vẫn chưa muốn nhập viện vì lo sợ bác sĩ sẽ can thiệp mổ.
Sinh con dưới nước (Water Birth) là phương pháp sinh khá phổ biến tại các nước phương Tây. Tuy nhiên, tại các nước châu Á vẫn chưa nhiều mẹ bầu lựa chọn cách sinh nở đặc biệt này. Chính vì vậy, bà mẹ 31 tuổi người Singapore Lim Qing Ru đã kể lại hành trình sinh nở dưới nước của mình để nhiều chị em tham khảo.
Qing Ru cho biết cô đã muốn thử phương pháp sinh dưới nước từ 6 năm trước, sau khi tình cờ xem một đoạn video trên Youtube.
Qing Ru quyết tâm có một ca sinh dưới nước và chuẩn bị rất kĩ càng.
"Người phụ nữ trong video nửa thức, nửa ngủ trong bồn nước, mắt nhắm lại. Mọi thứ yên lặng một cách dễ chịu, không tiếng la hét. Và rồi một em bé nổi lên trên mặt nước như phép màu và cô ấy nhẹ nhàng bế con đặt lên ngực. Thật tuyệt vời", Qing Ru cả lại.
Vì vậy cô quyết định khi mang thai sẽ sinh con dưới nước dù bị bạn bè bảo là "điên". Để chuẩn bị cho ca sinh, Qing Ru đã đọc và nghiên cứu về hàng loạt những lý thuyết sinh nở tự nhiên và vô vàn những kỹ thuật sinh khác nhau, đồng thời còn tham gia hơn 30 giờ các lớp học về sinh nở.
May mắn là thai kỳ của Qing Ru diễn ra khá nhẹ nhàng và suôn sẻ. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước ngày dự sinh, cô gặp phải tình trạng chuyển dạ giả.
Chuyển dạ giả có cảm giác rất giống với chuyển dạ thật nhưng khác với chuyển dạ thông thường có đặc điểm tăng dần về tần suất và cường độ thì với hiện tượng chuyển dạ giả, quãng nghỉ giữa những lần co thắt không phải lúc nào cũng ngắn dần lại và những lần co thắt cũng không mạnh hơn. Nghĩa là các cơn co thắt diễn ra không đều.
Cô đã phải chịu cơn đau chuyển dạ giả 3 ngày 3 đêm.
Ngoài ra, cơn chuyển giả xảy ra có nghĩa là không có diễn biến sinh. Nghĩa là cổ tử cung sẽ không giãn nở hay mỏng đi. Thay vào đó cả phần dưới và phần trên của tử cung cùng co bóp mạnh khiến mẹ cực kỳ khổ sở.
Qing Ru kể lại trải nghiệm của mình: "Tôi không thể ngủ được và lúc nào cũng cảm thấy đau trong 3 ngày 3 đêm. Tôi vô cùng mệt mỏi và kiệt sức… Dựa trên những gì tôi đọc được trên mạng, một vài phụ nữ phải chịu hiện tượng này trong hàng tuần liền! Viễn cảnh những gì có thể xảy ra khiến tôi suy sụp 2 lần. Tôi khóc như một đứa trẻ, cảm thấy tự thương hại bản thân và bắt đầu nhìn thấy ước mơ về một "ca sinh nở hoàn hảo" xa vời dần".
Những cơn co thắt quá dữ dội đến mức Qing Ru có lúc ước được mổ lấy thai ngay lập tức. Tuy nhiên, cô vẫn chưa muốn đến bệnh viện vì biết bác sĩ sẽ can thiệp mổ ngay lập tức, phá hỏng kế hoạch sinh nở tự nhiên của cô.
Chỉ đến khi cơn co đi vào tần suất nhất định, Qing Ru mới đến bệnh viện. Khi đó, cổ tử cung cô đã mở được 5cm và được đưa vào ngồi bồn tắm.
"Nước nóng giúp giảm cơn đau của những lần co thắt và tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Nhưng rồi hiệu quả giảm đau biến mất dần khi cơ thể tôi bắt đầu quen với nước. Vậy là tôi lại ra khỏi bồn, khi quá đau đớn thì lại vào. Tôi lặp lại chuyện đó 3 lần.
Vi mỗi lần co thắt, tôi cảm nhận được áp lực kinh khủng sâu trong xương chậu. Nếu tôi ngồi xuống hay nằm xuống, áp lực đó sẽ khiến tôi phải nhảy lên và quỳ xuống trên cả 2 tay 2 chân. Trong suốt lúc sinh, tôi hết dựa vào tường rồi lại dựa vào chồng và không thể ngồi hay nằm xuống. Điều đó khiến tôi mệt vô cùng", Qing ru miêu tả lại cảm giác khi sinh con dưới nước.
Bà mẹ 31 tuổi hoàn toàn hài lòng về ca sinh "hoàn hảo" của mình.
Qing Ru không tiêm thuốc gây tê hay giảm đau vì cô chọn sinh con dưới nước. Phải mất đến 2 tiếng để cổ tử cung của cô mở được 10cm và sau đó 30 phút nữa thì mới có thể đưa em bé ra ngoài.
Bà mẹ trẻ chia sẻ: "Ôm Elon bé nhỏ và mong manh trong tay cùng với chồng tôi trong bồn nước nóng là điều đáng nhớ nhất lúc đó. Sinh nở là một phép màu và sinh thường là một món quà, càng đặc biệt hơn nữa khi bên cạnh bạn là những người bạn thương yêu. Tôi cảm thấy cực kì may mắn và hạnh phúc khi đã thực hiện được điều mà tôi hằng mong ước".