Tôi ngại nên vẫn quyết định nghỉ để ở nhà phụ mọi người làm cỗ, chủ yếu là nhặt rau thơm, lau bát đũa gọi là có mặt cho mọi người đỡ hỏi.
Tôi là con út, trên có 2 anh trai nên từ bé đã được cả bố mẹ lẫn các anh yêu chiều, chẳng mấy khi phải vào bếp nấu nướng. Thế mà cuối cùng lấy chồng lại làm dâu trưởng.
Ban đầu tôi cũng áp lực lắm. Họ nhà chồng đông anh em, 1 năm trong họ có không biết bao nhiêu đám giỗ. Cũng may mẹ chồng tôi tâm lý, bà toàn bảo:
“Con không cần phải suy nghĩ. Các con trẻ còn phải lo công việc chứ làm sao đảm đương hết được những việc trong họ. Khi nào bố mẹ già yếu không còn sức nữa mới tới lượt con gánh vác”.
Kể từ khi tôi có bầu, mẹ chồng càng chăm sóc, thương chiều tôi hơn. (Ảnh minh họa)
Hiểu con dâu vụng chuyện bếp núc nên ở nhà bà toàn đi chợ nấu cơm. Tôi ít khi phải vào bếp, mà có vào cũng chẳng mấy khi nấu được bữa ngon, hôm thì bị khê, hôm thì bị nhão, rang thịt bị mặn, rán cá cháy, bày lên mâm chồng tôi nhăn mặt chê trong khi bà cười tươi bảo:
“Ăn uống quan trọng nhất tinh thần, nay nấu không ngon thì mai nấu lại. Miễn vợ con có lòng là bố mẹ vui rồi, con cũng đừng có đòi hỏi cầu kỳ quá. Thay vào đó thì làm đỡ nó đi, vợ con cũng đi làm vất vả có kém chồng đâu, sao lại gánh hết việc bếp núc”.
Có được mẹ chồng tâm lý, hiểu chuyện như vậy tôi thấy cuộc sống làm dâu của mình cũng thoải mái vô cùng. Nhiều lúc tôi còn thấy bà chiều mình hơn chiều con trai, mỗi lần 2 đứa cãi nhau kiểu gì bà cũng mắng chồng tôi:
“Làm chồng mà hơn thua với vợ là không đáng mặt đàn ông đâu”.
Nhất là kể từ khi tôi có bầu, mẹ chồng càng chăm sóc, thương chiều tôi hơn. Ngày nào bà cũng nghĩ món đi chợ mua đồ về nấu để tôi ăn được nhiều. Thấy tôi nghén sợ mùi, tới giờ nấu ăn, bà lại giục:
“Con lên phòng đóng cửa nghỉ ngơi để mẹ nấu cơm. Khi nào xong, mẹ sẽ gọi xuống”.
Bà cũng kiêng không cho tôi mang vác vật nặng. Thậm chí bát đữa ăn xong không cho con dâu dọn. Nhiều khi tôi ngại muốn làm cùng, bà liền xua tay:
“Việc của con là dưỡng thai để mẹ khỏe con khỏe. Mọi vấn đề khác, mẹ tự lo”.
Hôm đầu tuần vừa rồi nhà chồng tôi lại có giỗ. Ban đầu thấy tôi tính xin nghỉ làm mẹ chồng can:
“Con cứ đi làm đi, việc nhà đã có mẹ với mấy cô lo rồi. Với lại nấu nướng cỗ bàn nhiều mùi dầu mỡ, con lại nôn nhiều cho khổ”.
Tôi ngại nên vẫn quyết định nghỉ để ở nhà phụ mọi người làm cỗ, chủ yếu là nhặt rau thơm, lau bát đũa gọi là có mặt cho mọi người đỡ hỏi chứ mẹ chồng không cho làm mấy việc nặng. Tới lúc sắp mâm, chồng tôi chưa về, mẹ chồng đi gọi người ta chở bia tới, cô ruột chồng liền sai tôi bưng mâm cỗ lên nhà trên. Vì mâm cỗ bầy đầy đủ các món: xôi, gà, giò chả, nước nấu vừa nặng, vừa cồng kềnh. Dù tôi đã cẩn thận nhưng bê được vài bước liền bị vấp khiến mâm cỗ đổ ụp xuống đất, bát đĩa vỡ tan tành, đồ ăn hỗn độn. May là tôi không bị ngã theo nhưng cũng được phen hú vía, mặt tái nhợt, tim đập liên hồi. Vậy mà cô chồng không hiểu cho còn chạy lại mắng:
“Dâu trưởng mà vụng thối ra. Có mỗi mâm cỗ bưng không nổi”.
Thấy con dâu bầu bị chê, mẹ chồng tôi chạy lại bênh luôn. (Ảnh minh họa)
Ôi tôi nghe mà tối sầm cả mặt, vừa bực vừa tự ái. Đúng lúc mẹ chồng về. Đứng cửa nghe thấy con dâu bị chê, bà đi thẳng vào bảo:
“Ô hay, tôi đã nhắc cô rồi, con dâu tôi đang bầu bí đừng để nó bưng bê gì rồi cơ mà. Mà cô tưởng cứ bưng mâm, nấu cỗ giỏi sẽ là con dâu ngoan, con dâu đảm à? Tôi chẳng yêu cầu nó phải giỏi nấu nướng, bưng bê miễn nó sống có lòng có tâm với nhà chồng là được rồi. Con bé có công việc, sự nghiệp kiếm ra tiền, còn chuẩn bị sinh cho tôi đứa cháu nội nữa, thế còn đòi hỏi gì nữa”.
Nghe mẹ chồng tôi nói, cô chồng im lặng không dám nói thêm lời nào. Trong lòng tôi khi đó vui lắm bởi hiểu bà thật sự rất tôn trọng và yêu quý mình.
Bà bầu có nên bê/nhấc đồ đạc khi bụng to?
Khi mang thai, bạn có thể gặp khó khăn trong việc lấy thăng bằng. Nếu nhấc đồ vật không đúng cách, bạn và con có thể bị tổn thương. Điều này cũng làm tăng nguy cơ bị ngã. Do đó, bạn cần phải thận trọng hơn. Ngoài ra, để nhấc một vật lên, bạn nhớ ngồi xổm rồi đứng dậy nhẹ nhàng. Lúc này, áp lực sẽ đè lên chân và lưng bạn. Vì vậy, tốt nhất, bạn cần một vật gì đó vịn vào khi ngồi xổm hoặc đứng dậy để giúp bạn an toàn hơn.
Tóm lại, bạn hãy nhờ chồng hay các thành viên khác trong gia đình giúp đỡ việc khuân vác vật nặng. Tuy nhiên, sau khi mang đồ nặng, nếu bà bầu cảm thấy kiệt sức hay khó chịu, hãy đến bác sĩ để kiểm tra ngay.