Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), để tránh hiện tượng mang thai giả, chị em khi có dấu hiệu như trễ kinh, nghén thì nên đến cơ sở y tế khám để được các bác sĩ chẩn đoán.
Mới đây, trang báo Anh nổi tiếng Daily Mail đưa tin về một bà mẹ mang thai 34 tuần mới phát hiện ra mình không hề có đứa con nào trong bụng. Trong suốt thai kỳ, chị Barbara Bienvenue vẫn có các dấu hiệu như một bà bầu bình thường là ốm nghén, tiết sữa non và bụng to nhưng đến 34 tuần đi khám thai mới tả hỏa vì không hề mang bầu.
Trước đó, Barbara Bienvenue và người yêu đã từng nghĩ rằng mình sắp có 5 đứa con. Họ cũng đã cùng nhau chuẩn bị rất nhiều đồ đạc cho trẻ sơ sinh bao gồm quần áo, nôi, cũi... chỉ chờ đón các con chào đời. Đến tận tuần thứ 34, Barbara Bienvenue mới được bác sĩ kết luận là mắc hội chứng mang thai giả. Ngay sau đó, Barbara đã được đưa đến bệnh viện tâm thần để theo dõi.
Tuần 34 thai kỳ, Barbara Bienvenue mới biết mình mang thai giả.
Một trường hợp mang thai giả khác cũng đã được ghi nhận tại Brazil hồi cuối năm 2013 khi mà bác sĩ tiến hành mổ lấy thai cho sản phụ mang thai tuần thứ 41 nhưng trớ trêu thay không hề có thai nhi trong bụng. Sản phụ 37 tuổi này cho biết chị có các dấu hiệu bầu bí như bụng to và buồn nôn. Chị cho biết rằng mình có bầu được 41 tuần và đang đau chuyển dạ.
Trên đây không phải là những trường hợp mang thai giả hiếm thấy tại Anh, Brazil và nhiều nước khác trên thế giới. Theo tạp chí Psychology Today: "Trong những trường hợp này, tâm trí đánh lừa cơ thể và ngược lại. Các bác sĩ cho rằng, hiện tượng này nảy sinh khi người phụ nữ bị ám ảnh về nỗi khao khát có thai hoặc do sợ hãi". Thống kê cho thấy trong số người mang thai giả thì 80% là phụ nữ đã kết hôn, gần 15% là người độc thân, 2,3% là góa phụ và ít nhất 1/3 những người này từng mang thai trước đó.
Những người mắc hội chứng mang thai giả đều có các dấu hiệu của thai kỳ như ốm nghén, thai nhi đạp, bụng to, mệt mỏi... Mặc dù, số lượng mang thai giả không quá nhiều nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các bà mẹ và gây hoang mang trong cộng đồng cũng như việc khám, chẩn đoán của các bác sĩ.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Phó khoa sản A – Bệnh viện Từ Dũ), mang thai giả là tình trạng người phụ nữ quá mong muốn có thai và nghĩ rằng mình đang mang thai. Mang thai giả đã được mô tả từ 1923. Theo y văn, số phụ nữ mắc phải tình trạng này là hiếm, khoảng 1 – 6/ 22.000 ca sinh. “Tuy nhiên trong những năm gần đây tại BV Từ Dũ tiếp nhận 1 số trường hợp mang thai giả. Từ năm 2009 đến nay, có gần 20 trường hợp các chị phụ nữ đến khám thai, nhìn bên ngoài rất dễ nhầm là các chị này mang thai thật, bụng lớn như thai khoảng 7 – 8 tháng, hỏi ra thì có chị mất kinh vài tháng, có chị mất kinh gần 2 năm. Hầu hết các chị này đều khai có cảm giác thai máy, tăng cân, giai đoạn đầu cũng có cảm giác mệt mỏi, ốm nghén như thai thật. Đặc biệt một điều là tất cả đều đến khám lần đầu tiên kể từ khi mất kinh đến ngày khám. Khi được thông báo là không mang thai có chị tin lời bác sĩ nhưng cũng có chị không tin và vẫn nghĩ rằng mình đang mang thai”, bác sĩ Hà cho hay.
Cũng theo bác sĩ Hà, đối với con người, tuổi thai tính đến ngày dự sinh là 40 tuần. Kể từ 38 tuần tuổi thai trở đi là thai đủ trưởng thành. Nếu thai > 41 tuần mà chưa chuyển dạ sinh thì các bác sĩ cho nhập viện để khởi phát chuyển dạ. Thai > 42 tuần tuổi là thai già tháng có rất nhiều nguy cơ: suy dinh dưỡng, hội chứng hít phân su sau sinh, rối loạn chuyển hóa.... và nặng nề là thai chết trong tử cung. Không thể có trường hợp nào mang thai > 20 tháng mà chưa sinh.
Mang thai giả có khá nhiều triệu chứng như mang thai thật gồm: Mất kinh, nghén, bụng to dần theo tuổi thai, thậm chí có người còn khai là thai máy. Do vậy, theo một số nghiên cứu thấy rằng, nếu chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng đơn thuần (không siêu âm và không xét nghiệm máu), có khoảng 18% trường hợp mang thai giả được các nhà sản khoa chẩn đoán nhầm là mang thai thật.
Bác sĩ sản khoa này chỉ rõ: “Bụng to dần theo tuổi thai chiếm khoảng 60 – 90% trong số những phụ nữ mang thai giả và mất đi khi gây mê (người bệnh không còn ý thức). Mất kinh chiếm khoảng 50- 90% trường hợp, rối loạn tiêu hóa như táo bón, nôn mửa cũng là những triệu chứng thường gặp ở nhóm mang thai giả”.
Có những giải thích khác nhau về các triệu chứng này. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng những phụ nữ này có ước muốn mạnh mẽ được có thai và cũng từng biết những triệu chứng mang thai (qua những người thân hoặc bản thân từng trải). Khi sự khao khát quá nhiều làm mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, sự mất cân bằng nội tiết này thường xảy ra sau căng thẳng, lo lắng và mang niềm tin rằng mình đang mang thai. Cơ chế sinh học về những thay đổi trong cơ thể ở những người mang thai giả do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý lên trục hạ đồi – tuyến yên- thượng thận nên gây táo bón, tăng cân và sôi ruột.
“Để tránh hiện tượng mang thai giả, các chị em khi có dấu hiệu như trễ kinh, nghén thì nên đến cơ sở y tế khám để được các bác sĩ chẩn đoán xác định nhờ vào khám lâm sàng, xét nghiệm beta hCG (đặc trưng cho thai kỳ) và siêu âm. Nếu khó mang thai, các chị em nên đến khám hiếm muộn để được sự hỗ trợ của các chuyên gia”, bác sĩ Hà khuyến cáo.