Bị mẹ chồng đập cửa nhà tắm, em dâu rất bực mình. Nó mở cửa ra mặt hằm hằm, chẳng buồn kiêng nể đã gắt gỏng với mẹ chồng.
Đắc, em trai tôi mới lấy vợ. Con bé vừa tròn 20, cưới vì bầu trước 3 tháng. Dù ở quê nhưng tuổi này cưới vợ cưới chồng vẫn rất sớm.
Lúc nhận được tin sắp lên chức bà nội, mẹ tôi thở dài thườn thượt. Đắc đi làm đã hơn 2 năm mà còn chưa trưởng thành, tiền tiết kiệm không có lấy 1 đồng, cơm mẹ nấu bê tận miệng, quần áo mẹ cũng phải giặt gấp cất vào tủ. Mình nó như đứa trẻ to xác đã khiến mẹ tôi khổ sở. Thế mà giờ lại thêm 1 con bé trẻ măng về chung sống, việc chăm cháu sau này có lẽ cũng tới tay mẹ tôi phần nhiều.
Tôi nhiều lần bảo mẹ cứ kệ, phải như thế thì em trai em dâu mới trưởng thành và tự lập hơn. Nhưng bản tính thương con quá đà, mẹ tôi cứ ôm hết việc vào người, chỉ sợ chúng đói, chúng khát, chúng khổ… Bà cứ làm để rồi lại cằn nhằn, lại than mệt.
Em trai cưới vợ trẻ măng vì bầu trước khiến mẹ tôi không khỏi lo lắng. (Ảnh minh họa)
Cái cảnh mẹ chồng nàng dâu thật sự lắm vấn đề. Em dâu tôi thì quá trẻ con, hay vùng vằng giận dỗi, mẹ tôi thì cũng không khéo, tính thẳng như ruột ngựa nên cũng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” thường xuyên.
Chung sống dưới 1 mái nhà, tôi chứng kiến cảnh này cũng thật sự bất lực. Nhiều lần nói em trai hãy thể hiện vai trò của cầu nối, tìm cách giúp mẹ và em dâu thêm gắn kết nhưng nó cũng lắc đầu tặc lưỡi: Khó quá chị ơi, thôi bỏ qua. Tôi vừa thương mà cũng vừa giận.
Nhưng em dâu tôi thật sự quá trẻ con và thiếu kiến thức sinh sản, kiến thức xã hội. Nó đang bầu nhưng chẳng thấy kiêng cữ cái gì. Tuần 7 ngày thì hết 5 ngày uống trà sữa. Tối thức khuya, sáng dậy muộn, cơm chưa ăn đã đòi đi pha cà phê uống.
Mẹ tôi phải quát lên rằng không tốt cho dạ dày và thai nhi, em dâu mới phụng phịu ngồi vào bàn ăn. Nhưng nó cũng không ăn, chỉ gẩy gẩy rồi buông đũa bảo tới giờ đi làm. Hoa quả mẹ chồng mua thì không ăn, chưa gì đã ăn thật nhiều dứa, đu đủ, đòi uống nước dừa thay nước lọc.
Lo lắng cho đứa cháu nội trong bụng, mẹ tôi cũng mắng suốt nhưng em dâu lại chẳng mấy để bụng. Lý lẽ của em ấy luôn là ăn vào có làm sao đâu, chẳng thấy đau bụng hay gì cả. Rồi đi siêu âm bác sĩ cũng bảo thai nhi phát triển bình thường, mẹ ăn được gì cứ cố ăn cho khỏe. Mẹ tôi giận tím mặt, chỉ biết ném cho mấy cuốn sách kiến thức về bầu bí và thai giáo, em dâu chỉ lướt qua chứ cũng không đọc.
Hôm gần đây, em dâu đi chơi về muộn, cỡ phải 10 rưỡi, 11 giờ rồi lại bật bình nóng lạnh để đi tắm. Mẹ tôi nghe tiếng lạch cạch đã ra nhắc nhở 2 vợ chồng khuya rồi không nên tắm. Thế mà quay ra quay vào đã thấy em dâu đi vào xả nước ào ào tắm gội.
Vừa giận vừa lo, mẹ tôi đứng ngoài đập cửa ầm ầm. Em dâu sau 1 hồi cũng chịu mở cửa, đầu quấn khăn tắm rồi mặt cau có. Em ấy hậm hực, sẵng giọng với mẹ tôi:
- Mẹ cứ đập cửa ầm ầm thế, nửa đêm rồi. Con đi tắm cũng không yên. Mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con rồi. Thật sự mệt mỏi!
- Mẹ thấy con tắm muộn như thế rất nguy hiểm.
- Con tắm nước nóng mà, có phải nước lạnh đâu mà mẹ lo hão thế.
- Nóng hay lạnh thì tắm khuya đều nguy hiểm. Huống hồ con còn đang mang thai. Con không tin mẹ thì cũng phải tin y học, lên mạng mà đọc đi không lại bảo bà già này lắm điều. Mẹ cũng chỉ quan tâm tới con và cháu mẹ thôi.
Em dâu hậm hực vì bị mẹ chồng đập cửa phòng tắm. (Ảnh minh họa)
Lần này tôi cũng phải vào nói đỡ, rồi thủ thỉ với em dâu:
- Mẹ xưa nay tính hơi sỗ sàng nên đập cửa mạnh tay thôi, chứ thực tâm cũng chỉ vì lo lắng cho 2 mẹ con em. Nếu hiểu thì em sẽ thấy cái tâm mẹ rất tốt. Với mẹ nói cũng đúng em ạ, em còn trẻ quá, thiếu kinh nghiệm thì nên nghe lời bà hơn. Nếu em thấy bà lạc hậu và già cả thì em có thể lên mạng tra thông tin mà.
Trước sự gay gắt của mẹ tôi thì em dâu cãi nhem nhẻm. Nhưng tôi nói nhẹ nhàng thì nó im re, cúi mặt sượng sùng. Sau cùng, em cũng xin lỗi mẹ và hứa hẹn sau sẽ tìm hiểu kiến thức bầu bí nhiều hơn. Tôi cũng dặn mẹ rằng sau này đừng khẽ tí là mắng em dâu như mắng tôi và Đắc. Dẫu sao em cũng là người ngoài mới về chung sống, em không quen tính, mẹ cứ thế em sẽ thấy tổn thương và khó chịu.
Suy cho cùng thì máu mủ ruột rà cũng còn có lúc va chạm, mâu thuẫn. Thế nhưng, những thành viên trong một gia đình sau cùng vẫn dễ dàng gạt bỏ cái tôi để sống hòa hợp được với nhau vì họ có rất nhiều sự bao dung, yêu thương và nhẫn nhịn. Tôi cũng khuyên mẹ và em dâu hãy mở lòng, thấu hiểu nhau hơn thì chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Hy vọng những xích mích ngày thường sẽ dần được hóa giải để căn nhà được êm ấm.
Bà bầu có nên tắm khuya?
Tắm đêm không chỉ với bà bầu, mà với cả những người khỏe mạnh cũng được khuyến cáo không nên. Bởi từ sau 10h tối, nhiệt độ giảm mạnh khiến việc tắm trở nên lợi bất cập hại. Mẹ bầu có thói quen tắm đêm có nguy cơ cao gặp các vấn đề như đột tử, đau đầu, cơ thể bị nhiễm lạnh, cảm, tăng nguy cơ sảy thai…