Ốm nghén, táo bón, đau lưng hay mất ngủ luôn là những vấn đề khiến mẹ bầu đau đầu.
Để hạn chế 4 vấn đề ‘nan giải’ thường gặp trong thai kỳ này, mẹ có thể theo dõi từng bước dưới đây:
Ốm nghén
Ốm nghén với các triệu chứng như buồn nôn và ói mửa xảy ra với hầu hết phụ nữ khi mang thai. Để giảm các triệu chứng này, mẹ có thể:
- Ăn những bữa nhỏ và chia thành nhiều bữa.
- Tránh những nơi có mùi gây kích thích khó chịu cho dạ dày, chẳng hạn như tại các cửa hàng thịt, quầy nước hoa, chợ cá, phòng nhiều khói, khu vực bị mốc…
- Mẹ nên thử trữ sẵn bánh mỳ hay hộp bánh quy giòn bên cạnh giường. Một số mẹ bầu thường cảm thấy dễ chịu hơn khi ăn một miếng bánh mì nướng hoặc bánh quy khô trước khi rời khỏi giường vào buổi sáng.
- Tránh các loại thực phẩm đã qua xử lý hóa học hay chế biến đóng hộp sẵn. Chú trọng vào các nguồn thực phẩm lành mạnh và giàu protein, carbohydrate phức, các loại rau xanh và hoa quả.
- Đi ngủ sớm hơn, tránh căng thẳng.
- Gừng, chanh và hoa oải hương cũng có thể giảm cảm giác buồn nôn rất hiệu quả.
Táo bón và tiểu nhiều
Do tác động của những thay đổi sinh lý kết hợp với việc thai nhi đang lớn dần lên trong tử cung nên nhiều mẹ bầu thường bị táo bón khi mang thai. Táo bón rất khó chịu và ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống của mẹ. Táo bón kéo dài thậm chí có thể dẫn đến bệnh trĩ. Để có thể kiểm soát tình trạng táo bón, mẹ nên thay đổi một số thói quen ăn uống như ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước và chăm chỉ thực hiện các bài tập thể dục vận động.
Một vấn đề khác mà mẹ bầu cũng thường gặp phải là chứng buồn tiểu liên tục. Vấn đề này không những gây bất tiện mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giấc ngủ của mẹ. Chứng buồn tiểu liên tục thường xảy ra trong 13 tuần đầu thai kỳ và tái diễn trong 3 tháng cuối khi thai nhi lớn hơn. Để hạn chế tình trạng này, mẹ không nên uống ít nước đi mà thay vào đó hãy uống nhiều nước và ban ngày và ít hơn vào buổi tối để hạn chế đi tiểu ban đêm. Ngoài ra, nếu mẹ gặp cảm giác đau nhói khi đi tiểu, thì hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ bởi đây có thể là những dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mệt mỏi do mất ngủ hay ngủ không ngon là một vấn đề phổ biến gặp phải đối với hầu hết phụ nữ mang thai. Cố gắng thực hiện một lịch trình giấc ngủ hợp lý có thể hạn chế sự mệt mỏi của mẹ vào ban ngày. Giấc ngủ trưa ngắn có tác dụng ‘khởi động’ lại bộ não, từ đó giảm được cảm giác mệt mỏi vào buổi chiều. Đôi khi mẹ thường nghĩ không ngủ trưa và ‘để dành’ buổi tối ngủ nhiều hơn, nhưng thực tế khi quá mệt mỏi thì giấc ngủ cũng không thể thoải mái được. Ngoài ra, mẹ cũng nên nhờ mọi người trong gia đình hỗ trợ một số công việc trong nhà, đồng nghiệp hỗ trợ một số công việc có thể tại cơ quan để hạn chế mệt mỏi quá độ.
Đau lưng
Phụ nữ mang thai thường xuyên bị đau lưng. Để giảm cảm giác đau lưng khó chịu, mẹ nên:
· Tránh đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài.
· Mang giày thấp, tốt nhất nên có miếng lót êm mềm mại.
· Nếu phải nhấc đồ vật, nên uốn cong từ đầu gối xuống mà không nên cúi người.
· Sử dụng nước ấm khi tắm để giảm đau lưng.
· Sử dụng túi chườm nhiệt hoặc thậm chí chai nước ấm để hạn chế cảm giác đau lưng.
· Kỹ thuật massage cũng rất hiệu quả trong việc giảm đau nhức toàn thân ở phụ nữ mang thai.
· Vật lý trị liệu, tập yoga hoặc chuyển động cơ thể nhịp nhàng có thể làm giảm đau lưng cũng như đau nhức toàn thân khi mang thai.
· Cuối cùng, mẹ nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau lưng xảy ra quá thường xuyên và khó chịu.