Em bé được sinh ra mang gen di truyền của cả cha và mẹ ruột cùng mã gen di truyền của một người hiến tặng khác.
Giống như tất cả mọi người, em bé được ra đời cách đây 5 tháng mang ADN của bố mẹ ruột nhưng điều đặc biệt là trong cơ thể bé còn có mã gen di truyền của một người hiến tặng khác. Mã gen phụ này có tác dụng giúp em bé ngăn chặn căn bệnh nan y gây ra bởi một gen xấu của mẹ. Gen xấu này có tên IS – có thể nguy hại đến chính tính mạng của bé.
Quá trình kết hợp gen cho em bé được tiến hành bởi nhóm các bác sĩ Mỹ và thực hiện tại Mexico – nơi pháp luật chưa nghiêm cấm việc kết hợp các mã gen di truyền. Hiện kỹ thuật gây tranh cãi này mới chỉ được công nhận hợp pháp tại Anh.
Bác sĩ Zhang bế trên tay em bé có 3 bố mẹ đầu tiên trên thế giới.
Việc em bé có 3 bố mẹ này ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong ngành y khoa, mang tới niềm hy vọng cho hàng triệu người phải đối mặt với viễn cảnh có thể sinh ra những em bé bị mắc bệnh nan y giống cha mẹ.
“Kỹ thuật này là dấu mốc quan trọng, chứng tỏ rằng việc sử dụng thông tin di truyền của một người hiến tặng có thể giúp em bé tránh được bệnh tật. Bây giờ chúng ta đã biết cách cải tạo trứng của con người để tạo ra những em bé khỏe mạnh.”, người đứng đầu đội ngũ y tế tại trung tâm sinh sản New Hope ở New York, tiến sĩ John Zhang, chia sẻ với Daily Mail.
Mặc dù không tiết lộ tên của em bé cũng như cha mẹ bé nhưng tiến sĩ John Zhang cho biết gia đình này đã từng phải chịu đau khổ khi mất đi 2 đứa con – một bé 6 tuổi và 1 bé 8 tháng - vì hội chứng Leigh.
Hội chứng Leigh là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng ảnh hưởng tới các hệ thống thần kinh, dần dần ức chế khả năng tinh thần và thể chất của em bé từ khi mới ra đời. Trẻ em mắc bệnh này sẽ chỉ sống đến khoảng 3 tuổi và sẽ qua đời do viêm phổi. Trong trường hợp này, các bác sĩ phát hiện ra bộ gen của người mẹ có 1 gen xấu có thể gây ra căn bệnh Leigh.
Sau khi mất 2 đứa con, cặp đôi này đã bay sang Mỹ để gặp gỡ tiến sĩ Zhang để tìm phương pháp điều trị. Tuy nhiên vì những quy định nghiêm ngặt ở đất nước này nên họ đã quyết định thụ thai ở Mexico. Em bé được hình thành với một kỹ thuật mới có tên chuyển nhân trục chính.
Theo đó, trứng của người mẹ được loại bỏ nhân và được thay bằng nhân của trứng hiến tặng. Trứng này được thụ tinh với tinh trùng của cha em bé để tạo thành phôi phôi. Có 5 trứng được tạo thành từ kỹ thuật này nhưng chỉ một trong số đó sống sót.
Mặc dù đây là phương pháp mới, đánh dấu bước tiến của nền y khoa nhưng vì liên quan đến việc thay đổi gen con người nên phương pháp này vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh mặt tích cực, chính tiến sĩ Zhang cũng cảnh báo về những mặt tiêu cực bao gồm cả việc các cặp cha mẹ có thể sẽ muốn thay đổi ADN của đứa trẻ chỉ để em bé sinh ra xinh đẹp và giỏi giang hơn.