Em bé Hậu Giang sinh non 25 tuần nhỏ như chiếc bánh mì được nuôi sống kì diệu

Ngày 10/01/2019 06:02 AM (GMT+7)

Tưởng không thể sống vì sinh non và quá nhẹ cân, nhiều trẻ sơ sinh chưa nặng đến 1kg vẫn có cuộc sống khỏe mạnh nhờ các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc trong lồng kính.

Chiều 12/12/2018, các bác sĩ khoa Sơ sinh BV. Hùng Vương (TP.HCM) vừa hoàn tất 4 tháng nuôi nấng chăm sóc thành công cho bé trai sinh non chỉ nặng 700g. Niềm vui không chỉ của gia đình bệnh nhi mà lan tỏa đến cả các bác sĩ bởi vài tháng trước đó, cậu bé 25 tuần tuổi bé xíu như chiếc bánh mì tưởng chừng đã không thể trụ nổi.

Theo dõi nghiêm ngặt, nâng niu bằng tình thương

Thai phụ Đ.T.K sinh năm 1980 ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến khoa Sản 4 BV. Hùng Vương (TP.HCM) lúc 22g30 ngày 10/8/2018 trong tình trạng thai non 25 tuần tuổi có dấu hiệu suy hô hấp do nhiễm trùng ối.

Chỉ một ngày sau nhập viện, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh non và sinh thường một bé trai nặng 700g. Trước khi sinh, người mẹ được cho dùng đủ hai liều thuốc trưởng thành phổi cho bé sinh thiếu tháng.

Cậu bé chào đời với cảnh báo mắt có thể mù do bệnh lý võng mạc do sinh non. Ngoài ra, sức khỏe của bệnh nhi sơ sinh còn bị đe dọa bởi tình hình suy hô hấp do viêm phổi.

Em bé Hậu Giang sinh non 25 tuần nhỏ như chiếc bánh mì được nuôi sống kì diệu - 1

Hai em bé nặng 700g đang được các bác sĩ BV. Hùng Vương chăm nuôi trong lồng kính

Ngay sau khi chào đời, bé được cho vào lồng kính thở máy suốt  71 ngày. Đến khi cai máy thở, bé vẫn phải thở áp lực dương qua mũi (CPAP) trong 22 ngày. Cuối cùng sau khi đã hoàn toàn không cần hỗ trợ oxy, bé vẫn tiếp tục được áp dụng kỹ thuật Kangaroo trong một tháng.

May mắn sau 123 ngày chăm sóc,  tức là hơn 4 tháng, bé được cho xuất viện với cân nặng 2.230g. Bé ngủ tốt, các chỉ số hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa ổn định. Tuy nhiên do bé sinh non tháng nên khi về nhà, phụ huynh vẫn phải tiếp tục áp dụng kỹ thuật da kề da và đưa bé tái khám theo đúng hẹn.

Trong quá trình thở máy, bé được chăm sóc tích cực cấp 1, nuôi ăn bằng tĩnh mạch, bằng dịch truyền, cho bé ăn sữa mẹ và sữa công thức. Khó khăn lớn nhất là trong suốt hơn 2 tháng thở máy bé thường xuyên viêm phổi, nghiêm trọng nhất là khoảng một tháng sau sinh, bé bị viêm phổi nặng tưởng đã tử vong. Các bác sĩ phải đổi kháng sinh và may mắn bé đã vượt qua.

Bên cạnh viêm phổi, các bác sĩ còn tiến hành cho dùng thuốc để đóng ống động mạch của bé do ống động mạch không tự đóng lại như những trẻ sơ sinh khác. Suốt hơn 3 tháng đầu đời, mọi biểu hiện sức khỏe của bé đã được các điều dưỡng và bác sĩ của khoa Sơ sinh theo dõi liên tục. Đặc biệt là tình trạng viêm phổi diễn tiến bất thường và đề phòng ngạt ống nội khí quản trong thời gian bé nằm thở máy.

Em bé Hậu Giang sinh non 25 tuần nhỏ như chiếc bánh mì được nuôi sống kì diệu - 2

Một em bé được nuôi sống thành công sau 4 tháng

BS.CKII. Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Sơ sinh, BV. Hùng Vương cho biết, đây không phải là lần đầu BV. Hùng Vương nuôi sống thành công những trường hợp sinh non nhẹ cân. Trước đó, bệnh viện từng nuôi sống thành công trường hợp em bé chào đời ở 24 tuần tuổi, chỉ nặng 500g và đến nay bé hoàn toàn khỏe mạnh. Một trường hợp đáng nhớ khác, bé gái nặng chưa đến 1kg khi chào đời tưởng đã không qua khỏi nhưng sau 4 tháng nuôi dưỡng đặc biệt trong lồng kính, đến nay đã được 6 tuổi, thị lực tốt, thể trạng to khỏe, học giỏi, thông minh.

Tại BV. Hùng Vương, mỗi năm có hàng nghìn đứa trẻ sinh non nhẹ cân được cứu sống, tỷ lệ nuôi sống những bé sinh non từ 24 tuần tuổi đến 37 tuần tuổi gần lên đến 90%. Thống kê tại bệnh viện cho thấy, trẻ sinh ở tuần thai thứ 24 trong năm có 29 trường hợp và một bé được cứu sống; trong 27 trẻ sinh ở tuần thứ 25 có 9 trường hợp được nuôi sống và đến tuần thai thứ 30 trở lên hầu hết các bé đều được nuôi sống thành công. Xét về số cân nặng, thống kê trong năm cũng cho thấy, trong 149 trường hợp dưới 1kg có 32 bé được nuôi sống (khoảng 21,5%), trong khi đó từ 1kg đến 1,5kg, tỷ lệ thành công lên đến gần 74%...

Ngoài việc chăm sóc trong lồng kính bằng thở máy sau đó trợ thở qua mũi (CPAP), việc chăm sóc trẻ nhẹ cần thành công còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các bé phải được theo dõi nghiêm ngặt và phải được nâng niu bằng tình thương của điều dưỡng và bác sĩ. Vai trò của người mẹ những ngày tiếp theo cũng quan trọng và phương pháp Kangaroo trở nên hiệu quả hơn trong việc cứu sống trẻ sinh non.

Sau khi bé rời lồng kính, các mẹ được bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật đến khi thành thạo. Phương pháp Kangaroo giúp trẻ nhận được hơi ấm từ mẹ (mẹ là lồng ấp tốt nhất cho con), đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn. Trẻ cũng được nuôi ăn bằng sữa mẹ giúp chống nhiễm khuẩn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Ngoài ra các bé còn thường xuyên giao tiếp với mẹ kích thích phát triển trí não, hệ thần kinh, giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật.

Ngăn ngừa sinh non từ thai kỳ khỏe mạnh

Các thống kê mới nhất nhất ghi nhận, cả thế giới ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non và con số này đang tăng lên. Biến chứng sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, khoảng 1 triệu ca tử vong vào năm 2015. Theo số liệu báo cáo của 184 quốc gia, tỷ lệ sinh non dao động từ 5% đến 18% trẻ sinh ra. Còn tại Việt Nam, một thống kê tại chương trình “Ngày Thế giới vì trẻ sinh non” cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

Cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình trẻ sinh non trên toàn cầu năm 2018 cho biết, sinh non được định nghĩa là trẻ sinh ra còn sống trước 37 tuần mang thai, mức độ non tháng của trẻ sơ sinh được chia thành: cực non (dưới 28 tuần), rất non (28 đến 32 tuần), sinh non và sinh non muộn (32 đến 37 tuần).

Dù có đến 50% ca sinh non không xác định được nguyên nhân, nhưng với 50% nguyên nhân còn lại có thể xác định được là do các bệnh lý trên cơ thể thai phụ như bệnh u xơ tử cung, viêm gan siêu vi B, viêm thận, sốt, Rubella, bệnh tim, tiểu đường, thiếu máu nặng, cường giáp, nhiễm trùng đường sinh sản, đa thai, nhiễm trùng ối, tiền sản giật. Dị tật tử cung cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 38 tuần tuổi, bao gồm hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở thường gặp ở thai phụ có tiền sử sinh non hay hơn 1 lần sẩy thai sau khi thai nhi được 3 tháng tuổi, cổ tử cung ngắn…

Em bé Hậu Giang sinh non 25 tuần nhỏ như chiếc bánh mì được nuôi sống kì diệu - 3

Niềm vui của người mẹ khi cậu bé nặng 700g khi chào đời nay đã được hơn 2kg

Thai phụ bị stress, thường xuyên có tâm trạng bất an, lo lắng, tức giận kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể khiến cơ thể người mẹ tiết quá nhiều hormone tuyến thượng thận, sinh ra những chất có hại cho hệ thần kinh dẫn đến sinh non.

Ngoài những lý do đã nêu, sinh non còn do nhiều lý do khác như mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, mang đa thai, ít nước ối, mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai quá nhiều lần… Ngoài ra, thời gian làm việc của người mẹ quá 42 giờ/tuần, công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ mỗi ngày, làm việc quá sức, quan hệ tình dục quá đà, do biến đổi khí hậu, dùng thuốc an thai bừa bãi… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển dạ sớm.

Theo WHO, ngăn ngừa sinh non bắt đầu với một thai kỳ khỏe mạnh. Chăm sóc chất lượng trước, giữa và trong khi mang thai để đảm bảo phụ nữ có trải nghiệm mang thai theo chiều hướng tích cực; có chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tối ưu, và ngưng sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện khi mang thai; siêu âm để giúp xác định tuổi thai và phát hiện đa thai; tối thiểu 8 lần khám thai trong suốt thai kỳ để xác định và quản lý các yếu tố nguy cơ của thai kỳ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phát hiện mình có nằm trong nhóm bà mẹ có nguy cơ chuyển dạ sớm hay không, các mẹ bầu nên tham khảo những dấu hiệu nhận gồm: 

- Đang có thai chưa đến 37 tuần mà đã gặp phải các cơn co thắt tử cung tối thiểu được 1 tiếng đồng hồ. 

- Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 - 10 phút/lần, kéo dài 30 giây. 

- Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ đã thấy cổ tử cung mở hơn 2,5cm và xóa hơn 3/4… 

- Đồng thời, âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút.

Nếu đã có các dấu hiệu trên, bà bầu cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách, nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao.

Mẹ Sài Gòn sinh non con bé như chuột, chồng Tây về liền đòi đưa đi xét nghiệm ADN
Chăm một em bé bình thường mệt 1 thì chăm bé sinh non mệt 10, bà mẹ trẻ đã có lúc mệt mỏi, stress đến mức muốn từ bỏ cuộc sống.
Theo Thiên Chương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh non