Căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng tóc bạc 5 tháng nay luôn rộn rã tiếng khóc, cười ê a của cô con gái đầu lòng.
Với sự hỗ trợ của y học hiện đại, những câu chuyện chạy chữa hiếm muộn, vô sinh thành công ngày nay không còn hiếm gặp. Nhưng chữa vô sinh ở một người phụ nữ đã mấp mé ngưỡng tuổi mãn kinh để có thể mang thai, sinh nở an toàn ở tuổi 53 thì đúng là chuyện xưa nay hiếm.
Trường hợp may mắn được đón con đầu lòng ở tuổi ngoài 50 của ông Mạnh, bà Phúc (Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây.
Căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng tóc bạc từ 5 tháng nay luôn rộn rã tiếng khóc cười ê a của cô con gái bé bỏng Tường Vy – “kho báu” vô giá ông bà từng vất vả kiếm tìm từ hơn chục năm về trước
Từng buông xuôi sau 3 lần sảy thai, 2 lần IVF thất bại
Vừa cho con ăn, bà Phúc vừa kể lại quãng thời gian ông bà điêu đứng vì hành trình tìm con hàng chục năm về trước. Hai người đến với nhau khi cả hai đã ở tuổi ngoại tứ tuần, kẻ 41, người 42. Mang thai ở độ tuổi này không hề dễ. Sau hai lần cứ có lại sảy ngay từ những tuần đầu, ông bà càng thêm lo lắng, phiền muộn.
Sau khi tìm đến các phương thuốc nam, cặp vợ chồng ngoại tứ tuần mừng vui khôn xiết khi có thể đậu thai lần thứ 3. Qua 3 tháng hết sức giữ gìn và vượt qua được tam cá nguyệt đầu tiên, cả hai đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi niềm vui lại một lần nữa lụi tàn khi bà biết tin mình bị thai lưu ngay sau đó.
“3 lần sảy thai, tôi lo lắm và đi khám khắp nơi, cả đông và tây y kết hợp. Các bác sĩ đều kết luận sức khỏe của tôi bình thường, nhưng khó giữ được thai phần do cơ địa, phần cũng vì đã quá độ tuổi sinh nở thông thường.
Biết vậy nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ có được mụn con để nuôi nấng bế bồng, hai vợ chồng quyết định chạy vạy dồn tiền đi làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) với bao nhiêu hy vọng. Ấy thế mà làm đến 2 lần đều không giữ được cả hai. Thời điểm đó, vợ chồng đã xác định động viên nhau chấp nhận số phận, trời không cho có con thì cũng đành chịu, vẫn phải làm ăn, vẫn phải sống chứ biết làm sao” – bà Phúc hồi tưởng lại những tháng ngày long đong chạy chữa.
Con đường tìm con của ông Mạnh, bà Phúc gặp khá nhiều trắc trở
Sau nhiều lần thất bại, đôi vợ chồng luống tuổi vẫn ấp ủ giấc mơ có được mụn con để bế bồng và quyết tâm chữa trị bằng được, dù chỉ còn 1% hy vọng
Căn nhà nhỏ ở Khuyến Lương (Phường Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội) mấy tháng nay luôn rộn rã tiếng khóc cười của con trẻ
Quá lận đận về đường con cái, những lúc buồn ông bà chỉ biết đi chùa cho thoải mái tinh thần, giúp các nhà chùa vài ba việc nhỏ, công đức, đốt vàng mã những ngày lễ tết. Từng nghe nhiều người khuyên nên tìm đến chùa chiền khấn bái, tìm thầy làm lễ xin con nhưng ông bà cũng không nghĩ đến, và đã có lúc xác định sẽ đi xin đứa con nuôi về chăm cho vui cửa vui nhà.
“Quả ngọt” được ươm mầm suốt 11 năm
Cuối cùng, vận may cũng mỉm cười với cặp vợ chồng tóc bạc. Có bệnh thì vái tứ phương, ông bà một lần nữa đặt cược với… ông trời khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm lần thứ 3. Và thành công ngoài mong đợi lần này không chỉ là niềm vui của riêng ông Mạnh, bà Phúc mà của cả các cán bộ tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – người trực tiếp phụ trách làm các thủ thuật IVF cho cặp vợ chồng luống tuổi.
Tuy khá vất vả trong việc điều trị và chăm sóc để giữ thai, cuối cùng hai người cũng được bế trên tay đứa con đầu lòng: “Tuổi cao mới được bế con lần đầu, tôi ngượng hết cả tay, lóng ngóng không biết làm gì, pha bình sữa cho con cũng phải pha đi pha lại đến mấy lần. Cảm xúc của tôi lúc đó vui sướng lắm, khó tả lắm” – ông bố tuổi 54 nhớ lại.
Theo lời kể của ông bố tuổi 54, biết tin vợ ông đậu thai là cả những gia đình sản phụ nằm cùng phòng cũng vui lây, tới tấp ăn mừng, chúc phúc cho gia đình
Một ngày chăm con của ông bố, bà mẹ tuổi ngoại ngũ tuần
Đã hơn 5 tháng nay, ông Mạnh bà Phúc thực sự trở thành những ông bố, bà mẹ bỉm sữa khi phải loay hoay với bé Tường Vy cả ngày mà không có ai đỡ đần. Bố mẹ hai bên đầu đã mất, bà mẹ tuổi 53 không có điều kiện được chăm sóc, kiêng cữ đủ ngày như các sản phụ khác. Sau 1 tháng thuê người giúp, từ tháng thứ 2 bà đã tự tay tắm cho con, chăm bẵm con và giặt giũ, cơm nước hàng ngày.
Ông Mạnh ngoài thời gian đi chợ kiếm tiền là về nhà ngay phụ giúp việc nhà cho vợ đỡ vất vả, từ việc giặt quần áo, nấu ăn đến thay phiên bế con những đêm con quấy khóc. Một tay chăm con nhỏ khi tuổi đã cao, sức không còn khỏe, cả hai đều tự biết sẽ rất vất vả và còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng hơn ai hết, họ hiểu được có con tuyệt đến thế nào, và đó là sự đánh đổi hoàn toàn xứng đáng:
“Chăm trẻ con đâu có dễ, cả ngày chỉ loay hoay quay ra quay vào cho con ăn, dỗ con ngủ rồi dọn dẹp việc nhà cũng đủ nhọc. Giờ có tuổi rồi, sinh mổ xong tôi lại thêm chứng đau lưng, người ngợm yếu đi nhiều lắm nên càng dễ mệt. Nhưng có được đứa con thế này rồi, mệt thế chứ mệt nữa chúng tôi cũng vượt qua được hết” – bà Phúc tâm sự.
Ở tuổi 53, bà Phúc vẫn khá nhanh nhẹn và khéo léo trong việc chăm con
Tuy sinh mổ ở độ tuổi ngoài 50, sức khỏe của bà vẫn khá ổn và đủ sữa cho con bú mẹ hoàn toàn. Bé Tường Vy hiện đã được hơn 5 tháng tuổi, cân nặng hơn 7kg
Ngoài giờ chạy chợ, ông Phúc lại mau chóng về nhà để phụ vợ việc cơm nước, và để ngắm cô con gái bé bỏng cho đỡ nhớ
Tuy loay hoay suốt cả ngày không hết việc, ông bà vẫn rất phấn khởi khi trong nhà có tiếng ọ ọe vui tai của con gái nhỏ
Bé Tường Vy khá bụ bẫm, đáng yêu với rất nhiều biểu cảm khuôn mặt ngộ nghĩnh
Ông Mạnh, bà Phúc đến với nhau khi cả 2 đều đã ngoài 40 tuổi
Nghĩ đến tương lai của con sau này khi bố mẹ đến tuổi già yếu, bà Phúc không giấu nổi xúc động vì thương con, sợ mình không lo được cho con như lúc còn khỏe mạnh
Hiện tại, chưa đầy 6 tháng tuổi bé Tường Vy đã được bố mẹ xi tè thường xuyên, không cần dùng bỉm những ngày hè nóng nực
Với ông Mạnh bà Phúc, chỉ cần về nhà nghe thấy tiếng con cười, con ê a là bao nhiêu mệt mỏi, nhọc nhằn với nỗi lo cơm áo gạo tiền tan biến hết