Chị Thủy, anh Việt có con khi chỉ còn một tháng nữa là tròn 20 năm chạy chữa hiếm muộn. Lúc này cả hai người đã ở cái tuổi tứ tuần.
Hành trình 20 năm tìm kiếm con của cặp vợ chồng hiếm muộn
Khi chị ở tuổi 40 còn anh ở tuổi 45, họ không nghĩ sẽ có ngày thiên chức làm bố, làm mẹ sẽ mỉm cười với cặp vợ chồng U40 sau suốt 20 năm đằng đẵng, kiên trì đi tìm cơ duyên để được có con.
Giờ đây, tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ luôn vang lên trong ngôi nhà nằm sâu nơi con ngõ ở đường Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) của chị Đinh Thị Bích Thủy (SN 1976) và anh Phạm Lê Việt (SN 1971).
Nhìn hai đứa con sinh đôi một trai, một gái đã 9 tháng tuổi đang ngơ ngác nhìn người lạ rồi bỗng chúng khóc thét đòi vòng tay mẹ, chị Thủy không giấu được xúc động. Nước mắt không bảo nhưng cứ thế chạm vào gò má chị - nơi đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của tuổi tác.
Ôm hai con vào lòng, chị bảo: “Cứ thấy người lạ là Mong và Mỏi lại thế đấy, nhưng chơi đùa một lúc quen lại như “giặc” ấy mà”.
Hai bé Mong - Mỏi được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Thấy chúng tôi dường như đang băn khoăn với hai cái tên Mong – Mỏi, chị Thủy hướng đôi mắt trìu mến nhìn các con rồi mỉm cười: “20 năm với gần 10 lần thụ tinh trong ống nghiệm ở 3 bệnh viện lớn tại Hà Nội, 2 lần chửa ngoài tử cung rồi mỏ cắt polyp, không biết bao nhiêu lần tới các thầy lang trên khắp đất nước này... mà chưa một lần thấy nhịp đập của thai nhi, thì hai đứa này chẳng phải Mong – Mỏi thì là gì phải không cô chú?”.
Nói rồi chị kể lại cho chúng tôi nghe hành trình để có được hai bé Mong – Mỏi của mình trong suốt 20 năm ấy.
Chị Thủy và anh Việt kết hôn từ năm 1995. Hạnh phúc đơn sơ dường như không thể đủ đầy khi hết năm này qua năm khác, anh chị vẫn không thể có con.
Điều đó khiến chị Thủy chán nản, tuyệt vọng, tâm trạng uất ức, có lúc chị rơi vào trạng thái trầm cảm. Dù vậy, vợ chồng chị vẫn luôn sát cánh bên nhau. Nhưng nỗi khát khao có được đứa con khiến cả hai luôn đau đáu suốt gần 20 năm.
Khi chúng tôi nhắc tới 2 chữ “thầy lang”, chị Thủy chỉ biết lắc đầu. Vì chị đã tìm tới rất nhiều thầy lang ở Hà Nội như trên đường Đê La Thành rồi ở Quốc Tử Giám, Hồ Tây, Trung Kính, Nhân Hòa, cả chùa Hương sang đến tỉnh Bắc Ninh... Có những bát thuốc chị sắc đặc như bát chè đỗ đen vừa uống vừa bịt mũi.
Chị Thủy trò chuyện với chúng tôi khi hai con vẫn đang vô tư chơi đùa.
“Lúc này nước mắt ngắn nước mắt dài vì thuốc đắng nhưng nghĩ tới việc đậu thai thì dù đắng như thế nào mình cũng uống. Mọi người chữa thầy lang ở đường Đê La Thành chỉ mất 5 tiếng đặt thuốc nhưng mình nằm 8 tiếng với hi vọng sẽ nhanh có thai nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì.”, bất chợt tôi thấy cái rùng mình của chị Thủy khi nhớ lại quãng thời gian vật lộn với những vị thuốc ấy.
Ngày ấy, kinh tế hai vợ chồng khó khăn, vất vả nhưng cứ nghe ai mách ở đâu có thầy hay thuốc tốt, anh Việt lại cùng chị Thủy dành dụm tiền rồi khăn gói lên đường để chữa bệnh với hi vọng sớm có được trái ngọt. Nhưng kết quả nhận về vẫn chỉ là con số 0.
Mỗi lần như thế, chị Thủy như rơi vào trạng thái trầm cảm. Hi vọng để rồi thất vọng, chị không muốn ra khỏi nhà, không muốn gặp ai.
Lo cho sức khỏe của vợ khi chị vẫn mải miết trên hành trình đi tìm kiếm cơ hội mang thai trong khi “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, anh Việt không ít lần gàn vợ và cùng chị Thủy bàn phương án xin con nuôi cũng như mang thai hộ.
Hạnh phúc làm cha mẹ
Thế nhưng có lẽ, ông trời định đoạt chị Thủy sẽ phải thực hiện sứ mệnh mang thai ấy để sinh ra khúc ruột của mình nên sau khi tìm tới Bệnh viện Nam học hiếm muộn năm 2012 qua lời giới thiệu của bạn bè, chị đã có được thiên chức ấy.
Chị Thủy kể lại câu chuyện của mình trong tiếng nấc nghẹn: “Lần đầu thực hiện ở bệnh viện này thất bại. Bác sĩ động viên tôi tiếp tục thực hiện nhưng thú thật, trong lòng tôi không có hy vọng gì. Đặc biệt, trước khi đặt phôi một tháng, tôi còn phải phẫu thuật cắt bỏ khối u nên chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể có thai. Tôi luôn mỉm cười nhưng thực ra rất đau khổ, xót xa. Tôi nhớ như in lời bác sĩ ở Bệnh viện Nam học hiếm muộn nói với tôi lúc đó: Chị cố lên, đừng buồn nữa, em sẽ làm cho chị thêm một lần nữa”.
Nghe theo lời bác sĩ, chị Thủy thực hiện thêm một lần IVF. Ngày thứ 11, chị thấy có “cảm giác lạ”. Lúc này, hồi hộp không đợi tới 14 ngày để đi thử máu ở bệnh viện, anh Việt đôi mưa đi mua que thử thai.
“Hai vạch rõ ràng nhưng tôi vẫn không tin là mình đã có thai. Tôi gửi hình ảnh que thử thai với hai vạch ấy đi cho rất nhiều bác sỹ, ai cũng bảo như thế chắc chắn là có thai rồi. Đến 14 ngày, tôi xuống viện thử máu và vỡ òa khi hay tin mình mang thai. Thế nhưng, niềm vui quá bất ngờ khiến vợ chồng tôi không tin vào sự thật. Khi thai trong bụng được 3 tháng, thậm chí 5 - 6 tháng, tôi vẫn không tin rằng mình có thai. Tôi hay phải hỏi chồng rằng: "Em có thai thật không anh?”, chị Thủy xúc động nhớ lại.
Ở tháng thai kỳ thứ 5, thứ 6 nhưng nhiều lúc chị vẫn chưa tin là mình đã mang thai.
Năm 2015, hai đứa con của chị Thủy chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc tột độ của cả gia đình. Anh chị cho biết, đó là thời điểm chỉ còn một tháng nữa là tròn 20 năm chạy chữa hiếm muộn. Lúc này chị đã 40 tuổi.
Khi chúng tôi hỏi về những áp lực gia đình, chị chỉ khẽ cười rồi bảo “nhiều lắm chứ!”.
Cái nhiều ấy được chỉ liệt kê trong câu chuyện, khi chị mang thai ở tháng thứ 3, mẹ chồng vẫn không tin chị có thể có thai được. Bởi lẽ, đằng đẵng suốt 20 năm qua kể cả lúc sức khỏe còn tốt, chị vẫn không thể có thai thì cái tuổi này chẳng lẽ có được điều kì diệu như thế?
“Ở xung quanh tôi cũng có nhiều người thụ tinh nhân tạo nhưng sinh con ra không lành lặn, khỏe mạnh. Chính điều ấy khiến tôi càng lo lắng và mẹ chồng lại càng không tin tôi có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Nhưng ông trời đã thương tôi, thương cho những mong mỏi của tôi. Tuy nhiên, điều khiến tôi buồn nhất là khi biết mình được ba thai nhưng vì lý do sức khỏe nên phải bỏ đi một thai. Vất vả lắm mới có được con mà phải bỏ đi một đứa như thế, lòng người mẹ nào chẳng đau”, chị Thủy nói trong nước mắt khi hai bé Mong và Mỏi vẫn đang chơi đùa bên cạnh.