Đau đớn kéo dài, bất tiện trong vệ sinh, chăm sóc phục hồi sức khỏe hàng ngày là những bất lợi đối với sản phụ sinh con trong thời tiết lạnh giá.
Sản phụ chịu lạnh nhiều hơn khi sinh trong ngày giá rét
Sinh con trong thời tiết rét buốt khắc nghiệt, sản phụ không những phải chịu cái lạnh cắt da cắt thịt mà còn trải qua đau đớn gấp 3-5 lần bình thường. Mất sức sau quá trình sinh đẻ khiến sức khỏe của người phụ nữ suy giảm rõ rệt, do đó khả năng chịu đựng những thay đổi thời tiết cũng kém hơn.
Các nguy cơ tiềm tàng khi sinh đẻ trong ngày giá lạnh
Trời lạnh giá, người phụ nữ sinh đẻ không những vất vả hơn mà còn phải chịu đựng cơn đau kéo dài hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc vệ sinh sau sinh cũng khó khăn hơn khiến vết mổ hay vết rạch tầng sinh môn cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.
Đối với nhiều bà mẹ sinh con đúng đợt lạnh nhất vừa qua thì việc khó khăn nhất là vấn đề vệ sinh cho mẹ và con bị hạn chế. Theo tâm sự của nhiều bà mẹ trẻ, con của họ phải sau 2 ngày ra đời mới được tắm lần đầu tiên và gia đình phải thuê người đến tắm cho bé. Trẻ sơ sinh bài tiết nhiều nên mỗi khi lau rửa khăn phải được nhúng nước ấm và làm thật nhanh để tránh trẻ bị nhiễm lạnh.
Còn sản phụ mới sinh, mấy hôm trời lạnh vết rạch đau nhức khủng khiếp, mỗi lần đi vệ sinh như cực hình và vết thương đang tiêu chỉ nhức nhối vô cùng. Trời lạnh cũng khiến các sản phụ phải hoãn kế hoạch xông hơi giảm cân sau sinh đến khi trời ấm hơn.
Sản phụ sẽ phải chịu nhiều đau đớn hơn bình thường khi sinh con vào ngày lạnh. Ảnh minh họa: Internet.
Cách giảm đau sau sinh
Sau sinh, sản phụ phải chịu đau đớn một thời gian do vết rạch tầng sinh môn hay vết mổ hoặc do tử cung co thắt. Các cách sau đây có thể giúp sản phụ giảm đau và thấy dễ chịu hơn.
Vệ sinh vùng kín hàng ngày: Dùng nước ấm làm sạch vùng kín sau khi đi vệ sinh, có thể dùng vòi sen đổ nước ấm từ từ trong lúc đi tiểu vì nước ấm giúp trung hòa bớt nồng độ nước tiểu và hạn chế nước tiểu tiếp xúc với vết khâu. Vệ sinh vết thương ít nhất 3 lần/ngày với nước trà xanh hoặc nước muối pha loãng. Sau khi vệ sinh dùng khăn mềm, sạch lau khô.
Thay băng vệ sinh 3-4 giờ/lần: Sản dịch ra nhiều nên cần thay băng vệ sinh thường xuyên để giữ vùng đáy chậu khô thoáng, sạch sẽ, giảm đau rát sưng tấy và vết thương mau lành hơn.
Chườm ấm: Dùng khăn ấm chườm nóng khu vực hai chân gần đáy chậu giúp giảm đau, đồng thời giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành.
Ăn thức ăn giàu chất xơ: Phụ nữ sau sinh thường hay bị táo bón do chế độ ăn thiếu chất xơ Táo bón gây đau đớn cho vùng đáy chậu, thậm chí ảnh ưởng đến vết khâu tầng sinh môn. Do đó, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để tiêu hóa dễ dàng hơn.
Nằm nghiêng: Nằm nghiêng giúp máu lưu thông tốt hơn và quan trọng là giúp giảm áp lực lên tầng sinh môn, cơn đau ở vết rạch cũng dịu bớt.
Đi lại vận động nhẹ nhàng: Việc đi lại vận động nhẹ nhàng giúp giảm sưng tấy và vết thương mau lành hơn.
Tập động tác Kegel: Các động tác Kegel giúp vùng đáy chậu chuyển động nhẹ nhàng, rèn luyện vùng cơ chậu khỏe mạnh hơn, tăng lưu thông máu tới vùng sinh môn khiến vết khâu mau lành.
Sản phụ cần giữ ấm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Mặc quần áo vừa đủ ấm, tránh quần áo quá bó chật gây cảm giác khó chịu. Không trùm chăn kín mít khi đi ngủ. Sản phụ nên đi tất để giữ ấm đôi chân trong nhà thay vì chỉ đi dép không.
Ăn và uống thức ăn nóng ấm để cơ thể tránh bị mất nhiệt thiếu nước. Cơ thể sau sinh lạnh hơn nên sản phụ cũng cần ăn những loại hoa quả có tính nhiệt cao.
Vận động đi lại nhẹ nhàng vừa giúp cơ thể sinh nhiệt giữ ấm vừa giúp khí huyết lưu thông và các cơ sớm phục hồi.
Kiêng cữ cho sản phụ
Dù bất kể thời tiết nóng hay lạnh thì sản phụ cũng không nên tắm nước lạnh. Nên vệ sinh cơ thể với nước ấm hoặc nấu nước lá xông để khử mùi cơ thể mang lại sự thoải mái dễ chịu.
Không nên ngồi nhiều để tránh bị đau lưng, hơn nữa tử cung co thắt mạnh nếu ngồi nhiều có nguy cơ sa tử cung, vì vậy sản phụ tránh ngồi nhiều, nên vận động đi lại nhẹ nhàng và nằm cho con bú.