Vừa mới trải qua ca sinh mổ, Thu Nga đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích cho những mẹ bầu đang quan tâm đến kinh nghiệm đi đẻ.
Mẹ Méo (tên thật Võ Thu Nga, 28 tuổi) là một trong những blogger nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết chia sẻ về kinh nghiệm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy con cái. Bà mẹ 8x từng có kinh nghiệm hai lần vượt cạn, mỗi lần tại một bệnh viện khác nhau ở Hà Nội nhưng đều là những bệnh viện đầu ngành về đỡ đẻ và chăm sóc bà mẹ trẻ em.
Vừa mới trải qua cuộc vượt cạn lần thứ 2 tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, mẹ Méo đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích cho những mẹ bầu đang quan tâm đến kinh nghiệm đi đẻ.
Điều 1:
Thường có nguyên tắc "bất di bất dịch" là muốn làm hồ sơ sinh (HSS) và đăng kí đẻ ở đâu thì khám thai tại bệnh viện đó hoặc phòng khám của bác sĩ làm việc tại bệnh viện đó để khi đi làm hss bệnh viện sẽ không bắt phải khám lại lần nữa.
Mình xác định lần hai sẽ đẻ ở Viện Phụ sản Hà Nội vì hai lý do: gần nhà hơn và đã có nhiều bạn bè, họ hàng gia đình từng đẻ tại BV Phụ sản Hà Nội và rất khen dịch vụ tại đây, vì vậy cũng tìm phòng khám của bác sĩ tại BV luôn.
Điều 2:
Bạn vào khoa nào đăng kí làm hồ sơ sinh cũng được. Mình vào Tự nguyện 2 để đăng kí, đi cổng Chùa Láng sẽ gần và tiện hơn.
Nên đi sớm, khoảng 6h30 - 7h là có mặt ở đấy. Không ăn sáng để xét nghiệm máu, thử nước tiểu và siêu âm khám thai. Sau khi hoàn thành xong việc khám và chờ kết quả xét nghiệm (khoảng 1-1,5h đồng hồ), bạn có thể tranh thủ ăn sáng. Tầm 9h là xong xuôi mọi thủ tục và hoàn thiện việc làm hss rồi. Nhớ mã số hồ sơ sinh để khi đi đẻ đọc thì bệnh viện sẽ lấy hồ sơ sinh ra cho mình và chuyển lên khoa.
Toàn bộ chi phí làm hồ sơ sinh ở bệnh viện (nếu làm tại Tự nguyện 2) rơi vào khoảng trên dưới 1,5 triệu.
Điều 3:
Sau khi thông báo cho lễ tân tình trạng của bạn, bạn sẽ được thu xếp thăm khám ngay. Như mình khi vào viện vì thấy có hiện tượng tức bụng dưới, đau lưng... giống y hệt hồi chuyển dạ bạn Xốp nên được cho đi đo độ mở của tử cung, cơn co, siêu âm và đo monitor tim thai.
Tử cung của mình chưa mở, có cơn co nhẹ, thai siêu âm vẫn bình thường nhưng đo monitor thấy tim thai có hiện tượng yếu nên bác sĩ chỉ định nhập viện luôn. Lúc này thì sẽ đọc số hồ sơ sinh và được chuyển làm thủ tục nhập viện ngay tức khắc.
Điều 4:
Mình không đẻ mổ chủ động chọn ngày giờ mà xác định bao giờ có hiện tượng mới vào bệnh viện để mổ.
Khi làm thủ tục nhập viện, y tá sẽ hỏi các bạn một số thông tin:
- Hình thức đẻ (thường hay mổ): có chỉ định bác sĩ mổ là ai không hay để khoa tự chọn bác sĩ (nếu chỉ định bs mổ, người nhà phải liên hệ trực tiếp và có xác nhận của bác sĩ)
- Sử dụng dịch vụ ở bệnh viện hay không: mình đăng ký đẻ dịch vụ ở viện nên được chuyển lên khoa D3
- Lựa chọn phòng bệnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có khu dịch vụ tương đối tốt nhưng phòng nằm cũng có một số điểm hạn chế. Lựa chọn của mình khi vào viện là đăng ký phòng hai giường vệ sinh khép kín, giá tầm 800-1triệu/ngày.
Tuy nhiên hôm mình vào viện thì quá đông và loại phòng đấy đã hết. Chỉ còn phòng 1 giường vệ sinh khép kín giá 2,250 triệu/ngày. Mình chọn ở phòng này luôn vì đẻ mổ phải ở lại viện tối thiểu 3 ngày nên phòng ốc ổn để nghỉ ngơi và người nhà vào thăm ngủ lại được hỗ trợ hai mẹ con là rất quan trọng.
- Nhớ mang khoảng 20 triệu đi khi làm thủ tục nhập viện gồm tiền khám xét trước khi nhập viện (trên dưới 1 triệu, 18 triệu tiền nhập viện trong đó có 11 triệu tiền đẻ mổ - chỉ định bác sĩ, và 800k nghìn tiền nhận đồ đạc trong phòng, số còn lại mình không nhớ rõ lắm gồm những tiền gì)
Điều 5:
Phòng mổ ở phụ sản Hà Nội rất đẹp, được đầu tư trang thiết bị tốt. Quần áo bệnh nhân cũng đẹp nữa. Mình gặp ê-kíp mổ nhiệt tình, vui vẻ, trò chuyện hỏi han và động viên mình rất nhiều khi gây tê tuỷ sống cũng như khi bác sĩ thao tác đưa con ra khỏi bụng mẹ (thường tác động lực khá mạnh ở phần dưới bụng và mẹ phải hít sâu thở đều, bình tĩnh...)
Sau khi sinh em bé sẽ được "skin to skin" với mẹ ngay lập tức, sau đó mẹ đưa về phòng hậu phẫu theo dõi 6 tiếng và em bé được đưa về khoa sơ sinh chăm sóc.
Điều 6:
Sau khi mẹ được chuyển về phòng thì khoảng 30 phút sau con cũng được về với mẹ luôn.
Ngày 3 lần có các cô y tá đến vệ sinh và thay bỉm cho mẹ tại giường, đầu giờ sáng có bác sĩ đến theo dõi sức khoẻ của mẹ và bé, đưa bé đi tắm lúc 9-10h sáng, thuốc uống cho mẹ ngày 2 lần và thay băng vết mổ 1 lần/ngày.
Tối người nhà ngủ lại sẽ được thông báo đến lấy giường xếp. Như mình phòng riêng thì có một chiếc ghế salon nên có thể có 2 người nhà ngủ lại cũng được.
Chăn ga gối và quần áo của mẹ được thay hằng ngày 1 lần vào buổi sáng. Nếu bẩn thì đem đến phòng giặt là đổi đồ mới trong ngày luôn.
Đồ mang vào viện nếu nằm khi dịch vụ D3 như mình thì chỉ cần bỉm, sữa cho con, bao tay chân và mũ nếu cần cùng một bộ quần áo cho em bé khi ra viện. Mẹ thì bỉm, bvs, đồ vệ sinh cá nhân và quần áo mặc khi ra viện.
Phòng có đủ phích nước, chậu nhỏ (nên mang theo một chậu nữa để rửa mặt cho con), chăn quấn và tã lót cho bé (15 chiếc tã chéo, 2 áo sơ sinh và 2 chăn ủ - nếu bẩn phải đổi đồ mới ngay tại phòng giặt là, thiếu khi ra viện sẽ bị phạt tiền khá cao đấy ạ). Điều hoà, quạt trần, bình nóng lạnh và thậm chí nôi cho bé đều đủ cả chả khác gì bệnh viên tư nhân 5 sao.
Điều 7:
Sau 3 ngày nằm viện, bác sĩ sẽ chỉ định rút dây thuốc giảm đau 48h sau sinh, theo dõi vết mổ và nếu mọi thứ ổn thì mẹ và con có thể xuất viện. Vì mình muốn ở lại theo dõi thêm sau khi rút thuốc giảm đau nên xin ở lại một ngày, tổng là 4 ngày lưu trú tại bệnh viện.
Trước khi ra viện bé sẽ được đo thính lực, tiêm viêm gan B (24h đầu sau sinh, có đơn đồng ý của gia đình do mẹ ký). Mẹ sẽ được siêu âm ổ bụng. Sau đấy viện cấp giấy ra viện, khi đi ra cổng thì đưa giấy cho bảo vệ. Viện phí có thể thanh toán sau, trong giờ hành chính các ngày trong tuần. Thanh toán viện phí mới đc cấp giấy chứng sinh để đi làm giấy khai sinh và thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Tổng chi phí cho lần đi đẻ em bé thứ hai này của mình là 34,8 triệu.