Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết

Ngày 22/11/2018 13:59 PM (GMT+7)

Ths.BS Trịnh Thị Thúy cho biết, kinh nguyệt ra ít là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp, có thể mắc phải ở bất kì độ tuổi nào. Song không phải tất cả các trường hợp kinh ít đều là bệnh lý cần thiết phải điều trị.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết - 1

Tác giả bài viết: Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết - 2

Ths.BS Trịnh Thị Thúy (Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Thế nào là kinh nguyệt ra ít?

Kinh nguyệt ra ít hay còn gọi là thiểu kinh là hiện tượng lượng huyết kinh ra rất ít mỗi lần hành kinh, khi hành kinh người phụ nữ không cần đóng băng vệ sinh dầy, có thể chỉ cần đóng băng vệ sinh hàng ngày, thậm chí không cần đóng băng vệ sinh.

Kinh nguyệt ít có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có thể đi kèm với rong kinh, kinh thưa, hay gặp nhất ở độ tuổi tiền mãn kinh.

Có thể sảy ra từ lần đầu tiên hành kinh, hoặc giảm dần lượng máu kinh sau một thời gian hành kinh bình thường, cũng có thể sảy ra đột ngột sau một thủ thuật can thiệp vào buồng tử cung.

Nguyên nhân kinh nguyệt ra ít?

Như chúng ta đã biết, để có 1 chu kỳ kinh bình thường, trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng  - niêm mạc tử cung phải hoạt động nhịp nhàng với nhau. Vùng dưới đồi tiết ra GnRH kích thích tuyến yên sản xuất FSH. FSH có tác dụng kích thích nang noãn buồng trứng phát triển.

Các nang noãn này lại sản xuất ra estrogen, và estrogen sẽ tác động lên lớp niêm mạc tử cung, làm lớp niêm mạc cùng với các tuyến niêm mạc phát triển. Khi có sự  bong niêm mạc tử cung gây nên kinh nguyệt.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết - 3

Kinh nguyệt ra ít là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp, có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào, hay gặp nhất ở nhóm tuổi tiền mãn kinh (Ảnh minh họa)

Nếu có tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trong trục nội tiết này làm niêm mạc tử và các tuyến niêm mạc tử cung kém phát triển đều gây ra hiện tượng kinh nguyệt ít. Tổn thương này có thể xuất phát từ vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng hay chính tại niêm mạc tử cung.

- Nguyên nhân tại vùng dưới đồi:

Nếu vùng dưới đồi bị tổn thương trong một số trường hơp như: u màng não, u sọ hầu, phình mạch làm tổn thương đường liên hệ thần kinh và mạch máu giữa vùng dưới đồi và thoái hóa các nhân trong vùng dưới đồi, làm giảm tiết các hormon giải phóng, cũng sẽ gây giảm hoặc ngừng tiết các hormon của tuyến yên.

Trong trường hợp vùng dưới đồi giảm hoặc không tiết GnRH, đồng nghĩa với việc tuyến yên sẽ giảm hoặc ngừng tiết FSH và LH. Bệnh nhân thường vô kinh hoặc gây kinh nguyệt ra ít. Điều trị cần xác định được nguyên nhân gây tổn thương và xử trí theo tổn thương. Cũng có thể kết hợp sử dụng hormon thay thế.

- Nguyên nhân tại tuyến yên:

Nếu chức năng tuyến yên bị suy giảm, gặp trong trường hợp: bẩm sinh do đột biến gen, nhiễm sắc thể hay mắc phải như: u tuyến yên, adenoma tuyến yên kích thước lớn, chảy máu vào tuyến yên, ung thư di căn tuyến yên, sau chấn thương, sau phẫu thuật cắt vào cuống tuyến yên, băng huyết nặng sau đẻ gây hoại tử tuyến yên (hội chứng sheehan)… sẽ gây nên tình tạng thiếu hụt một hoặc nhiều hormone tuyến yên.

Thiếu hormon của hệ nội tiết nào sẽ gây nên tình trạng bệnh lý của cơ quan do Hormon đó đảm nhiệm. Nếu FSH và LH bị thiếu, chức năng buồng trứng sẽ bị suy giảm, lượng estrogen giảm làm tử cung teo nhỏ và niêm mạc tử cung kém phát triển. Điều trị theo nguyên nhân hoặc bổ sung hormon sinh dục.

Một bệnh lý cũng hay gặp tại tuyến yên gây niêm mạc tử cung mỏng, đó là bệnh lý tăng prolactin máu do u tuyến yên chế tiết prolactin hoặc cũng có khi không rõ nguyên nhân.

Prolactin là một nội tiết do thùy sau tuyến yên tiết ra, có vai trò trong việc sản xuất sữa ở người phụ nữ cho con bú. Nếu prolactin máu tăng cao sẽ ức chế sự phát triển của nang noãn, làm giảm sản xuất estrogen, niêm mạc tử cung sẽ mỏng gây kinh nguyệt ra ít. Một số trường hợp, prolactin máu tăng quá cao có thể gây vô kinh. Điều trị bằng các thuốc hạ prolactin hoặc phẫu thuật cắt u tuyến yên.

- Nguyên nhân tại buồng trứng:

Nếu buồng trứng bị suy giảm chức năng gặp trong những trường hợp: suy buồng trứng sớm, tiền mãn kinh, sau phẫu thật cắt buồng trứng, phẫu thuật bóc u nang buồng trứng hoặc trong trường hợp lạc nội mạc tử cung lớn ở buồng trứng, làm giảm dữ trữ buồng trứng, cũng làm niêm mạc tử cung kém phát triển dẫn đến kinh nguyệt ra ít và không đều, có thể kèm theo kinh thưa.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết - 4

Biểu hiện kinh nguyệt ít đột ngột còn có thể do di chứng của lao niêm mạc tử cung, sau thủ thuật nạo hút niêm mạc buồng tử cung hoặc nạo hút thai… (Ảnh minh họa)

- Nguyên nhân tại niêm mạc tử cung:

Kinh nguyệt ra ít có thể do niêm mạc tử cung kém xung huyết do không đáp ứng với estrogen, trường hợp này gặp khá phổ biến, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, cũng không ảnh hưởng đến việc thụ thai, không cần điều trị. Trong trường hợp này, chỉ cần nạo buồng tử cung, niêm mạc tử cung sẽ tăng mẫn cảm với estrogen hơn, kinh nguyệt sẽ bình thường trở lại.

Một nguyên nhân tại niêm mạc tử cung làm kinh nguyệt ra ít đó là dính buồng tử cung. Dính buồng tử cung có thể do di chứng của lao niêm mạc tử cung, sau thủ thuật nạo hút niêm mạc buồng tử cung hoặc nạo hút thai…biểu hiện là kinh nguyệt ít đột ngột sau mắc lao hoặc ngay chu kỳ kinh đầu tiên sau các thủ thuật.

Nếu đang mắc bệnh lao, phải điều trị lao. Nếu không do lao và người phụ nữ đang mong con, có thể nong buồng tử cung hoặc phẫu thuật soi buồng tử cung tách dính; nếu người phụ nữ đã đủ con, không cần thiết phải điều trị.

Kinh nguyệt ra ít phải làm sao?

Nếu bạn thấy kinh nguyệt của mình đột ngột ra ít, hoặc ít dần theo thời gian, có thể kèm theo một số triệu chứng như: rong kinh, kinh thưa…bạn nên đi khám sức khỏe sinh sản để xác định xem, hiện tượng kinh ít đó là bình thường hay bệnh lý, nguyên nhân do đâu, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn điều trị hợp lý nhất. Đặc biệt lưu ý, chị em không nên tự ý điều trị bằng các loại thuốc nội tiết.

Ngoài ra, để đề phòng rối loạn kinh nguyệt, chị em phụ nữ nên:

- Ngủ đúng giờ, đủ giấc:

Cho dù công việc, học tập có bận rộn tới đâu thì chị em cũng nên dành thời gian cho chính bản thân mình. Đặc biệt là phải quan tâm đến giấc ngủ, làm sao đảm bảo đủ giấc để giúp cho cơ thể minh mẫn, cuộc sống lành mạnh hơn.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết - 5

Ngủ đúng giờ, đủ giấc là cách để đề phòng rối loạn kinh nguyệt (Ảnh minh họa)

- Bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết:

Phụ nữ chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể của mình. Cần có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng, bổ sung đầy đủ và vitamin và khoáng chất…. Ngoài ra, chị em phụ nữ hãy hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, tinh bột và thức ăn quá mặn, tránh dùng chất kích thích.

- Hình thành lối sống thoải mái, khỏe mạnh:

Chị em hãy tạo một cuộc sống vui vẻ, để đầu óc luôn được thoải mái, tự do, không nên căng thẳng, ủ rũ và nóng giận. Đồng thời, phải tập thể dục, vận động thường xuyên, đều đặn để tăng cường sức khỏe.

- Sống sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên

Nên vệ sinh thường xuyên, đúng cách để tránh viêm nhiễm bộ phận sinh dục, đặc biệt là khi hành kinh và sau khi quan hệ tình dục. Khi hành kinh, nên thay băng vệ sinh 3 – 4 giờ một lần để tránh vi khuẩn, nấm phát triển.

Quan hệ tình dục an toàn, tránh có thai ngoài ý muốn. Nếu muốn đình chỉ thai nghén, nên đến các cơ sở y tế uy tín để tránh những tai biến, biến chứng có thể xảy ra.

Chỉ dùng các loại thuốc nội tiết khi có chỉ định của bác sĩ. Tân thủ nghiêm ngặt liều dùng và thời gian dùng thuốc

Khi đã áp dụng các phương pháp trên đây mà hiện tượng kinh nguyệt ra ít vẫn không khắc phục, chị em nên tìm đến bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác và đưa ra phát đồ điều trị nếu đó là triệu chứng của bệnh lý. Tránh trường hợp thấy kinh nguyệt ra ít và tự mua thuốc để uống vì sẽ dễ dẫn đến việc điều trị không đúng bệnh, làm tình trạng ngày càng nặng thêm.

Kinh nguyệt màu đen: Những nguyên nhân nhiều chị em hay mắc phải
Ths.BS Trịnh Thị Thúy chia sẻ, thông thường kinh nguyệt phụ nữ khỏe mạnh có màu đỏ thẫm, loãng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kinh nguyệt màu...

Kinh nguyệt

Ths.BS Trịnh Thị Thúy (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia