Lo có gen trầm cảm như mẹ đẻ, vợ Sài thành chuẩn bị trước 8 việc để không rơi xuống vực trầm cảm sau sinh

Thảo Nguyên - Ngày 28/09/2023 13:48 PM (GMT+7)

Người vợ này thú nhận, khi biết tin cô mang thai, mẹ đẻ đã vô cùng lo lắng vì sợ con gái “có gen” giống mình sẽ bị trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh - Nỗi lo âm ỉ mang gen giống mẹ đẻ 

Chị Trần Thị Huyền Trân, 29 tuổi hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh kể, sau sinh chị tầm 1 tháng, nửa đêm mẹ đẻ đã ẵm chị bỏ nhà ra đi. Ngày đó may cha của chị Trân đi làm về kịp tìm thấy. Đến giờ mẹ vẫn bảo, ngày đó tự thấy bế tắc quá, bà vô chùa tu cho nhẹ.

10 năm sau, khi mẹ đẻ chị Trân sinh con thứ hai thì cơn trầm cảm của bà còn đến sớm và nặng hơn.

“Lúc đó, mọi người trong nhà chỉ cho rằng tính khí mẹ thất thường nên chịu đựng, sau đó bắt đầu cảm thấy ức chế, phiền hà. Còn mẹ có lúc gào lên mất kiểm soát, vũ lực đã xảy ra. Không chỉ tổn thương tinh thần, sức khoẻ thể chất của mẹ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà thường xuyên ngất xỉu, co giật, khó thở, không làm được việc gì. Khoảng thời gian đó, mình học cấp 2. Mình luôn tìm mọi lý do để ở nhà ít nhất có thể: đi học, la cà quán xá, đi theo bạn bè chơi nghêu ngao. Vì khi về nhà, thỉnh thoảng lại là một không gian yên tĩnh đến đáng sợ. Cha đi đâu mất còn mẹ sẽ nằm thoi thóp trong phòng, mắt sưng húp, thì thào “Trân ơi cứu mẹ””, mẹ bỉm nhớ lại.

Lo sợ có gen bị trầm cảm sau sinh giống mẹ, người vợ này đã lên kế hoạch trước để không bị rơi xuống vực. (Ảnh: NVCC)

Lo sợ có gen bị trầm cảm sau sinh giống mẹ, người vợ này đã lên kế hoạch trước để không "bị rơi xuống vực". (Ảnh: NVCC)

Phải mất ròng rã 5-7 năm, bằng đủ phương pháp từ y học hiện đại đến cổ truyền thì mẹ đẻ chị Trân mới cơ bản thoát khỏi "con quỷ" trầm cảm. Sau đó là cả một quá trình dài chiến đấu, thích nghi thì mẹ đẻ chị Trân mới sống vui sống khoẻ như hiện tại (nhưng dư chấn của nó vẫn còn khiến bà giờ trở nên rất nhạy cảm).

8 việc người vợ trẻ Sài thành chuẩn bị trước để không rơi xuống vực trầm cảm sau sinh

Khi chị Trân có thai, mẹ đẻ đã vô cùng lo lắng vì sợ con gái “có gen” giống mẹ: bị trầm cảm sau sinh.

“Mình còn sợ hơn mẹ gấp 100 lần vì hiểu sức tàn phá khủng khiếp của nó - không chỉ đối với riêng người bị trầm cảm mà còn kéo hạnh phúc của tất cả thành viên trong gia đình rơi xuống vực. Do đó, mình đã chuẩn bị mọi thứ rất kỹ. Mình quyết tâm không đi vào vết xe đỗ của mẹ, quyết tâm bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình”, chị Trân nói.

Sau đây là 8 việc mà chị Trân đã chuẩn bị trước để không bị trầm cảm sau sinh giống như mẹ đẻ mình:

1. Hình dung về cuộc sống sau sinh

Nhiều bạn khi mang thai tìm hiểu rất nhiều về cách chăm sóc em bé nhưng rất ít tìm hiểu về chính bản thân sẽ thay đổi thế nào sau sinh. Tuy nhiên điều đó rất quan trọng, nó quyết định tâm lý của mẹ và ảnh hưởng tới quá trình nuôi con lâu dài.

Một số đặc điểm trên cơ thể sẽ trở nên xuống cấp sau sinh như cơ bụng, ngực, da, tóc,… Và chị em sẽ xuất hiện những đặc trưng của mẹ sữa như mùi cơ thể rất nặng, căng tức sữa, đau rát đầu ti,… Những hãy yên tâm những vấn đề này sẽ gần như biến mất theo thời gian.

Do hình dung trước về cuộc sống sau sinh nên mẹ bỉm này chấp nhận sau sinh sẽ bị thiếu ngủ, đau lưng, mỏi tay mỏi chân do phải chăm sóc con nhiều. (Ảnh: NVCC)

Do hình dung trước về cuộc sống sau sinh nên mẹ bỉm này chấp nhận sau sinh sẽ bị thiếu ngủ, đau lưng, mỏi tay mỏi chân do phải chăm sóc con nhiều. (Ảnh: NVCC)

Ví dụ mùi cơ thể khoảng 1 tháng sẽ hết, tóc rụng nhiều đến mấy cũng sẽ mọc lại nên đừng quá lo lắng và tự ti. Tốt nhất không nên soi gương, không nên so sánh với hình tượng nào đó trên mạng. Họ chỉ là số ít may mắn và cũng phải đánh đổi một vài thứ (ví dụ không cho con bú sữa mẹ, luyện tập khắc nghiệt chẳng hạn).

Ngoài hình dung về giao diện, mẹ bỉm cũng cần hình dung về hệ điều hành. Tức là môi trường sống, lịch sinh hoạt, công việc mình phải làm mỗi ngày, những thuận lợi khó khăn sau khi có con.

Vì thế khi mang thai, mỗi tối chị Trân đều tưởng tượng ra và…luyện tập trước. Ví dụ chuẩn bị tâm lý sẽ tự chăm con nên sau khi sinh 24h đều sẽ xoay quanh công việc bỉm sữa. Con sẽ ngủ ở đây, chị ở đây, sáng dậy chị sẽ làm gì, trưa, chiều, tối sẽ như thế nào,…

Bản thân chị Trân đã chấp nhận sau sinh sẽ thiếu ngủ, đau lưng, mỏi tay mỏi chân do phải chăm sóc con nhiều. Chị cũng không còn thong thả đi đây đi đó, thời gian cho bản thân càng hiếm hoi. Nhưng chị biết, con sẽ lớn và càng ngày mọi thứ sẽ càng tiến gần hơn về quỹ đạo cũ. Chỉ cần cố gắng qua 3 tháng đầu, 6 tháng, 12 tháng, 2 tuổi, 3 tuổi là sẽ khoẻ.

Hình dung ra bức tranh toàn cảnh như thế đã giúp chị Trân không cảm thấy bế tắc, không bị những thứ lặt vặt không như ý làm phiền lòng.

2. Công tác tư tưởng cho người thân xung quanh mình

Hình dung về cuộc sống sau sinh này còn đi kèm với việc công tác tư tưởng cho người thân xung quanh. Vì sự xáo trộn không chỉ dành cho mẹ và bé, các thành viên còn lại trong gia đình cũng có những ảnh hưởng nhất định xuất phát từ thành viên mới gia nhập này.

Đối với chồng, chị Trân thường chia sẻ những lo lắng hoặc thuyết minh về cuộc sống vợ chồng sau sinh cho chồng nghe: trách nhiệm, chi phí, lịch sinh hoạt dự kiến hằng ngày và dĩ nhiên là những hạnh phúc khi có thêm thành viên mới.

“Mình cũng hay dặn chồng, sau sinh em sẽ vất vả hơn nên mong anh quan tâm tới em nhiều hơn. Sự thay đổi hoocmon cũng khiến em trở nên nhạy cảm, hy vọng anh sẽ cẩn thận lời nói, cách cư xử và làm chỗ dựa bảo vệ cho em”, chị Trân nói.

Ngoài ra việc xác định quan điểm ở cử, người hỗ trợ mẹ bé sau sinh, phương pháp nuôi con cũng rất quan trọng. Nếu có sức khoẻ tốt thì nên tự chăm con để được hoàn toàn theo ý của mình, có điều kiện thì thuê giúp việc hỗ trợ nấu ăn dọn dẹp là tốt nhất.

Làm công tác tư tưởng cho cả chồng và người xung quanh về sự xáo trộn khi có em bé. (Ảnh: NVCC)

Làm công tác tư tưởng cho cả chồng và người xung quanh về sự xáo trộn khi có em bé. (Ảnh: NVCC)

Còn nếu xác định nhờ ông bà cần thống nhất trước là sẽ theo quan điểm của ai hoặc cái nào theo ý ông bà, cái nào ba mẹ được tự quyết, ông bà sẽ giúp đỡ bao lâu, rồi sau đó sẽ như thế nào.

Ngoài ra, phải xác định tư tưởng nuôi con là một hành trình dài hơi chứ không phải chỉ vài ba tháng hay vài ba năm nên hãy xác định tư tưởng rằng đừng quá quan trọng chuyện cân nặng của con, chuyện ăn chuyện ngủ hay bất kỳ phương pháp rập khuôn nào.

3. Đảm bảo dinh dưỡng đa dạng

Từ khi có con, mọi ánh nhìn đều tập trung vào em bé. Thậm chí chính chị em cũng sẽ nghĩ cho con nhiều hơn cho bản thân. Tuy nhiên, nếu cơ thể bị suy nhược, thiếu dinh dưỡng thì sức khoẻ tinh thần cũng không thể tốt được.

Sau sinh mẹ ở cữ nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm đặc biệt là thịt cá, rau xanh, trái cây. Chị Trân nghe lời bác sĩ nên ăn tất, từ tôm cua đến nước cam, rau muống, chỉ không ăn đồ sống, đồ quá cay-chua-mặn.

Nếu không có người hỗ trợ nấu ăn hoặc phải ở cữ theo lối xưa hơi khắc khổ thì cũng có thể tìm nguồn khác bổ trợ. Ví dụ như uống viên vitamin tổng hợp cho phụ nữ cho con bú, kèm thêm viên sắt, canxi.

Điều kiện kinh tế không cho phép có thể bổ sung đạm bằng sữa tươi, chuối sứ cũng có nhiều vitamin nhóm B tốt cho hệ thần kinh nữa.

Sắt và canxi, magie B6, vitamin B1-B6-B12 là những thuốc bổ rẻ tiền có thể mua ở mọi nhà thuốc, chị em nên mua uống thêm trong thời gian cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ rất mất sức, nếu không bổ sung đầy đủ sẽ suy kiệt ngay. Cơ thể suy nhược sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm hơn rất rất nhiều. Ngược lại, trầm cảm cũng góp phần làm cơ thể kém hấp thu và kiệt quệ. Do đó, phải nên lắng nghe bên trong bản thân để có giải pháp kịp thời.

4. Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể hồi phục

Ngày xưa phụ nữ sau sinh sẽ ở cữ 3 tháng 10 ngày để có thời gian cơ thể hồi phục. Bây giờ hầu như ở cữ chỉ còn khoảng 1 tháng, nhiều mẹ do đặc thù công việc thậm chí còn không ở cữ.

Ăn uống đủ chất, thuốc bổ sẽ giúp phụ nữ sau sinh cảm thấy năng lượng nhiều hơn nên đôi khi cũng vì thế mà quên mất bản thân vừa trải qua sự xáo trộn lớn cần nghỉ ngơi hồi phục.

Lo có gen trầm cảm như mẹ đẻ, vợ Sài thành chuẩn bị trước 8 việc để không rơi xuống vực trầm cảm sau sinh - 4

“Như mình kể hồi ở viện do thuốc giảm đau làm mình thấy khoẻ nên đã chủ quan ra sức chăm con, thức khuya làm huyết áp tăng gần 170”, chị Trân nói.

Vì thế, nếu phải quay lại công việc sớm, hãy khéo léo cho mọi người biết mình vừa mới sinh xong. Những người hiểu chuyện, sẽ không tạo áp lực hay cố ăn thua đủ với mình.

Nếu xui rủi gặp sự cố, hãy buông bỏ. Tự nhủ với bản thân: mình còn nhiều cơ hội phía trước, bây giờ là thời điểm để lùi lại dành cho bản thân, gia đình.

Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại cũng làm mất thời gian nghỉ ngơi của mẹ bỉm nên tiết chế hợp lý.

Khi con ngủ, hãy tranh thủ chợp mắt 15-30p trước rồi dậy cầm điện thoại sau. Nếu con thức dậy bất ngờ thì bạn cũng đã kịp lại sức.

5. Chia sẻ việc chăm con với chồng và mọi người xung quanh

Việc nuôi nấng một đứa trẻ sẽ rất vất vả và chiếm nhiều sức khoẻ - năng lượng của bạn. Do đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và mọi người xung quanh - đặc biệt là chồng.

“Mình hiểu một số mẹ cầu toàn muốn chăm con theo cách của mình, muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Mình cũng là một trong số đó. Tuy nhiên nuôi con là chặng đường dài, đừng biến mình thành kỵ sĩ cô độc. Chia sẻ việc chăm con làm tăng trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với thành viên mới, giúp em bé nhận được nhiều tình yêu thương hơn”, chị Trân nói.

Trong thời gian được các thành viên giúp đỡ chăm con, mẹ bỉm có thể tranh thủ chợp mắt một chút, hoặc đi gội đầu, làm nail, đi mua sắm hoặc đơn giản là đi dạo một vòng quanh nhà. Nắng, gió, khí trời sẽ giúp giảm tù túng, đem lại năng lượng tươi mới cho mẹ bỉm.

Vợ chồng chị Trân bên con trong chuyến đi du lịch đầu tiên. (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng chị Trân bên con trong chuyến đi du lịch đầu tiên. (Ảnh: NVCC)

6. Ở cữ thoải mái

Một trong những lý do gây ức chế sau sinh con đó chính là do chị em ở cữ quá khắt khe: phải kiêng ăn, kiêng ra gió thậm chí kiêng tắm gội. Đang tự do thoải mái bỗng dưng phải sống khổ sở cộng thêm cho con bú, mất ngủ vì chăm con nữa, tinh thần sẽ dễ xuống thấp.

Hãy vững tâm trước những quan niệm ở cữ lạc hậu. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn uống đa dạng đầy đủ chất, xin tư vấn của bác sĩ để gia đình hiểu và ủng hộ mình hơn.

7. Tự tìm cách vượt qua những cú sốc

Người ta bảo phụ nữ sau khi như con cua lột, chỉ cầu mong mọi thứ suôn sẻ chứ nếu không rất khó vượt qua. Nhưng con người không giống con cua, chỉ cần bạn còn sống và muốn tiếp tục sống, mọi chuyện sẽ vượt qua được hết.

Nếu gặp chuyện, dĩ nhiên không tránh khỏi đau buồn, phiền nhiễu cần phân biệt trạng thái: đau khổ/áp lực với trầm cảm.

Nếu quá buồn có thể khóc, có thể tìm người tâm sự, tìm cách giải khuây. Nếu áp lực thì suy nghĩ tìm cách, tìm người hỗ trợ hoặc lựa chọn buông bỏ.

Đừng ngâm nỗi buồn qua đêm trong trái tim được hút chân không. Hãy tìm người đáng tin cậy để mở lòng ra chia sẻ. Nếu không thể tìm ai chia sẻ, hãy lên YouTube tìm đọc hay nghe những gì cho lòng dịu lại.

Khi năng lượng xuống quá thấp, hãy tổ chức một chuyến đi ra ngoài để hít thở. Nếu có điều kiện thì hãy đi biển, nắng và gió biển sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Còn không thì chỉ cần đi gần gần, có cây xanh và không gian thoáng đãng là tốt nhất.

8. Đừng chọn nuôi trầm cảm

Nghe có vẻ vô lý, nhưng có rất nhiều người đã nuôi trầm cảm, cư xử như thể mình bị trầm cảm rồi trở nên trầm cảm thật sự. Những cảm xúc tiêu cực nếu không được chia sẻ, giải toả kịp thời mà dồn nén trong lòng sẽ như bóng đêm ngày một lớn bao trùm lên cảm xúc của bạn.

Nuôi những năng lượng tốt lành, lắng nghe cảm xúc của bản thân. Nếu có buồn bực, giận hờn thì cứ nói ra hoặc quên được thì tốt.

Lo có gen trầm cảm như mẹ đẻ, vợ Sài thành chuẩn bị trước 8 việc để không rơi xuống vực trầm cảm sau sinh - 6

Đừng cười gượng và nói rằng “không có gì” còn trong lòng thì đang phát ra rất nhiều lời ca thán, gặm nhấm bực bội rồi bắt người khác phải hiểu mình.

Vài người còn thích làm nạn nhân để được mọi người xót thương, quan tâm và muốn cho xã hội lên án người làm họ đau khổ nên họ cố tình để mình rơi vào trầm cảm. Nhưng họ không biết đó là một lựa chọn đưa họ rơi xuống vực. Sau cơn trầm cảm, mẹ bỉm sẽ không còn là chính mình nữa hoặc là bạn - nhưng thủng một lỗ rất to.

Mình đã rất sợ bị trầm cảm sau sinh và quyết tâm không để mình rơi vào trạng thái ấy nên mình đã đề ra và cố gắng tuân thủ những lưu ý như trên. Nhờ vậy, dù cũng có mệt mỏi, những áp lực, những chuyện phiền lòng sau sinh nhưng mình không bị trầm cảm sau sinh. Và các mẹ bỉm khác cũng thế. Ngoài ra, các ông chồng hãy nhìn vợ mình nhiều hơn và giúp đỡ cô ấy vượt qua giai đoạn mong manh dễ vỡ này nhé”, chị Trân khẳng định.

Hình ảnh trước và sau khi giảm cân của các bà mẹ nổi tiếng, có người bị đem làm trò cười vì quá béo sau sinh
Những người nổi tiếng họ nỗ lực rất lớn để lấy lại vóc dáng sau sinh, vì sự nghiệp của họ phụ thuộc nhiều vào ngoại hình.

Giảm cân sau sinh

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc mẹ và bé sau sinh