Mang bầu đôi chung bánh nhau, mẹ Sài Gòn khổ sở từ ngày cấn thai đến khi lên bàn mổ

Ngày 26/04/2018 13:48 PM (GMT+7)

Thuộc trường hợp hi hữu chỉ có 13% sản phụ gặp phải, chị Huyền Trâm đón 2 cô công chúa trong vỡ òa hạnh phúc dù trải nghiệm đi đẻ có đôi chút “kinh hoàng” hơn dự tính.

Lấy chồng 1 năm rưỡi mới cấn bầu, chị Huyền Trâm (30 tuổi, TP.HCM) và ông xã (Nguyễn Ngọc Hiến, 35 tuổi) như vỡ òa hạnh phúc khi biết tin chị mang thai mà còn là 2 bé song sinh. Nhớ lại cảm giác lúc đó, chị không khỏi bồi hồi hệt như lần đầu biết tin sắp làm mẹ.

“Thỉnh thoảng nhớ lại gương mặt đang ngái ngủ nhưng vô cùng hớn hở của anh chồng khi mình thông báo mang thai mà mắc cười. Cả ngày anh tíu tít như một đứa trẻ được mẹ cho quà, hai vợ chồng cứ nhìn nhau là cười, hồi hộp chờ đến ngày được nghe tim thai.

Ngày mình đi nghe tim thai. Mình thông báo với anh "là song thai anh ơi". Mặt anh nghệch ra vì quá sốc. Mình và anh nhìn nhau líu quíu chân tay, mừng rớt nước mắt. Chưa bao giờ mình có được cảm xúc như thế. Chồng mình cũng vậy, bởi anh mong con từng ngày và giờ đây tạo hóa ban cho anh còn nhiều hơn thế”, chị kể.

Mang bầu đôi chung bánh nhau, mẹ Sài Gòn khổ sở từ ngày cấn thai đến khi lên bàn mổ - 1

Hai em bé song sinh là món quà lớn nhất của vợ chồng chị.

8 tháng bầu đôi đầy cực khổ, lo lắng 

Tròn 5 tháng ngày 2 bé Nguyễn Ngọc Khánh An và Nguyễn Ngọc Bình An ra đời, cũng là tròn 5 tháng gia đình chị có thêm tiếng cười, có thêm 2 thiên thần nhỏ và là 5 tháng chị bị “cho ra rìa”. Nói thì vậy, nhưng sao kể hết được nỗi vui sướng của chị khi để có được 2 “bé cưng” chị đã sống trọn vẹn trong cả thai kỳ mệt mỏi, lo lắng và sợ hãi.

“Sau khoảng tuần thứ 12 mình bắt đầu lo lắng khi bác sĩ siêu âm nói rằng thai của mình thuộc trường hợp song thai nhưng chỉ có 1 bánh nhau. Trường hợp này rất hiếm, chỉ khoảng 13% số mẹ mang song thai mắc phải. Đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra và phải theo dõi thường xuyên”, chị chia sẻ. 

Tưởng vậy là hết, nào ngờ chị còn bị tiểu đường thai kỳ độ 1, một căn bệnh thường gặp ở các mẹ mang bầu. Nhưng vừa mang song thai 1 bánh nhau mà còn bị tiểu đường thai kỳ là rất hiếm và cực kì nguy hiểm. Bởi vậy, dù mới mang thai lần đầu nhưng trải nghiệm bầu bì với chị gói gọn trong 2 chữ "rất cực”.

Chị hầu như không ăn cơm, kiêng tối đa các món nhiều tinh bột, nước ngọt… chỉ ăn rau xanh và khoai lang. Vậy mà bắt đầu từ tháng thứ 5 chị đã bị phù nề, cửa mình nhức đau đi không nổi, xoay mình qua lại cũng khó khăn. Những vấn đề đó thường chỉ xảy ra ở tháng cuối thai kỳ đối với các mẹ đơn thai, nhưng với chị nó tới sớm hơn dự tính.

Mang bầu đôi chung bánh nhau, mẹ Sài Gòn khổ sở từ ngày cấn thai đến khi lên bàn mổ - 2

Khánh An và Bình An ra đời trong nỗi lo lắng của mẹ và cả gia đình.

Ca sinh mổ sớm "ngàn cân treo sợi tóc" 

Đến khi sinh con cũng chẳng sinh “bình thường” như các mẹ, mới chỉ hết hơn 8 tháng chị Trâm đã phải ì ạch, leo lên bàn mổ trong tư thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa sợ hãi mà vừa tủi thân.

“Lên đến phòng mổ, mặc áo phẫu thuật luôn rồi mà còn bị trả về nhường cho ca khác khẩn cấp hơn... thế là được thêm 2 tiếng hồi hộp. Đến lúc chắc chắn phòng mổ này là của mình, không còn ai tranh giành nữa thì cái mũi gây tê đã đâm đến giữa lưng. Khổ lần nữa!

Gây tê thế nào mà vẫn cảm giác đau, vẫn rên hừ hừ như sốt rét, đầu óc thì tỉnh như vừa uống ly cà phê đen đậm đặc... bác sĩ thấy lì quá mới khuyến mãi thêm mũi gây mê cốt cho ngủ nhanh để họ còn làm việc, giờ nghĩ lại mới thấy đúng là “trâu”, bà mẹ song sinh nhớ lại.

Vài tiếng trong phòng mổ mà chị tưởng đâu như ngàn năm, “mũi dao lượn lờ trên từng thớ da thịt. Ở nhà mổ bụng cá sao thì bác sĩ cũng mổ bụng mình y vậy, gọi là banh da xẻ thịt mới sinh được cặp con không sai miếng nào”.

Mang bầu đôi chung bánh nhau, mẹ Sài Gòn khổ sở từ ngày cấn thai đến khi lên bàn mổ - 3

Sau hơn 8 tháng, 2 con chào đời trong niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào của chị.

Là người nhát gan, từ nhỏ mỗi lần thấy cây kim là chị khóc thét. Nay làm mẹ rồi chị nghĩ “không lẽ khóc vì cái kim thì quê lắm”. Vậy nên đành cắn răng quay mặt “cho ai muốn làm gì thì làm”. Vậy mà kim tiêm kháng sinh cũng cả tuần lễ mới xong, đến tận bây giờ mỗi lần nhìn cây tiêm là chị tự nổi da gà.

Sinh con xong đúng 3 tháng chị trở về cân nặng như bình thường, nhiều người thắc mắc hỏi vì sao mới sinh bé xong mà lấy lại cân nặng nhanh như vậy, có người lần đầu gặp còn không tin chị là mẹ của 2 công chúa song sinh.

“Xin thưa rằng không hề có bí kíp gì cả, chẳng qua đây là kết quả của việc mỗi đêm cứ 2 tiếng dậy 1 lần pha sữa cho con mà ra”, như vậy cũng đủ hiểu chăm sóc 2 con khó đến mức nào.

Mang bầu đôi chung bánh nhau, mẹ Sài Gòn khổ sở từ ngày cấn thai đến khi lên bàn mổ - 4

Gia đình hạnh phúc của chị Huyền Trâm và ông xã.

“Ấy thế mà sinh con ra chẳng giống được chút nào gọi là an ủi. Ta nói y chang bố từ đầu đến ngón chân. Bố nó thì lời quá rồi, có được cặp con mà chẳng phải chịu đau đớn gì, tối ngày điện thoại cũng chỉ chăm chăm đòi gặp con. Chẳng có lấy một câu thảo mai hỏi han mẹ, rốt cuộc mẹ trở nên người thừa thãi, thế giới này là của cha con nhà nó. Đấy, lỗ đủ đường chứ có lãi gì đâu…”, chị hờn dỗi.

Thế nhưng, hạnh phúc với phụ nữ thật ra đơn giản lắm, chỉ cần một người đàn ông yêu thương và những đứa con ngoan ngoãn là quá đủ. Trước là một người vợ, giờ là một người mẹ, hơn ai hết chị Huyền Trâm cũng chỉ mong có thế.

Mẹ 8x kể chuyện đi đẻ: Hai vợ chồng mải chụp ảnh, không biết con ra lúc nào
Sau khi sinh, chị Nữ chia sẻ không khí trong phòng sinh mổ không hề lạnh lẽo, đáng sợ như chị tưởng tượng.
Lê Lê - Ảnh NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con