Những cách tính cân nặng thai nhi đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ ước lượng được cân nặng của bé yêu.
Hầu như các bà bầu đều tò mò bé yêu của mình lớn như thế nào rồi và có phát triển đúng chuẩn không. Vậy để giải đáp thắc mắc này các mẹ có thể tham khảo bảng cân nặng chuẩn và những cánh tính cân nặng thai nhi sau:
Bảng cân nặng chuẩn của thai nhi
Mỗi thai nhi đều có tốc độ phát triển của riêng mình. Vì vậy, những con số sau đây chỉ mang tính tham khảo nhất định, chiều dài và cân nặng của thai nhi có thể “xê xích” đôi chút.
Do trước 20 tuần tuổi, bé thường cuộn tròn trong bụng mẹ nên các bác sĩ sẽ chỉ đo từ đầu đến mông. Sau 20 tuần, thai được đo từ đầu đến gót chân.
Bảng cân nặng và chiều cao của thai nhi qua từng tuần tuổi.
Cách tính cân nặng thai nhi
1. Tính cân nặng thai nhi theo chu vi vòng bụng
Cách tính cân nặng thai nhi đơn giản nhất là các mẹ hãy sờ nắm bụng để đo chiều cao tử cung và chu vi bụng. Sau đó, các mẹ hãy dựa vào những số liệu đấy để tính toán trọng lượng thai nhi theo công thức sau:
Trọng lượng thai nhi (g) = [(chiều cao tử cung + chu vi bụng) x 100]/4 Trong đó: - Chiều cao tử cung (cm): Khoảng cách từ mu trên đến đáy tử cung. - Chu vi bụng (cm): Đo ở chỗ phình nhất, thường là qua rốn. |
Công thức này tuy đơn giản nhưng chỉ cho mẹ một con số ước lượng. Sai số có thể khá lớn vì còn tùy thuộc mẹ bầu béo hay gầy, nước ối nhiều hay ít.
2. Tính cân nặng thai nhi qua siêu âm
Tính cân nặng thai nhi qua siêu âm được coi là cách tính toán chính xác nhất. (Ảnh minh họa)
Siêu âm thai là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất hiện nay vì độ chính xác cao, an toàn và rất nhanh chóng. Trong siêu âm sản khoa có rất nhiều công thức để ước tính cân nặng thai nhi, tuy nhiên trước khi tự tính toán cân nặng của bé, mẹ cần hiểu rõ về các ký hiệu và thông số trên kết quả siêu âm:
BPD – Đường kính lưỡng đỉnh
AC – Chu vi bụng
FL – Chiều dài xương đùi
HC – Chu vi vòng đầu
TAD – Đường kính ngang bụng
Từ những thông số trên, các mẹ có thể áp dụng một số cách sau để tự tính cân nặng thai nhi:
Dựa số đo đường kính lưỡng đỉnh (BPD) tính trọng lượng thai nhi theo 2 công thức: - Trọng lượng (g) = [BPD (mm) – 60] x 100 - Trọng lượng (g) = 88,69 x BPD (mm) – 5062 |
Ví dụ như: Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) là 90mm thì thai nhi cân nặng sẽ được tính như sau:
Trọng lượng thai nhi = (90 – 60) x 100 = 3kg
Hoặc: Trong lượng thai nhi = 88,69 x 90 – 5062 = 2920g
Dựa theo đường kính ngang bụng (TAD) tính trọng lượng thai nhi theo công thức: Trọng lượng (g) = 7971 x TAD (mm)/100 – 4995 |
Ví dụ: TAD = 100mm thì trọng lượng thai nhi = 7971 x 100/100 – 4995 = 2976g
Dựa vào các chỉ số BPD, TAD, FL tính trọng lượng thai nhi theo công thức: Trọng lượng (g) = 13,54 x BPD + 42,32 x TAD + 30,53 x FL – 4213,37 |
Có thể nói cách tính cân nặng thai nhi qua siêu âm là cách tính cân nặng thai nhi chuẩn nhất, tuy nhiên các công thức đó không mang tính tuyệt đối và mẹ đừng ngạc nhiên nếu chỉ số đo trước đó con được 3,2kg mà khi chào đời chỉ nặng có 3kg.
Ngoài ra, ở những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng thai nhi tăng chủ yếu nhờ sự tích tụ glycogen gan và chất béo, phản ảnh cụ thể trong việc tăng chu vi bụng. Như vậy, chu vi bụng của thai nhi liên quan mật thiết đến cân nặng của trẻ.
Trên thế giới có rất nhiều cách tính cân nặng thai nhi nhưng hầu hết đều do các nhà khoa học phương Tây nghĩ ra. Chính vì vậy khi áp dụng những công thức này để tính toán cân nặng các em bé châu Á cũng sẽ có những điểm khác biệt, sai số từ 10% - 15%. Càng gần cuối thai kỳ các số đo này sẽ càng chính xác hơn, thường từ tuần 34 trở đi.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ đề này gửi về địa chỉ babau@eva.vn để được sẻ chia, tư vấn từ chuyên gia. |