Đôi khi chính mẹ bầu cũng không biết những điều đặc biệt đang diễn ra trong cơ thể mình.
1. Tử cung phát triển gấp 14 lần
Khi mang thai, tử cung của mẹ sẽ lớn dần từ kích cỡ của một quả lê đến một quả dưa hấu to. Tử cung lớn hơn không chỉ tạo thêm không gian phát triển cho bé mà còn để chứa từ 1,5 - 3kg chất lỏng, gồm dịch nhày và nước ối.
2. Tim đập nhanh và bơm nhiều máu hơn
Trung bình trái tim của một mẹ bầu sẽ bơm thêm khoảng 40-50% lượng máu so với thông thường. Nó cũng đập nhanh hơn 10-20 lần/phút so với trước đây. Trái tim mẹ phải làm việc nhiều hơn như vậy để cung cấp dinh dưỡng cho dây rốn và nhau thai. Đó cũng là lý do người mang bầu luôn cảm thấy mệt mỏi.
3. Em bé nghe được âm thanh
Đến khoảng tuần thứ 18 của thai kỳ, cơ quan thính giác của bé đã phát triển hoàn thiện nên có thể nghe tiếng ồn từ bên ngoài bụng mẹ. Vì vậy, khi mang bầu mà mẹ thường xuyên hát hoặc cho bé nghe một bài hát, khi ra đời bé sẽ nhận ra và phản ứng với bài hát đó.
Bé có thể cảm nhận âm nhạc, giai điệu từ trong bụng mẹ. (Ảnh minh họa)
4. Nếu là một bé trai, bé có thể cương cứng trong bụng mẹ
Nghe có vẻ khó tin nhưng đúng là một bé trai có thể cương cứng ngay từ trong bụng mẹ. Từ tuần thứ 20-23 của thai kỳ, cơ quan sinh sản của các bé đã phát triển, bé trai đã có tinh dịch, bé gái thì buồng trứng và tử cung đã hoàn thiện.
5. Nhau thai đang làm nhiệm vụ của bốn cơ quan
Nhau thai được gọi là "gốc rễ của sự sống" bởi đây là cơ quan vô cùng tinh vi, làm những nhiệm vụ quan trọng nhất trong cơ thể mẹ bầu. Đó là giúp em bé thải chất thải ra ngoài, ngăn chặn các tác nhân xấu, cung cấp đủ lượng máu và dinh dưỡng cho bé.
6. Em bé nếm được vị thức ăn
Khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, bé đã có thể nếm được mùi vị những món ăn mẹ ăn. Nhiều chuyên gia còn cho rằng những gì mẹ ăn trong thời kỳ này sẽ giúp hình thành vị giác và sở thích riêng của bé.
"Mẹ ăn gì con ăn nấy" nên mẹ hãy lựa chọn những thực phẩm đa dạng, lành mạnh để hình thành
vị giác tốt cho bé. (Ảnh minh họa)
7. Em bé có đi tiểu trong bụng mẹ
Bé cũng đã bắt đầu biết đi tiểu ngay từ khi 3 – 4 tháng tuổi và ở 7 tháng tuổi, mỗi giờ bé tiết ra khoảng 10ml, trước khi sinh bé tiết nhiều hơn với 27ml. Nước tiểu và các chất thải của bé sẽ theo nhau thai của mẹ và bài tiết ra ngoài.
8. Bé có thể thấy ánh sáng từ bên ngoài
Khoảng tuần thứ 30, cơ quan thị giác của bé đã hoàn thiện, nghĩa là bé có thể cảm nhận và phản ứng với ánh sáng từ trong bụng mẹ. Và không như chúng ta vẫn tưởng, trọng bụng mẹ không phải lúc nào cũng tối hoàn toàn. Nếu mẹ nằm dưới ánh sáng trực tiếp, ngay lập tức có thể cảm thấy bé cựa quậy để che mắt.
9. Bé đang tập khóc trong bụng mẹ
Nhiều hình ảnh siêu âm đã bắt được khoảnh khắc em bé đang khóc trong bụng mẹ. Bé khóc không phải vì gặp vấn đề gì mà đơn giản chỉ là đang tập cho lần "ra mắt" đầu tiên. Khóc là một kỹ năng quan trọng bé cần nắm vững vì đây là phương thức giao tiếp chủ yếu giữa bé và mọi người trong những tuần đầu tiên.
Bé đang tập khóc để chuẩn bị ra mắt mẹ đây. (Ảnh minh họa)