Chế độ dinh dưỡng của các bà mẹ khi mang thai là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của em bé.
Chế độ dinh dưỡng có quan hệ mật thiết đến quá trình phát triển của thai nhi đặc biệt là trong giai đoạn đầu mang thai. Vậy, mẹ bầu 3 tháng đầu ăn gì để thai nhi tránh bị dị tật?
Dị tật thai nhi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng cao. Chế độ ăn uống cân bằng, khoa học của người mẹ trong thời kì đầu bào thai phát triển có thể giúp phòng tránh một số dị tật cho thai nhi.
Thực phẩm giàu axit folic
Thiếu axit folic (hay còn gọi là folate - vitamin B9) sẽ gây ra các khuyết tật về ống thần kinh ở thai nhi ngay giai đoạn đầu mang thai như: khuyết não khiến thai ngừng phát triển vì không có não, tật nứt đốt sống khiến các dây thần kinh bị tổn thương, liệt chi dưới. Do vậy, trong 3 tháng đầu thai kì cung cấp đủ lượng folate cần thiết cho cơ thể sẽ ngăn ngừa được dị tật ở ống thần kinh.
Hàng ngày, mẹ bầu cần bổ sung ít nhất 400-600 mcg axit folic thông qua chế độ ăn và bổ sung viên uống tổng hợp.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B9 bao gồm: các loại đậu (đậu đen, đậu Hà Lan, đậu lăng), măng tây, nước cam, rau nhiều lá…
Ngoài axit folic, vitamin B12 cũng có vai trò ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh. Những người thiếu hụt vitamin B12 thường đang mắc các bệnh tiêu hóa nên khả năng hấp thụ vitamin này bị giảm đi đáng kể.
Thai phụ cần bổ sung 2,4 mcg- 2,6 mcg vitamin B12 mỗi ngày bằng cách uống sữa, ăn thịt gia cầm, trứng các loại.
Thực phẩm giàu vitamin B2, B3
Bệnh tim bẩm sinh là một trong những dị tật gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ nhỏ, do vậy 3 tháng đầu ăn gì để thai nhi tránh bị dị tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Chị em bầu bí có chế độ ăn thiếu vitamin B2 và vitamin B3 có nguy cơ cao khiến bé yêu trong bụng mẹ mắc các bệnh về tim mạch. Vitamin B2 tập trung nhiều trong các loại rau xanh nhiều lá, gan động vật. Còn thịt gà, cá, ngũ cốc, hạnh nhân, quả óc chó lại chứa nhiều vitamin B3.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi
Canxi có vai trò quan trọng cho sự hình thành, phát triển xương của thai nhi ngay từ thời kì đầu mang thai, tránh hiện tượng còi xương, thấp bé nhẹ cân ở trẻ sau này.
Mẹ bầu thiếu canxi dễ đau lưng, mệt mỏi, tăng huyết áp. Hàm lượng canxi cần thiết cho phụ nữ mang thai là 1000 mg canxi mỗi ngày. Canxi có trong sữa, các sản phẩm từ sữa, hải sản.
Canxi có vai trò quan trọng cho sự hình thành, phát triển xương của thai nhi. (ảnh minh họa)
Bổ sung DHA từ thực phẩm
DHA là một loại omega-3 axit béo có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, thần kinh thị giác và đóng vai trò quan trọng đến việc tăng cường trí thông minh của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Thiếu DHA trẻ chậm phát triển, nhẹ cân, dễ bị tự kỉ, trầm cảm.
Các loại cá nói chung, đặc biệt là cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… chứa nhiều DHA nhưng chứa thủy ngân do đánh bắt ở vùng biển sâu, vì vậy bà bầu chỉ nên bổ sung 200 mg cá biển/tuần.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Nhiều mẹ bầu sớm đối mặt với tình trạng táo bón ngay từ tam cá nguyệt thứ nhất. Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra nhiều hormone progesteron để đảm bảo sự phát triển của thai. Bên cạnh đó việc bổ sung vitamin, khoáng chất như sắt, canxi làm giảm nhu động ruột khiến quá trình tiêu hóa khó khăn, việc đi tiêu trở thành “cực hình” với mẹ bầu.
Trung bình, thai phụ cần tiêu thụ 28-30 gram chất xơ /ngày; khi bị táo bón cần tăng 300 gram/ngày. Chị em cần uống nhiều nước, ăn rau củ quả, trái cây tươi thường xuyên.
Tránh xa rượu và các loại đồ uống kích thích
Nước lọc, nước ép trái cây mới là đồ uống thích hợp với phụ nữ mang thai. Bạn cần tránh xa rượu bia, trà đặc, cà phê, đặc biệt là rượu mạnh. Khi bà mẹ mang thai sử dụng rượu, chất cồn sẽ truyền qua nhau thai đến thai nhi, tình trạng này kéo dài khiến trẻ sớm mắc hội chứng ngộ độc rượu. Những đứa trẻ này khi sinh ra thường nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ.