Mẹ bầu giận dữ, bực tức... bé có biết không? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ!

Ngày 04/04/2017 00:26 AM (GMT+7)

Bác sĩ Lê Tiểu My sẽ trả lời các mẹ về những thắc mắc liên quan đến tâm trạng của mẹ khi mang bầu và sự ảnh hưởng tới thai nhi.

Khi tìm hiểu về trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh, mình tự hỏi “đang mang thai mà mình giận dữ, bực tức… vậy em bé có “biết” không?” – Chắc biết đó!

Thật ra, nổi giận chưa hẳn là một việc xấu. Đó có thể là một phản ứng hoàn toàn bình thường của con người, đôi khi giận cũng có lợi vì đây là phản ứng hay gặp khi bạn thấy bị đe doạ. Thất vọng, đau đớn, bị phản bội, sợ hãi… đều có thể làm bạn nổi giận. Tuy nhiên, nếu không biết nhận biết và kiểm soát cơn giận, em bé của bạn sẽ gặp không ít vấn đề.

Mẹ bầu giận dữ, bực tức... bé có biết không? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ! - 1

Nếu mẹ bầu không biết nhận biết và kiểm soát cơn giận, em bé của bạn sẽ gặp không ít vấn đề. (ảnh minh họa)

Một bà mẹ hay "lên cơn giận dữ" và...

- Ảnh hưởng lên sự phát triển của thai: thai chậm tăng trưởng, thai nhẹ cân, sinh non…

- Ảnh hưởng đến bé sơ sinh: trẻ dễ bị rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc ngủ sâu hơn), đáp ứng kém với kích thích sau sinh, chậm thích nghi.

- Ảnh hưởng cả quá trình phát triển: về cảm xúc, về hành vi của trẻ, có thể liên quan đến chứng tăng động giảm chú ý.

- Xa hơn: liên quan đến các rối loạn tuổi dậy thì và bệnh mãn tính sau này như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…

- Ngoài lề một chút: một bà mẹ hay cáu giận, không kiểm soát cơn giận, thì con cũng có khuynh hướng này, kể cả khuynh hướng, bạo lực, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá…

Khoa học giải thích

Khi một người giận dữ, nhịp tim tăng lên, huyết áp tăng lên theo, một số nội tiết tố phóng thích làm mạch máu co lại. Trước tiên, điều này sẽ làm giảm oxy đến tử cung, giảm khí, máu và dưỡng chất cung cấp cho thai. Không những vậy, tất cả các hệ cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hoá đều bị ảnh hưởng, thậm chí da vẻ cũng bị ảnh hưởng.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy tác động bất lợi lên thai nhi khi một bà mẹ mang thai trầm cảm, hay bực tức. Ngoài những tác động kể trên, thì khi sinh ra trong gia đình mà mẹ hay cáu giận thì người ta cũng dễ bị kích thích, dễ bực tức hơn người khác, khả năng giao tiếp cũng kém hơn.

Điều này cũng xảy ra ở những bà mẹ mắc chứng lo âu, trầm cảm kéo dài trong thời gian mang thai.

Về ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, có thể hiểu con trẻ học nhiều nhất từ ba mẹ. Không thể có một đứa trẻ điềm tĩnh, hạnh phúc khi ba mẹ cứ hay cáu giận, la hét và bất mãn trong cuộc sống.

Mẹ bầu giận dữ, bực tức... bé có biết không? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ! - 2

Tập yoga sẽ giúp mẹ bầu thư giãn, giảm bực tức. (ảnh minh họa)

Nhưng tôi không thể tránh khỏi bực tức hay âu lo

Có thể bạn đúng! Không ai hoàn toàn tránh khỏi nếu còn thở, còn sống và làm việc. Khi mang thai, có nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ “lên cơn” hơn bình thường, ví dụ như thay đổi nội tiết tố trong cơ thể; phải làm việc trong trạng thái nặng nề, khó khăn; khó chịu vì nôn ói, mệt mỏi, đau nhức cơ; sợ hãi, lo lắng cho đứa trẻ trong bụng, cho những ngày sắp đến…

Nhưng nếu có kỹ năng nhận biết, hoá giải cơn giận hay được trấn an, bạn sẽ tránh được những rắc rối hay phiền muộn tiếp diễn. Kỹ năng này không thể có một sớm một chiều mà đôi khi phải học, phải tập luyện.

Làm thế nào để tôi bình tĩnh hơn?

- Thư giãn: tập hít thở sâu, luôn nhắc mình “hãy bình tĩnh, bình tĩnh” khi có việc bất ý. Mỗi sáng thức dậy dành khoảng 10 phút tĩnh tâm. Nếu cần, hãy tham gia một số lớp tập thể thao, yoga…

- Thay đổi cách nghĩ: khi quá giận, đừng la hét, hãy tránh đi việc/người làm mình tức giận trong thời gian ngắn, và không nghĩ đến việc vừa xảy ra.

- Bày tỏ lo âu, sợ hãi của mình cho người mình tin tưởng.

- Ngừng lo lắng: vì khi lo lắng thái quá, người ta càng khó kiểm soát cơn giận của mình. Suy nghĩ những điều tích cực (như một em bé xinh xắn, đáng yêu sắp chào đời, nuôi dưỡng tình yêu thương với con trẻ như thế nào…)

- Lên kế hoạch: lập kế hoạch cả công việc lẫn tài chính cho việc sinh con; thậm chí kế hoạch trong ngày sẽ đi đâu, làm gì. Đừng quên việc ăn uống đầy đủ, thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

- Nếu nhận thấy mình không thể kiểm soát cơn giận, dễ nổi nóng, hay la hét, mất ngủ, luôn buồn phiền, khóc lóc, hãy đi gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Tóm lại, nếu cứ bực tức, giận dữ và lo lắng  liên tục khi mang thai thì mẹ vừa mệt, vừa xấu mà con lại yếu, kém. Con đang vui vẻ, yên bình, tự nhiên mẹ giận ai đó lại làm con bị ảnh hưởng. Mà quyết định mang thai, sinh con là quyết định của mẹ, thôi thì, để góp phần cho con được khoẻ mạnh, giỏi giang sau này, mẹ có giận ai, cũng bớt lại… Lòng mẹ chắc chắn sẽ bình yên, khi chỉ nghĩ về những ngày tươi đẹp, cùng con!

Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia