Bị tim bẩm sinh phải mổ từ năm 4 tuổi thế nhưng chị Nguyễn Thị Hoài Nam đã vượt cạn thành công 2 lần, đặc biệt, chị sinh thường sau sinh mổ chưa đầy 2 năm.
Bế con trên tay, nhìn con ngủ ngon, chị Nguyễn Thị Hoài Nam (28 tuổi, Sài Gòn) lại tủm tỉm cười về sự “vỡ kế hoạch” của mình. Hai năm 2 bé, đến bây giờ chị vẫn không thể tin được bản thân mình bị tim bẩm sinh có thể vượt cạn thành công với phương pháp sinh thường sau chưa đầy 2 năm sinh mổ.
Vợ chồng chị Nam và niềm hạnh phúc đón thành viên nhí thứ 2 thành công.
"Dở khóc dở cười" khi biết tin mang thai sau 10 tháng sinh mổ
Chị Hoài Nam bị tim bẩm sinh, tứ chứng falot phải mổ từ năm 4 tuổi. May mắn sau mổ, tim chị chỉ hơi hẹp so với người bình thường chính vì vậy, sinh em bé lần đầu chị phải mổ đẻ để tránh rủi ro cho cả mẹ và con.
Chị Nam kể, lần mang thai đầu vì nghĩ mình bị bệnh tim nên chị không có tâm lý ổn định. Thời gian chuyển dạ kéo dài 12 giờ cùng với việc bị nhiễm trùng máu và nhiễm trùng tiểu khiến chị đang sinh thường bé đầu nửa chừng phải chuyển sang sinh mổ.
“Hồi đó tử cung mới mở 3 phân, bác sĩ đã chích đẻ không đau, từ đó tử cung cứng luôn mà không giãn ra. Hơn nữa mình bị vỡ ối, lên cơn sốt nên quyết định mổ”, chị Nam kể.
Sau sinh, niềm hạnh phúc được làm mẹ trong chị ngập tràn, thế nhưng 10 tháng sau khi “dở khóc dở cười” khi nhìn que thử thai 2 vạch. Với người bị bệnh tim, hơn nữa lại sinh mổ, việc có thai khi chưa đầy 2 năm rất nguy hiểm càng làm chị lo lắng hơn.
Thế nhưng, sau khi đi khám bác sĩ kiểm tra đều đặn theo lịch trình, chị bất ngờ khi bác sĩ nói mình có thể sinh thường được.
“Khi có thai lần 2 mình nghén dài, rồi lo lắng sinh thường hay sinh mổ, lo vết mổ có bị bung ra không. Ban đầu đi khám bác sĩ, người ta đều nói phải mổ vì đã mổ lần 1.
Được 6 tháng, mình được người em giới thiệu qua bác sĩ Hồ Quang Nhật xem có khả năng sinh thường không. Không ngờ đến bác sĩ kêu có khả năng và khuyên mình sinh ở viện Từ Dũ vì chỉ có bệnh viện này mới cho sinh thường. Vậy là mình đăng ký sinh ở đó”, chị Nam cho hay.
Mọi lo lắng của chị tan biến khi được ấp con vào lòng.
Đẻ thường như muốn chết, đánh cào mặt chồng xin bác sĩ mổ mà không được
Chị Nam cho biết, mang thai lần này chị luôn giữ tâm lý thoải mái, chị không gặp khó khăn nhiều khi mang thai ngoại trừ ốm nghén. Tuy nhiên, lần sinh thường này vẫn là trải nghệm nhớ đời của chị bởi chị được trải qua cả sinh thường và sinh mổ chưa đầy 2 năm. Đặc biệt chị được cảm nhận cảm giác đau đẻ thấu trời của sinh thường chỉ muốn bứt tóc, cào mặt chồng và xin sinh mổ.
“Cơ địa mình là sẹo lồi nên có thể sinh thường được, tuy nhiên mình phải đăng ký sinh ở biện viện Từ Dũ mới được sinh thường. Mình nhập viện 2 ngày mới sinh. Trong quá trình ấy mình được theo dõi, hội chẩn tim và đi siêu âm tim ở bệnh viện khác đến khi có kết quả cũng là lúc chuẩn bị sinh. Tim mình hơi hẹp nên ảnh hưởng đến đường thở chút”, chị Nam cho biết.
Được tận hưởng cảm giác sinh mổ và sinh thường, đặc biệt trải qua cảm giác đau đẻ đến thấu trời một cách tự nhiên nhất lần 2 nhưng chị Nam vẫn cảm thấy may mắn vì được sinh thường bởi sau sinh chị khỏe hơn, không còn đau lưng hay mệt mỏi mỗi khi "trái gió trở trời".
Kể về chuyện đi sinh của mình, chị Nam cho biết, chị sinh bé thứ 2 vào ngày 15/9. Sau khi tử cung mở được 2 phân, chị được chuyển vào phòng cách ly với người thân. Vì vết mổ lần sinh đầu nên mỗi khi đến cơn gò chị phải bặm chặt môi để chịu đựng những cơn gò lên tới đỉnh. Thậm chí, không thể nằm được trên giường phải đi lại để cho quên cơn đau.
“Mình có vết mổ cũ nên cơn gò lên tới đỉnh và chạy dài một khoảng mới xuống, không giống như nhiều mẹ khác, đến nỗi đau quằn quại. Từng cơn từng giây từng phút đau khủng khiếp, chỉ biết kêu trời, lúc đó nghĩ mình chỉ có chết thôi.
Cơn gò lên lâu nên em bé xuống không dễ. 11h đêm mình mở 2 phân nhưng 3h sáng mới mở được 3 phân. Nhiều khi đau quá mình đòi bác sĩ mổ nhưng người ta không cho. Thậm chí, viện lý do bị bệnh tim cũng không được. Bệnh viện không thấy khả năng nguy hiểm nên để cho sinh thường”, chị Nam cười chia sẻ.
5-6h sáng hôm đó, tử cung mở được 5 phân, chị mới được chuyển xuống phòng dịch vụ có người thân ở bên. Lúc này, chị yên tâm hơn vì luôn nghĩ sẽ được tiêm “đẻ không đau” nhưng nào ngờ chị không được tiêm vì vết mổ cũ sẽ khiến chị gặp nguy hiểm.
“Đến đây, mình không biết nói sao chỉ biết chịu đựng những cơn đau khủng khiếp, đặc biệt khi mở 7-8 phân. Chồng ở bên nắm tay, đỡ vợ dậy nhưng lúc đó mình đau quá trời chỉ bứt tóc, cào mặt, không thể nói chồng xoa lưng cho hay gì vì chưa kịp nói thì cơn gò đã lên.
Nhiều lúc cơn đau lên đỉnh điểm, mình không thể kiểm soát được hơi thở, chỉ muốn rặn thôi, nghe bác sĩ dọa không thở bé sẽ bị ngưng tim nguy hiểm mình cũng sợ. Đến khi bác sĩ Nhật vào mình mới thấy yên tâm bởi sắp sinh rồi”, chị Nam cười kể lại.
Làn sinh thường sau sinh mổ có đau thấu trời nhưng ôm con vào lòng nỗi đau nào của chị cũng tan biến hết.
Bé gái thứ 2 nhà chị Nam chào đời nặng 2,9kg. Sau sinh, chị bị đau tê một chân vì phải khâu nhiều do vết mổ cũ và vết khâu mới. Mặc dù trải qua hành trình vượt cạn vất vả là vậy nhưng khi được ấp con vào lòng, bế con trên tay mọi cơn đau của chị lại tan biết hết.
Chị Nam tâm sự, trải qua cả 2 phương pháp sinh mổ và sinh thường, tuy sinh thường có đau hơn, những cơn đau đến thấu trời nhưng chị vẫn thầm cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, đặc biệt bác sĩ Hồ Quang Nhật đã mang con đến cho chị một cách tự nhiên nhất, giúp cho chị được mẹ tròn con vuông và thầm cảm ơn con đã đến bên mình.