Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi "thót tim" một bé nội tạng nằm nhầm chỗ

Ngày 04/07/2019 06:00 AM (GMT+7)

Nghĩ đến khoảng thời gian mang bầu, đẻ non và hơn 2 tháng ở viện mới được đón con về chị Thùy Phương lại sợ hãi bởi bao khó khăn, bao vất vả chị đều trải qua hết.

Hơn 1 năm qua từ khi nhận tin vui chuẩn bị chào đón thành viên nhí trong gia đình đến giờ có lẽ là khoảng thời gian ác mộng nhất đối với chị Thùy Phương (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội).

Hơn 7 tháng mang bầu khổ tận cam lai và hơn 2 tháng sau sinh trong nước mắt với tình hình 2 con sinh non nặng 1,45kg, một bé trong tình trạng thập tử nhất sinh vì thoát vị cơ hoành bẩm sinh, các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách…đi lên lồng ngực qua một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành, chị Phương đã trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc, đã có lúc chị khóc cạn nước mắt vì tưởng như không thể giữ con ở lại bên mình.

Thế nhưng sau tất cả, nhờ sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, niềm vui, tiếng cười, sự phát triển của 2 con từng ngày đã khép lại hành trình đầy gian nan của vợ chồng chị.

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 1

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 2

Vợ chồng chị Phương và 2 bé Tiến Đạt, Thành Đạt. 

Hơn 7 tháng mang bầu "ngồi trên đống lửa", 3 lần phải cấp cứu gấp

Chị Thùy Phương kết hôn vào năm 2017. Một năm sau đó, vợ chồng chị hạnh phúc khi biết mình chuẩn bị lên chức, đặc biệt hạnh phúc hơn là chuẩn bị đón 2 "heo vàng". Thế nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu, anh chị đã phải đối diện với muôn vàn nỗi lo khi chị gặp vấn đề nội tiết kém.

Tuần thứ 5 biết tin có bầu, 3 ngày sau chị lo lắng vì bị ra dịch nâu. Tuần thứ 6 lại một lần nữa chị thấp thỏm khi ra máu đỏ phải nhập viện cấp cứu gấp. Sau khi được bác sĩ tiêm thuốc và cho thuốc về nhà tiêm, 15 ngày sau chị tiếp tục bị ra máu phải nhập viện. Lúc này rau của chị đã bị bong mất 2/3 phải nằm Bệnh viện Phụ sản Trung Ương điều trị gần 3 tháng. Chưa kể trong khoảng thời gian đó chị còn bị tụ dịch màng nuôi ở dưới thai, dù được bác sĩ kê cho hết các loại thuốc nhưng vẫn không đẩy được dịch tụ ra ngoài.

Nhờ TS. BS Nguyễn Xuân Hợi – Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn là bác sĩ giỏi nên bị bong rau 2/3 mình vẫn giữ được con.

Nội tiết mình kém, sức khỏe yếu nên khi tiêm không đáp ứng được tốt như mẹ khác. Mình còn nghén giảm từ độ 46kg xuống còn 41kg, như mèo hen, nôn giãn cổ họng đến mức chậu đỏ hết cả, bố mình sót con bảo “không có cách nào à con”. May mắn thai vẫn phát triển tốt. Tuần 12, mình khám bác sĩ bảo tử cung trong giới hạn bình thường và khuyên nên khâu. Mình đã nhờ BS Mạch Văn Trường khâu, theo dõi thai kỳ giúp”, chị Thùy Phương chia sẻ.

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 3

Hình ảnh bé mới sinh và hiện tại. 

Chưa hết nỗi lo này chị Phương lại đến nỗi lo khác, tuần nào chị cũng phải đi vệ sinh vết khâu eo tử cung để không bị viêm dẫn đến sinh non và đặt thuốc đều đặn. Chị Phương bảo, lần nào đi khám bác sĩ cũng bảo chị uống nhiều nước vì ít ối nhưng chị uống đến nỗi say cả nước lọc, đầy bụng nước dừa, một ngày không ăn được gì chỉ uống nước và đi vệ sinh, người say mướt mát vẫn không khả quan.

Chưa kể mang thai đôi, 4 tháng mới hết tụ dịch màng nuôi, thai bắt đầu phát triển to dần khiến chị chưa một ngày nào được thoải mái khi ngủ. Chân lúc nào cũng vắt chéo còn tay lúc nào cũng giữ ngực để không bị đau khi con đạp lên. 

Cả quá trình mang thai chị trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc và trải qua những gì lo lắng nhất của mọi bà bầu từ tụ dịch màng nuôi, bong rau, khâu tử cung, ít ối.

May mắn, chị có ông xã luôn quan tâm yêu thương nên những khó khăn đó cũng được vơi đi phần nào. Suốt khoảng thời gian nghỉ ở nhà dưỡng thai, anh là trụ cột kinh tế, ngoài đi làm kiếm tiền trang trải còn lo cho chị từ A-Z.

Cứ sáng trước khi đi làm, anh lại chuẩn bị hết đồ ăn khoai, ngô, phở để sẵn cho chị. Trưa đi làm về 11h30, anh lại tranh thủ chạy về nấu cơm cho chị ăn, rửa bát rồi mới đi làm. Chiều về anh lại mua sẵn cháo trai, móng giò cho chị ăn mới đi dạy học tiếp. Buổi tối khi đã xuôi anh lại lo cơm nước cho chị, tắm rửa đến 11h đêm mới ngủ, có khi soạn bài làm việc đến 2h sáng. Ngày nào cũng vậy, từ khi mang thai đến bây giờ chưa ngày nào anh để chị rửa bát, giặt quần áo.

Sau này khi bầu ổn hơn, nghĩ ở nhà dễ stress nên chị đã quyết định đi làm để tâm trạng được thoải mái. Và sau 2 tháng đi làm chị tăng 16kg, từ tuần 24 mỗi tuần thai nhi tăng được 2,5 lạng.

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 4

Ông xã chị chăm sóc 2 con cẩn thận, chu đáo. 

Sin đôi 30 tuần, “quặn lòng” một bé thập tử nhất sinh với dị tật bẩm sinh hiếm gặp

Những tưởng mọi khó khăn đã hết, đến 29 tuần, vào đúng mồng 4 Tết âm lịch chị bị vỡ ối. Vào viện trong tâm thế chưa chuẩn bị tâm lý sinh non, chưa tiêm trưởng thành phổi cho con, chị khóc nức nở. Lúc đó, vào khoa A2, nhìn bao sản phụ sinh em bé quanh mình chị khóc nhiều lắm bởi chị sợ con sinh non 29 tuần làm sao nuôi được. Tuy nhiên dù vỡ ối nhưng chị vẫn giữ con được thêm 10 ngày nữa, đến hơn 30 tuần mới sinh 2 bé.

“Mình đau đẻ 2,5 ngày nhưng không dám kêu. Bác sĩ bảo nếu đau phải bảo vì trong bụng còn 2 bé, nếu không bảo đau quá vỡ tử cung là mất cả mẹ lẫn con. Mình sợ quá, lúc ý mới dám kêu.

Mặc dù vào viện được tiêm chống nhiễm trùng nhưng chỉ số nhiễm trùng lên cao bắt buộc phải phẫu thuật thai. Bác sĩ quyết định rút chỉ tử cung sống cho mình nhưng tử cung mình hàng ngày đặt thuốc đều đặn chắc quá không mở. Lúc đó mình đau kiệt sức.

Khi đi sinh, bác sĩ siêu âm một thai được 1,4kg còn 1 thai được 1,2kg. Bác sĩ nói ngoài 32 tuần tỉ lệ sinh non dễ sống hơn còn thế này chưa chắc, phải chấp nhận không còn cách nào.

Khoảnh khắc 2 bé chào đời, bác sĩ cho da kề da mình không có tâm trạng nhìn con nữa, lo lắng chỉ khóc thôi. Bác sĩ phải đưa con đến khoa sơ sinh. Bạn anh Tiến Đạt không may mắn là thai bị bong rau, bị vỡ ối, lại bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh nữa nên sức khỏe yếu phải chuyển sang viện Nhi ngay sau đó” chị Phương rưng rưng nhớ lại.  

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 5

Hai bé chào đời nặng 1,45kg, bé anh bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh được chuyển sang viện Nhi gấp. 

2 bé Tiến Đạt và Thành Đạt nhà chị Phương chào đời đều nặng 1,45kg. Kể từ khi sinh, mỗi bé nằm một viện, Tiến Đạt sức khỏe yếu hơn nên chị Phương dành hết sức mình để chăm sóc cho con còn nhờ thím chăm sóc Thành Đạt. Sinh xong 3 ngày, khi được viện Nhi gọi sang ghép mẹ, dù mệt, đau bởi những vết khâu nhưng sức mạnh của người mẹ đã khiến chị có thể tự ngồi xe máy, đầu trần đội nắng đến viện thăm con mà không kiêng khem nhiều.

Lần đầu tiên nhìn thấy con chị đã khóc vì con nhỏ xíu nằm trong lồng ấp với dây dợ chằng chịt, đặc biệt chị quặn thắt tim khi 20 ngày đầu con không hề có tiến triển, lúc nào chị cũng nhận được cái lắc đầu của bác sĩ và thông báo tình hình con chỉ còn 30%. Thậm chí, đã có lần nghe bác sĩ nói con thập tử nhất sinh, mẹ chị đã động viên chị rằng “Số con chỉ được đến đấy thôi, con ở được với mình là tốt còn không ở với mình để con ra đi thanh thản”.

“Nhiều lần mình đi ra quầy lễ tân hồi sức ngoại không đi nổi lại quay vào bảo con rằng “Tiến Đạt ơi, con ở đây với mẹ, với các bác, mẹ về thăm em Thành Đạt tí mẹ lên”. Lúc nào mình cũng động viên con, may con vượt qua. Sau khi bạn ý được ghép mẹ 15 ngày lên 1,9kg nhưng lúc này cơ hoành rỗng, ruột và các bộ phận nội tạng đẩy lên lồng ngực, tim con bị đẩy sang phải, con không thể thở nổi, tím tái bắt buộc phải phẫu thuật”, chị Phương cho hay.

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 6

20 ngày đầu Tiến Đạt không có tiến triển gì, luôn trong tình trạng xấu. Tình hình con khiến chị Phương khóc cạn nước mắt. 

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 7

Bé thở oxi, được bố chăm sóc, sức khỏe tốt sau ca phẫu thuật thoát vị cơ hoành. 

Chị Phương cho biết, Tiến Đạt phẫu thuật trong tình trạng thoát vị cơ hoành nguy hiểm, viêm phổi nặng, nhiễm trùng nặng, cân nặng 1,9kg nhưng may mắn nhờ bác sĩ Nguyễn Văn Linh – Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa mát tay và ê kíp đã phẫu thuật cho bé thành công.

“Mổ xong cho con, bác sĩ có thông báo với gia đình rằng các bộ phận nội tạng của con đã về vị trí cũ, cơ hoành rỗng đã được khâu lại, tỉ lệ tái phát chỉ có 2% không lo lắng nhiều. Vợ chồng mình mừng lắm, con bị thoát vị rốn cũng được bác sĩ xử lý luôn, rốn con bây giờ đẹp như người lớn.

Thoát vị cơ hoành là dị tật ít bé mắc phải, có thể phát hiện ở tuần 26-27 nhưng mình chưa kịp phát hiện đã vỡ ối đi sinh. Dị tật này có thể chữa được với tỉ lệ tái phát thấp nên mọi người đừng quá lo lắng. Con mình sinh non 1,9kg, nhiễm trùng máu, viêm phổi nặng, trước đó phải phẫu thuật nội soi để thông màng thở đã phẫu thuật thành công thì những mẹ sinh con nặng 2,5kg, 3kg hãy yên tâm, không có lý do gì để không hy vọng”, chị Phương mỉm cười.

Mẹ Hà Nội mang bầu khổ tận cam lai, sinh đôi amp;#34;thót timamp;#34; một bé nội tạng nằm nhầm chỗ - 8

2 bé nhà chị Phương nằm viện đúng 2 tháng 27 ngày mới được về. Trong khoảng thời gian đó, có rất nhiều khó khăn mà chị không kể hết nhưng cuối cùng các con cũng đã ở lại bên vợ chồng chị. 4 tháng sau sinh, đến nay tổ ấm nhỏ của chị tràn ngập tiếng cười của 2 con. Dù biết chặng đường chăm sóc trẻ sinh non còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng vợ chồng chị sẽ cố gắng dành những điều tốt nhất cho 2 con, để không uổng công các bác sĩ đã cứu chữa, sinh ra con lần thứ 2.  

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh (TVCHBS) là tình trạng các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách…đi lên lồng ngực qua một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng là thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi. Tỉ lệ tử vong của các trường hợp thoát vị hoành còn cao ngay cả ở các nước phát triển.

Bệnh có thể chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm hay MRI. Để có tiên lượng tốt nhất cho bé, cần có sự phối hợp thật chặt chẽ giữa các chuyên gia Sản khoa, Hồi sức sơ sinh và Gây mê và Phẫu thuật nhi nhằm có sự can thiệp kịp thời ngay sau khi bé vừa chào đời.

TVCHBS chiếm khoảng 1/2200 trẻ sơ sinh còn sống, trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái. Đây là một trong các cấp cứu có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em do phổi giảm sinh và tăng áp lực động mạch phổi. 

Dị tật này có thể điều trị được bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực được áp dụng thay cho phẫu thuật mở điều trị TVCHBS với ưu điểm:

- Cho phép quan sát tốt khoang màng phổi.

- Dễ đẩy tạng thoát vị xuống ổ bụng.

- Rút ngắn thời gian phẫu thuật do không phải mở, đóng vết mổ.

- Ít đau sau mổ, tính thẩm mỹ cao.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân khoẻ mạnh, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.

Hiện nay đã ghi nhận các bé sinh cực non, cực nhẹ cân 1.100 gram, 1.300 gram cũng được hồi sức và phẫu thuật thành công.
 

9 tháng mang thai ngồi trên đống lửa của mẹ có con dị tật nội tạng nằm ngoài ổ bụng
Suốt cả quá trình mang thai, vợ chồng chị Lê Thị Nhung không ngừng lo lắng khi 13 tuần phát hiện con bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp khe hở thành bụng.
Hồng Nhung (Ảnh: NVCC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai