Cùng là người phụ nữ, người làm mẹ nhưng nhiều người lại đang dùng từ ngữ xấu xí để "ném đá" một bà mẹ chỉ vì không cùng quan điểm.
Gây sốc khi tự đẻ con, không cắt dây rốn, để nguyên nhau thai suốt 6 ngày
Ngày hôm qua, câu chuyện bà mẹ Hưng Yên chia sẻ về trải nghiệm sinh con lần hai tại nhà và áp dụng phương pháp liên sinh, không cắt dây rốn cho con đã gây bão cộng đồng mạng đặc biệt là hội các chị em bỉm sữa.
Theo bà mẹ này chia sẻ, chị ăn chay trong suốt thai kỳ. Đến khi chuyển dạ, chị đã tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa và da kề da với bé trong suốt 4 giờ sau sinh. Sau khi chào đời 30 phút, em bé đã tự biết tìm đến ti mẹ.
Bà mẹ gây "bão" mạng xã hội khi chia sẻ câu chuyện sinh con lần 2 của mình.
Đặc biệt, thay vì cắt dây rốn cho bé, chị đã áp dụng phương pháp liên sinh, không cắt dây rốn ngay mà để nhau thai gắn với cơ thể em bé cho đến khi dây rốn tự rụng. Sau 6 ngày, dây rốn của em bé đã tự rụng và được khen là "rốn rất đẹp".
Bài viết liên tục được chia sẻ khắp các diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa và nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó chủ yếu là những ý kiến tỏ ý bị sốc, choáng váng với cách sinh nở này.
Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và phản đối phương pháp sinh của bà mẹ này.
Bà mẹ vừa sinh con vài ngày bất ngờ bị "ném đá" dữ dội
Chưa bàn đến việc tự đẻ, sinh con theo phương pháp liên sinh có an toàn hay không, có nên thực hiện hay không vì đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Việc kết luận thuộc về các bác sĩ, những người làm việc trong ngành y khoa. Đến giờ, phương pháp Liên sinh có ưu điểm, nhược điểm gì cũng là một đề tài được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ quan tâm và nghiên cứu.
Vậy nhưng, ngay sau bài chia sẻ của bà mẹ Hưng Yên, rất nhiều bà mẹ bỉm sữa lại đang tự "sắm" cho mình vai trò chuyên gia, bác sĩ để lên án, chỉ trích gay gắt bà mẹ này chỉ vì phương pháp sinh lạ lẫm, không giống những gì thường thấy.
Thậm chí có nhiều bà mẹ không đồng quan điểm còn dùng những từ ngữ nặng nề, phản cảm xúc phạm đến bà mẹ mới sinh này như "không biết suy nghĩ", "hại con", "người tiến hóa ngược",...
Đẻ tự nhiên hay liên sinh đều là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi ngay cả trong giới y khoa.
"Đúng là những người ăn lông ở lỗ, thuận tự nhiên thì như con thú hoang, đẻ xong thả vào rừng thì mới là thuận tự nhiên. như thế này thì vẫn còn giống người lắm."
"Xã hội hiện đại khoa học phát triển phục vụ nhu cầu sống của con người. Bà mẹ này không có đầu óc lại muốn thuận tự nhiên thì biến khỏi xã hội luôn đi. Vào rừng ở mới phải. Khổ thân đứa con nào rơi vào nhà người mẹ như thế này."
"Không hiểu bị làm sao mà lại làm thế này, muốn hại chết con à. Ăn may là con không sao chứ nếu có chuyện gì thì hối hận không kịp."
...là những bình luận không hề hiếm thấy dưới những bài chia sẻ lại câu chuyện sinh con của chị A.M.
Những lời lẽ chỉ trích, miệt thị của cư dân mạng đang tạo áp lực vô hình lên người mẹ mới sinh.
Các mẹ bỉm sữa đang tự cho mình là chuyên gia?
Như đã nói ở trên, việc khẳng định phương pháp sinh con Liên sinh có những tác hại gì, có nên áp dụng hay không là việc của những chuyên gia khoa sản nói riêng và những người làm việc trong ngành y khoa nói chung.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội hiện tại, dường như không ít mẹ bỉm sữa đang tự cho mình là chuyên gia để phán xét bà mẹ Hưng Yên vừa mới sinh con kia. Các mẹ quên mất một điều: không ai có quyền được xúc phạm người khác, huống hồ là "ném đá" một sản phụ vừa mới sinh con được 1 tuần.
Chắc chắn ai đã từng trải qua quá trình sinh nở đều biết sau sinh là khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm, người mẹ dễ bị tổn thương bởi tâm lý không ổn định. Vừa trải qua một ca sinh đầy vất vả, cả thể chất và tinh thần đều chưa hồi phục nên chỉ cần một chút áp lực cũng có nguy cơ đẩy người mẹ đến với căn bệnh trầm cảm sau sinh với hậu quả khôn lường. Chính việc sỉ nhục không thương tiếc một sản phụ vừa sinh con, tự "gán" cho người mẹ tội danh hại con có thể sẽ góp phần khiến sản phụ rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề sau sinh.
Đáng buồn hơn khi những lời chỉ trích gay gắt, thậm chí miệt thị ấy hầu hết lại đến từ chính những người phụ nữ cũng đã từng trải qua giai đoạn sau sinh khổ sở, vất vả, đã từng than thở vì không ai hiểu nỗi khổ của người làm mẹ, không ai thấu cảm sự hoang mang, lo lắng họ đang mang. Chúng ta, những người xa lạ trên mạng, không phải thân thích với bà mẹ này, càng không phải chuyên gia Sản - Nhi... lấy tư cách gì để lên án, chỉ trích người sản phụ vừa mới sinh con?
Trên thực tế, đẻ tại nhà hay liên sinh có thể mới mẻ và lạ lẫm ở Việt Nam nhưng đã được nhiều bà mẹ tại các nước phương Tây áp dụng từ lâu.
Bản thân chị A.M cũng đã lên tiếng cho biết ca sinh vừa rồi là kết quả của việc nghiên cứu và chuẩn bị vô cùng nghiêm túc của cả hai vợ chồng, mọi thứ diễn ra thuận lợi giống như những gì vợ chồng chị dự tính chứ không hề nhắm mắt làm liều và ăn may.
Khi chia sẻ câu chuyện, chị cũng không hề muốn phủ nhận vai trò của bệnh viện hay lên án việc sinh con ở bệnh viện và xúi giục các mẹ khác học theo mình. Chị đơn giản chỉ muốn động viên các mẹ đang nghiên cứu phương pháp này giống như mình sẽ có thêm niềm tin là nó không hề bất khả thi như mọi người nghĩ.
Thiết nghĩ mỗi người đều có quan điểm riêng, có quyền tự lựa chọn cách sống cho riêng bản thân mình và phải tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn đó. Dù mới lạ, dù dị biệt, thì lựa chọn của họ không đáng bị chỉ trích nặng nề, thậm tệ như thế.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Để hiểu hơn về phương pháp sinh con Liên sinh cũng như những ưu, nhược điểm khi sinh con bằng phương pháp này, mời quý độc giả đón đọc bài viết với ý kiến từ các CHUYÊN GIA quốc tế cũng như các BÁC SĨ sản khoa Việt Nam trên chuyên mục Bà bầu lúc 19h00 ngày 6/3.