6 năm tìm con, đã có nhiều cái Tết chị Gia Hân không dám về quê ăn Tết vì sợ phải đối diện với những câu nói chạnh lòng “gà mái không biết đẻ”.
Người ta nói “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, đối với chị Gia Hân (29 tuổi, Sài Gòn) câu nói này rất đúng bởi trong suốt chặng đường 6 năm tìm con, nếu không có sự hỗ trợ, đồng hành cùng chồng và cả bố mẹ chồng, có lẽ chị sẽ không có được ngày hôm nay, ngày chị được lên chức mẹ, được bế con yêu trong vòng tay đầy hạnh phúc.
Đến bây giờ, mỗi lần ngắm con yêu ngủ ngon, chị lại mỉm cười. Chị vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng hạnh phúc, những giọt nước mắt vui sướng ngày con cất tiếng khóc chào đời.
Bé nhà chị Hân chào đời ngày 8/12/2018.
Đau đớn mất 2 con, không dám về quê ăn Tết
Chị Gia Hân cưới vào năm 2012 nhưng đến năm 2018 chị mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. 6 năm với nhiều người đó không phải là khoảng thời gian dài nhưng với vợ chồng chị, đó là một hành trình dài chờ đợi 6 năm với nhiều giọt nước mắt, tủi cực.
Muộn con không rõ nguyên nhân là sự trăn trở của vợ chồng chị suốt 6 năm bởi vợ chồng chị không biết có bệnh gì để chạy chữa. Hơn nữa, vì kinh tế eo hẹp, không có tiền làm IVF nên vợ chồng chị đã bỏ lỡ cơ hội được làm bố làm mẹ sớm hơn. 5 năm uống thuốc Đông y, thuốc Nam, thuốc Bắc miệt mài mà không có kết quả, mãi đến năm 2017, khi kinh tế đã đủ, vợ chồng chị mới quyết định làm IVF.
Chị Hân kể, tháng 6/2017, vợ chồng chị quyết định tiến hành thụ tinh nhân tạo (IUI) nhưng không thành công. Một tháng sau, không nản lòng, vợ chồng chị quyết định tiến hành IVF. Thế nhưng dường như duyên con cái vẫn chưa đến. Lần chuyển phôi đầu tiên dù đậu thai nhưng con cũng rời xa anh chị sau đó không lâu.
“Lần đầu tiên mình chọc được 21 trứng và tạo được 18 phôi. Mình chuyển 2 phôi lần đầu, sau 7 ngày thử que lên 2 vạch, vợ chồng mình hạnh phúc lắm, còn sợ que dương tính giả.
Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy ngắn ngủi quá. Mình bị ra máu suốt thai kỳ nằm viện dưỡng thai tới 7 tuần thì bé bị mất tim thai. Mình phải uống thuốc ra thai vừa đau đớn về thể xác lại vừa đau đớn về tinh thần”, chị Hân tâm sự.
Lần IVF thứ 2, chị đậu thai đôi nhưng một thai mất tim thai sau đó 7 tuần.
Người ta nói một con sa bằng 3 con đẻ, có lẽ 6 năm tủi cực tìm kiếm, mong con của chị cũng không đau đớn bằng cái cảm giác mất con, cảm giác chạm tay tới nhưng chưa kịp nắm đã vụt mất.
6 tháng nghỉ ngơi, bước qua nỗi đau ấy, chị quyết định chuyển phôi lần 2. Lần này bác sĩ biết tiểu sử ra máu của chị nên đã cho chị tiêm hỗ trợ dưỡng thai 15 ngày trước chuyển phôi. Mặc dù rất sợ thuốc, kim tiêm, từng tuyên bố thà chết chứ không tiêm nhưng vì con chị đã quên đi câu nói ấy, cố gắng nhắm mắt để vượt qua nỗi đau và sợ hãi.
“Lần 2, mình cũng chuyển phôi 2 phôi, mình được 2 bé sinh đôi nhưng đến tuần thứ 7, một bé mất tim thai chỉ còn giữ lại được một bé”, chị Hân rưng rưng kể về những khó nhọc của mình.
Gạt đi những giọt nước mắt, chị Hân lại mỉm cười khi nói đến những người thân đã đồng hành cùng mình suốt 6 năm, đó là chồng, là bố mẹ chồng chị. Mặc dù, không ít lần chị tủi cực, nuốt nước mắt vào trong khi nghe những lời nói của người ngoài, nghe những câu nói như sát muối vào tim nhưng chị luôn nhận được những lời động viên của gia đình.
Chị bảo, chị may mắn không bị áp lực bởi 2 bên gia đình, đặc biệt nhà chồng tâm lý nên chị luôn có được tâm lý thoải mái. Thậm chí, bố mẹ chồng và ông xã chị luôn an ủi “con cái là lộc trời cho, không có cũng không sao miễn hạnh phúc là được”.
“Đã mấy cái Tết xa nhà mình không dám về quê ăn Tết vì sợ bị hỏi những câu hỏi đụng chạm. Không những vậy, có một vài người nói những lời không hay như “gà mái không biết đẻ”, “cây độc không trái gái độc không con”, rồi lại có người bảo do người mình gầy quá nên sinh không được hay bảo mình không đẻ được”, chị Hân gương mặt đượm buồn.
Chị mang bầu khá thon gọn chỉ tăng 10kg. Mang bầu chị nghén giảm 4kg còn 41kg. Khi lên bàn sinh cân nặng của chị là 53kg.
Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng và niềm hạnh phúc làm mẹ đầu tiên
Thương cho những khó khăn chị đã trải qua, lần chuyển phôi hai dù hỏng một thai nhưng chị vẫn giữ được một con ở bên mình.
Chị Hân cho biết, vì muộn con, phải IVF nên quá trình giữ thai của chị không được như những người phụ nữ mang thai bình thường. Từ đi, đứng, ăn uống chị đều phải cẩn thận. Hơn nữa lần mang thai đầu bị lưu nên lần mang thai này chị luôn phải vượt qua những ám ánh, lo lắng trước đó.
“Suốt thai kỳ mình nghén không ăn được gì. Mình tăng 10kg cả thai kỳ ăn uống bình thường và cố gắng ăn những món bổ dưỡng để vào con. May mắn con phát triển đều qua những lần đi khám thai.
Ám ảnh lần trước nên lần này mình lo lắng nhiều lắm, con đạp nhiều mình cũng lo, con nằm im cũng lo”, chị Hân cho biết.
Chị Hân bảo, đàn bà hơn nhau ở tấm chồng, suốt 7 năm qua chị luôn có chồng ở bên, không hề tạo áp lực hay nói một câu nặng lời. Khi mang bầu, chồng cũng làm hết tất cả mọi việc trong nhà để chị nghỉ ngơi. Thậm chí dù bận rộn với công việc anh cũng luôn sắp xếp công việc để đưa chị đi khám, không bỏ bữa nào. Mọi việc ăn uống đi lại lúc chị mang bầu đều do một tay anh đảm đương.
Sau sinh chị Hân khá thon gọn, chỉ còn 47kg.
Chị Hân sinh mổ chủ động khi thai được 38 tuần ngày 8/12/2018. Đến bây giờ chị vẫn còn nhớ như in lần đầu run và sợ khi lên bàn sinh nhưng khi nghe tiếng con khóc “oe oe”, mọi sợ hãi ấy tan biến mất, thay vào đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Chàng trai nặng 3,3kg cất tiếng khóc chào đời như cơn mưa rào tưới mát những ngày hè nóng bức trong lòng anh chị suốt 6 năm qua. Chàng trai ấy đã giúp cho chị tin “hạnh phúc sẽ đến thôi, chỉ là có những hạnh phúc tắc đường nên đến muộn”.
Vì lần đầu làm mẹ, kiến thức không có nên mình vụng lắm, cho con bú cũng không biết, con nhỏ quá bồng con cũng không dám bồng. Bé ngủ ngày thức đêm nên nhiều lúc buồn ngủ muốn rơi cả bé, rồi lo bé bệnh bé quấy.
Mỗi lần nhìn con ngủ say chị lại quên đi hết nhọc nhằn.