Trường hợp của chị Trang khiến ekip 6, 7 bác sĩ phải họp hội chẩn vẫn không thống nhất được nên cho đẻ thường hay đẻ mổ.
Các cụ xưa thường nói "chửa đẻ, cửa mả" để nói về những khó khăn, nguy hiểm mẹ bầu có thể gặp phải khi mang thai cũng như lúc lâm bồn. Và lần đầu tiên vào phòng sinh của chị Huyền Trang (25 tuổi, sống tại Hà Nội) khó khăn và đau đớn đến mức chị phải thốt lên hai chữ "kinh hoàng".
Mỗi người mẹ khi mang thai đều có nhiều nỗi lo, từ khi con vừa hình thành đến tận khi con khỏe mạnh chào đời mẹ vẫn chưa hết lo. Một trong những vấn đề nhiều mẹ bầu sợ nhất chính là con bị "già tháng", quá ngày dự sinh vẫn chưa chịu ra.
Chị Trang cũng vậy, chị dự sinh ngày 20/7, sau 2, 3 ngày bắt đầu ra dịch nhầy nâu nhưng vẫn không thấy xuất hiện cơn gò bụng hay các dấu hiệu báo sắp sinh khác. Đến ngày 25/7, gia đình lo lắng nên đưa chị vào viện khám. Sau khi khám, bác sĩ thông báo cổ tử cung chị đã mở 1cm và cần nhập viện luôn.
Hình ảnh chị Trang khi mới mang bầu những tháng đầu.
Những tưởng sau khi cổ tử cung mở thì sẽ sớm được vào phòng đẻ nhưng chị Trang đợi suốt 8 tiếng (từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiếu) cổ tử cung vẫn chỉ mở 1cm dù đã được tiêm thuốc kích thích mở. Quá sốt ruột nên gia đình chị Trang yêu cầu tiêm thêm một mũi làm mềm cổ tử cung rồi cứ một tiếng chị lại vào khám một lần. Đến khi cơn đau đẻ bắt đầu dồn dập khiến chị Trang "mệt lử" thì bác sĩ báo mới chỉ mở 2 phân.
Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, chị Trang được cho gây tê màng cứng vì đau quá dù cổ tử cung mới mở 3cm. Mô tả cảm giác khi được gây tê màng cứng, chị Trang cho biết: "Lúc bác sĩ chọc mũi kim vào người, mình nằm cong như con tôm cũng cảm thấy tức tức. Nhưng kỳ diệu lắm, chọc mũi kim đến đâu thì tê đến đấy, mình hết đau luôn, yên tâm nằm ngủ một mạch đến sáng".
Sau giấc ngủ mê man vì thuốc tê, chị Trang lại bắt đầu bước vào "cuộc chiến sinh con" mà chị phải gọi là "chuỗi kinh hoàng". 5 giờ sáng, khi hết thuốc tê cũng là lúc chị Trang vỡ ối và bắt đầu đau.
Chị chia sẻ: "Cơn đau dồn dập như có hàng trăm mũi kim đâm vào người mình, thuốc tê vẫn còn tác dụng ở chân nên càng khiến mình khó chịu hơn. Đến lúc không chịu nổi nữa mình khóc như mưa, gọi điện cho chồng vừa khóc vừa nói "không đẻ nữa đâu, bảo bố cho mổ đi", tai thì ù đi chẳng nghe được chồng có trả lời không, miệng lắp bắp nói thế là đã hết sức rồi."
Bố chồng chị Trang là bác sĩ nhưng không được trực tiếp tham gia ca đẻ của chị, chỉ có thể đứng ngoài hỗ trợ. Bác sĩ thấy chị Trang "gào khóc" quá nên vào kiểm tra lần nữa. Bất ngờ, lúc này cổ tử cung chị đã mở 9cm và sẵn sàng lên bàn đẻ.
Mang bầu không gặp nhiều khó khăn, chị Trang không nghĩ hành trình vượt cạn của mình lại
gian nan đến vậy.
Vậy nhưng, mọi chuyện không được suôn sẻ như chị Trang và gia đình mong đợi, sau gần 1 tiếng trên bàn đẻ, cố rặn hết lần này đến lần khác, chị Trang vẫn không sinh được. Cơn đau dồn dập vẫn cứ tiếp tục "hành hạ" người mẹ trẻ.
Do trường hợp khẩn cấp nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn gấp. Nằm kiệt sức trên bàn đẻ, chị Trang vẫn nghe rõ tiếng các bác sĩ tranh luận. "6, 7 người vào khám đi khám lại, người thì nói đẻ được, người lại nói không đẻ được đâu, mình nghe mà hoang mang", chị Trang kể lại.
Trong lúc chờ hội chẩn, điều chị Trang lo lắng nhất là con bị ngạt ối hay gặp vấn đề gì. Cuối cùng các bác sĩ kết luận chị Trang bị hẹp xương chậu nên bé không chui ra được, cần mổ cấp cứu lấy bé ra. Nằm mê man trên giường, chị Trang được đẩy sang phòng khác, trong đầu chị chỉ biết tự nhủ "Con yêu! Hai mẹ con hãy cùng cố gắng nhé".
Sau khi được đưa sang phòng mổ, chị Trang được gây tê tủy sống lần hai. Sau mũi tiêm đau đớn như rút hết xương tủy, chị lại rơi vào cảm giác kinh khủng khi toàn thân tê bại mà đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Thêm vào đó, chị Trang còn bị phản ứng thuốc nên nôn hết ra xung quanh.
Đến 9 giờ 4 phút, tròn 24 tiếng đau đớn từ lúc nhập viện, con gái bé bỏng của chị Trang đã ra đời. "Lúc mổ con không lấy được đầu ra mà phải lôi chân ra trước, mình nghĩ mà rơi nước mắt vì thưong", chị Trang tâm sự. Chỉ kịp nhìn và thơm em bé một lát, chị Trang lại lịm đi vì kiệt sức do vừa chịu đau đẻ vừa chịu đau mổ.
Cùng mẹ trải qua bao khó khăn khi lâm bồn nhưng trộm vía em bé nhà chị Trang rất khỏe mạnh và "tốt nết".
Tuy nhiên, em bé ra đời khỏe mạnh không có nghĩa là mẹ đã hết vất vả. Khi đến phòng hậu phẫu, chị Trang tiếp tục phải "than trời" vì sản dịch ra nhiều bất thường, chân thì tê bại không nhấc lên nổi để làm vệ sinh.
Sau mọi khó khăn, vất vả ,khoảnh khắc gặp con cũng là khi chị Trang bật khóc nức nở vì lo, vì thương con và cũng vì hạnh phúc. Chị Trang cho biết mình muốn chia sẻ cuộc vượt cạn đầy gian nan của bản thân với những người đã và sắp làm mẹ. "Trong khi lâm bồn, mọi người sẽ không lường được vấn đề gì sẽ xảy ra. Nhưng hãy cứ tự tin, đừng sợ hãi, vì con mỗi chúng ta có thể tự biến mình thành siêu anh hùng. Đến khi gặp con, mọi khó khăn đó sẽ không còn đáng để nhắc tới nữa.", bà mẹ hạnh phúc chia sẻ.