Ngại cảnh đông đúc, ồn ào của các bệnh viện Việt Nam, cũng nhằm chuẩn bị lâu dài cho tương lai đứa con, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch để cuộc chuyển dạ diễn ra ở một nước phát triển nào đó.
Trước mẹ vui, sau con sướng
Sau một thời gian nhập viện, bà mẹ trẻ Thuỳ Nhiên (tất cả nhân vật trong bài đều được đổi tên), 28 tuổi đã gửi thư về, chia sẻ cuộc vượt cạn của cô tại một bệnh viện của Mỹ: “Bệnh viện ở đây có khả năng làm giảm áp lực cho bệnh nhân. Sau khi sinh, cả hai mẹ con mình phải nằm điều trị thêm một thời gian tại bệnh viện. Bệnh viện rất sạch sẽ, im lặng cực kỳ, tất cả mọi hành động, bước đi của nhân viên y tế đều rất nhẹ nhàng, làm cho tâm lý mình rất thoải mái. Tất cả những vấn đề này hiếm có ở bệnh viện Việt Nam. Mình nghĩ điều này rất quan trọng, vì tâm lý, tinh thần tốt, ổn định thì mọi thứ đều êm xuôi. Thêm điều nữa, phụ nữ sinh con tại Mỹ luôn có mặt người chồng bên cạnh. Chứng kiến cảnh mang nặng đẻ đau của vợ, họ càng thấy nể trọng, yêu thương người phụ nữ của họ hơn. Mình nằm bệnh viện hai ngày thì cứ mỗi hai tiếng lại có nhân viên y tế đến kiểm tra. Mình đi vệ sinh thì có người giúp, đến bữa thì mang đồ ăn cho, và họ luôn luôn mang dư một phần thức ăn phòng hờ cho người thân của mình. Đêm trước khi mình ra viện, họ đã tặng một bữa tối với thức ăn tự chọn, có cả rượu để mở tiệc chúc mừng. Dịch vụ tuyệt vời như vậy giúp mình nhanh chóng quên đi cơn đau vượt cạn, và cảm thấy việc sinh con ý nghĩa hơn”.
Nhiều cặp vợ chồng muốn sinh con ở các nước phát triển còn vì điều kiện tương lai về sau của đứa trẻ. Anh Lê Thiên Vũ 40 tuổi, giám đốc một công ty xây dựng, thổ lộ câu chuyện của mình: “Vợ tôi vừa sang Mỹ tuần trước. Chúng tôi lên kế hoạch sinh con tại Mỹ vì nhiều lý do. Có quốc tịch mới, con tôi sau này sẽ đi lại, học hành dễ dàng hơn. Vợ tôi sang trước, tôi ở lại lo thêm vài thủ tục, tranh thủ kiếm thêm tài chính rồi sang đúng lúc vợ sinh. Dù gì hai vợ chồng tôi cũng chỉ có một đứa con này, nên phải dồn hết tâm huyết, tài chính cho con được an lành, khoẻ mạnh”.
Cũng có trường hợp do một số trường quốc tế tại Việt Nam yêu cầu học sinh phải mang quốc tịch nước ngoài mới được vào học, vì vậy một số cặp vợ chồng trẻ có điều kiện đã lên kế hoạch sinh con ở các nước phát triển, thêm một quốc tịch mới cho con dễ chọn trường sau này.
Ngại cảnh đông đúc, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch đón con yêu ở một nước phát triển nào đó.
Chật vật với chi phí ngất trời
Một cuộc sinh con tại bệnh viện Mỹ phải mất từ 16.000 đôla trở lên. Một đêm nằm viện cũng tốn từ 3.000 – 7.000 đôla. Vậy mà không ít cặp vợ chồng, dù thu nhập không cao cũng tìm mọi cách để đứa con mình được sinh ra trên đất Mỹ, cho dù sau đó họ phải đánh đổi nhiều thứ. Chị Trịnh Ngọc Hà, 33 tuổi, quận 1, TP.HCM, kể: “Hồi mang bầu thằng bé được hai tháng, bà con bên Mỹ bàn tính đưa tôi qua đấy. Hai vợ chồng gom góp được 300 triệu đồng, đi làm visa thì chỉ nói lý do thăm người thân ốm nặng, được đi thì viện cớ ở lại cho đến lúc sinh xong. Tôi nằm viện bốn ngày tại một bệnh viện phía nam California. Sau đó, hoá đơn thanh toán gửi về là 45.000 đô, tiền mổ là 1.500 đôla, chưa kể những lần siêu âm định kỳ phải tốn từ 300 – 600 đôla, rồi còn chi phí ăn ở suốt thời gian đó. Tôi không biết đến chuyện phải mua bảo hiểm trước khi qua Mỹ, cận ngày sinh thì không nơi nào chịu bán. Tiền mang theo không đủ, phải vay mượn họ hàng bên đó để trả chi phí bệnh viện. Sinh được một tháng, tôi phải theo chồng kiếm việc, làm móng cho khách, vừa nuôi con, vừa dành dụm cho ngày về. Về đến Việt Nam thì thất nghiệp, do mình nghỉ quá lâu, phải đi tìm việc khác. Nghĩ lại, để có được tương lai về sau cho con, vợ chồng tôi đã đánh đổi nhiều thứ, suýt bán cả nhà để trả nợ!”
Vượt cạn mồ côi trên đất khách
Ngoài áp lực về chi phí, nhiều bà mẹ trẻ còn phải gồng gánh thêm áp lực sinh con một mình, khi điều kiện kinh tế không cho phép người thân sang cùng với họ. Chị Chu Hoà An từng trải qua bốn tháng làm mẹ đơn thân tại Pháp, tâm sự: “Lúc tôi sang Pháp, chồng tôi không được đi cùng, vì vậy, tôi cũng đã xác định cho mình một tinh thần vững vàng. Thế nhưng, lúc một mình rặn đau, lại chứng kiến cảnh các sản phụ khác có người trông nom kỹ càng, nước mắt tôi chỉ chực trào ra. Sau khi sinh, do em bé chưa đủ tháng mà ra trước nên phải nằm điều trị phòng đặc biệt. Tôi cũng tiếp tục nằm điều trị. Dù được các bác sĩ và y tá ân cần hỏi thăm thường xuyên, nhưng tinh thần tôi vẫn không ổn lắm. Bác sĩ cho biết tôi đang mắc chứng trầm cảm sau sinh, thể nhẹ. Bệnh viện đã quyết định giữ em bé cho đến hai tháng sau, tâm lý tôi ổn định thì họ mới giao con lại cho tôi. Sau một lần vượt cạn, rồi lại bị trầm cảm như vậy, tôi nghĩ rằng, chỉ cần con mình khoẻ mạnh là đủ, không nhất thiết phải quốc tịch nọ, quốc tịch kia!”