Niềm hạnh phúc sau sinh chưa kịp trọn vẹn, người mẹ đã chọn cách kết thúc không ai ngờ tới.
Sinh con luôn được xem là một hành trình đầy gian nan, đòi hỏi người mẹ không chỉ phải vượt qua những khó khăn về mặt thể chất mà còn cả về tinh thần. Niềm vui khi chào đón đứa con đầu lòng đôi khi lại bị phủ bóng bởi những cảm xúc phức tạp sau sinh, dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Một sự việc đau lòng gần đây tại Trung Quốc đã gây rúng động dư luận, khi một bà mẹ 33 tuổi sau khi sinh đôi một trai một gái đã chọn cách nhảy từ tầng 22 tự tử, để lại nỗi đau xót và hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải.
Niềm hạnh phúc mong manh sau nhiều năm chờ đợi
Trước khi thảm kịch xảy ra, Hải Yến và chồng đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc trong nhiều năm. Dù cuộc sống không giàu sang, nhưng tình yêu thương và sự gắn kết của họ luôn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, một điều khiến họ luôn khát khao là có 1 đứa con để gia đình thêm trọn vẹn. Sau nhiều năm cố gắng mà không thể có thai, hai vợ chồng quyết định đến bệnh viện kiểm tra và nhận được tin buồn: Cơ hội thụ thai tự nhiên gần như không còn do vấn đề sức khỏe.
Không từ bỏ ước mơ có con, họ đã tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Sau 3 lần thất bại, lần thứ 4 đã mang đến cho họ niềm hạnh phúc lớn lao khi Hải Yến mang thai đôi 1 trai 1 gái. Giấc mơ “đủ nếp đủ tẻ” của họ đã trở thành hiện thực. Hạnh phúc đó dường như đã xoa dịu tất cả những khó khăn mà hai vợ chồng từng phải đối mặt.
Sau nhiều năm cố gắng, vợ chồng Hải Yến cuối cùng cũng được lên chức làm cha, làm mẹ.
Khi hạnh phúc làm mẹ trở thành cơn ác mộng
Ngày Hải Yến sinh con, niềm vui của gia đình họ vỡ òa khi cặp song sinh khỏe mạnh chào đời. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy không kéo dài lâu. Sau sinh, Hải Yến bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về tinh thần. Dù nhận ra vợ mình có những thay đổi về tâm trạng, nhưng chồng cô lại cho rằng đó là điều bình thường mà người phụ nữ nào sau khi sinh cũng sẽ trải qua.
Tuy nhiên, tình trạng của Hải Yến ngày càng nghiêm trọng. Cô thường xuyên thức dậy vào ban đêm, gây ồn ào, khiến cả gia đình không thể yên giấc. Trước tình cảnh đó, người chồng đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận Hải Yến bị trầm cảm sau sinh nghiêm trọng, gây ra những ảnh hưởng lớn đến tinh thần.
Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến với bất kỳ bà mẹ nào. (Ảnh minh họa)
Dù đã được cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, nhưng người chồng vẫn không thể ở bên cạnh vợ mọi lúc. Và chỉ trong vài phút ngắn ngủi anh rời khỏi phòng bệnh, Hải Yến đã quyết định kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy từ tầng 22 xuống.
Nhận được tin dữ, người chồng hoàn toàn suy sụp. Anh không thể tin rằng người vợ mà anh yêu thương đã mãi mãi rời xa, bỏ lại hai đứa con nhỏ mới chào đời và một người chồng phải một mình đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Trước đó, họ đã trải qua nhiều khó khăn, tốn kém về tài chính để có được những đứa con này, và giờ đây, anh phải gánh vác tất cả mà không có người vợ bên cạnh.
Người chồng khóc ngất khi nghe tin dữ.
Người dân trong làng khi nghe tin về cái chết của Hải Yến đều không khỏi bàng hoàng. Trong mắt họ, cô luôn là một người phụ nữ vui vẻ, hòa đồng và không có dấu hiệu gì bất thường trước khi sinh con. Không ai ngờ rằng việc sinh con đã thay đổi cô đến mức dẫn đến quyết định đau lòng như vậy.
Có thể thấy việc sinh con là một quá trình đầy thử thách không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần. Trong khi chúng ta thường tập trung vào sức khỏe của đứa trẻ, đôi khi lại vô tình bỏ quên người mẹ - người đang phải chịu đựng những biến đổi tâm sinh lý mạnh mẽ sau sinh. Người mẹ thường dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn rất nhiều, và nếu không nhận được sự chăm sóc, quan tâm kịp thời, họ có thể rơi vào tình trạng trầm cảm và đưa ra những quyết định sai lầm.
Câu chuyện đau lòng của bà mẹ 33 tuổi này là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của các bà mẹ sau sinh, đồng thời nâng cao nhận thức về chứng trầm cảm sau sinh để tránh những bi kịch tương tự trong tương lai.
Người chồng nên làm gì để hỗ trợ vợ vượt qua giai đoạn khó khăn?
Người chồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp vợ vượt qua giai đoạn nhạy cảm này. Để hỗ trợ vợ giảm thiểu nguy cơ trầm cảm sau sinh, anh cần chú ý những điều sau:
- Chia sẻ công việc chăm sóc con: Tham gia vào việc chăm sóc em bé để giảm bớt áp lực cho vợ và tạo sự sẻ chia trong gia đình.
- Lắng nghe và thấu hiểu: Luôn bên cạnh, lắng nghe và chia sẻ cùng vợ để cô ấy không cảm thấy cô đơn trong giai đoạn khó khăn này.
- Khuyến khích vợ nghỉ ngơi: Đảm bảo rằng vợ có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để tái tạo năng lượng sau sinh.
- Hỗ trợ về mặt tinh thần: Luôn động viên, khen ngợi và dành tình cảm cho vợ để giúp cô ấy cảm thấy được yêu thương và an toàn.
- Chăm sóc sức khỏe của vợ: Khuyến khích vợ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng để giữ gìn sức khỏe và tinh thần lạc quan. Nếu có dấu hiệu bất thường, nên đưa vợ đến gặp bác sĩ để nhận được sự tư vấn chuyên môn kịp thời.
Sự đồng hành và hỗ trợ của người chồng trong thời gian này không chỉ giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn củng cố thêm tình cảm vợ chồng, tạo nền tảng vững chắc cho gia đình trong tương lai.