Táo bón tuy không quá nghiêm trọng nhưng nó gây những khó chịu dai dẳng cho các mẹ bầu.
Táo bón là "nỗi ám ảnh" của nhiều mẹ bầu trong những tháng cuối của thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này như do sự phát triển của thai nhi khiến các cơ quan trong ổ bụng bị chèn ép, làm giảm trương lực cơ trơn dẫn đến thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột non kéo dài, làm cho thai phụ dễ bị táo bón. Ngoài ra, uống viên sắt và canxi bổ sung theo chỉ định của bác sĩ cũng khiến cơ thể cần một lượng lớn nước để hấp thụ những khoáng chất này, và không phải mẹ bầu nào cũng uống đủ nước, hơn nữa một phần các khoáng chất này không hấp thụ được vào cơ thể phải ra ngoài là gánh nặng của hệ tiêu hóa, làm gia tăng nguy cơ bị táo bón. Thêm vào đó, nồng độ hormone progesterone tăng cao làm cho các cơ của ruột già ít hoạt động hơn, đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây nên "tác dụng phụ" khi bầu bí này.
Thai nhi lớn dần lên là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh táo bón khi mang thai (ảnh minh họa)
Táo bón tuy không quá nghiêm trọng nhưng nó gây những khó chịu dai dẳng cho các mẹ bầu trong suốt 9 tháng 10 ngày của thai kỳ, thậm chí kéo dài cả sau khi sinh. Nếu không được chữa trị kịp thời dễ gây trĩ, viêm ruột thừa và là khởi đầu của ung thư đại tràng. Để đối phó với chứng táo bón khi mang thai, mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn và lối sống bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, tập thể dục cũng như đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu...
Uống 8 ly nước đầy mỗi ngày
- Mẹ có thể uống nước lọc, nước trái cây, nước ép rau củ hoặc các loại thức uống lành mạnh khác. Uống nhiều nước sẽ giúp mẹ đại tiện thường xuyên hơn và phân không rắn, dễ dàng qua hậu môn.
- Trong trường hợp mẹ đang bị táo bón và không thể đi đại tiện được, nước mận hoặc thuốc nhuận tràng nhẹ có thể là "cứu cánh" cho mẹ. Nếu không thích vị nước mận, mẹ có thể pha loãng với một loại nước trái cây khác hoặc làm sinh tố tùy theo ý thích của mẹ.
- Một phương pháp khác được nhiều mẹ bầu "chuộng" đó là uống nước ấm với chanh. Nước ấm và chanh có thể gây ra nhu động ruột, kích thích ruột co thắt, hoạt động hiệu quả hơn.
- Ngoài ra, có một lưu ý mẹ cần nhớ đó là không uống các loại thức uống có chứa caffeine, chúng có thể thông qua nhau thai và nhiễm vào máu của bé, điều này không hề tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Uống nhiều nước được coi là cách đơn giản và hiệu quả nhất để trị bênh táo bón (ảnh minh họa)
Ăn thức ăn giàu chất xơ
- Trái cây tươi hay sấy khô, rau xanh, các loại đậu đỗ, và các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ. Những nguồn thực phẩm tự nhiên này sẽ thúc đẩy tiêu hóa giúp cho việc mẹ đi đại tiện dễ dàng và thường xuyên hơn. Quả kiwi cũng có tác dụng giúp nhuận tràng.
- Nếu mẹ không quen ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ này, mẹ nên thêm chúng dần dần vào chế độ ăn hằng ngày. Tăng lượng chất xơ một chút mỗi ngày cho đến khi đảm bảo mẹ nhận được từ 25- 30gram chất xơ mỗi ngày.
- Ngoài ra, mẹ cần lưu ý ăn chậm, nhai thật kỹ khi ăn và nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5- 6 bữa/ngày thay vì 3 bữa lớn/ngày.
Các loại thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất giúp thai nhi khỏe mạnh nhưng cũng khiến chứng bệnh táo bón của mẹ thêm trầm trọng
- Quá nhiều canxi sẽ khiến mẹ bị táo bón. Hiện nay các loại thuốc kháng acid chữa chứng ợ nóng thường gặp ở mẹ bầu chứa rất nhiều canxi, vì vậy mẹ nên hỏi bác sĩ xem có thể thay thế loại thuốc này bằng các sự lựa chọn khác khi mẹ đang bị chứng táo bón hay không.
- Nếu bác sĩ khuyên mẹ bổ sung thêm sắt trong thai kỳ, hãy lựa chọn viên sắt có hiệu quả lâu dài, sử dụng sắt ở dạng lỏng thay vì dạng viên nang cứng hoặc uống một lượng nhỏ mỗi ngày để hạn chế lượng sắt cơ thể không có khả năng hấp thụ tạo "gánh nặng" cho hệ tiêu hóa.
Bổ sung quá nhiều canxi sẽ khiến mẹ bị táo bón. (ảnh minh họa)
Nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc nhuận tràng và làm mềm phân
Thuốc nhuận tràng và làm mềm phân thường được sử dụng để chữa trị bệnh táo bón. Tuy nhiên mẹ cần cẩn trọng với các loại thuốc này bởi chúng có thể không an toàn cho em bé, đặc biệt là các loại thuốc tự chế hoặc các chế phẩm thảo dược. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thuốc nhuận tràng có thể gây ra tình trạng mất nước, tử cung co thắt.
Tập thể dục
Vận động thường xuyên trong thai kỳ không chỉ giúp chị em dễ dàng giảm cân sau sinh, khiến việc sinh nở thuận lợi hơn mà còn là một trong những cách khiến đường ruột hoạt động trơn tru, giúp giảm thiểu tối đa táo bón cho bà bầu. Đi bộ hay bơi lội là những bài tập an toàn mẹ có thể áp dụng đến tận cuối thai kỳ. Chỉ cần 15 phút đi bộ mỗi ngày, mẹ sẽ thấy tình hình được cải thiện rõ rệt.
Massage nhẹ nhàng
Ngay từ đầu thai kỳ, mẹ nên dành vài phút mỗi ngày để massage nhẹ nhàng khu vực bụng với các loại dầu massage dành cho thai phụ. Việc này không những giúp làm giảm các vết rạn mà còn tăng cường lưu thông máu, giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn.
Đi vệ sinh ngay khi mẹ có nhu cầu
Một lỗi nghiêm trọng mà khá nhiều chị em mắc phải là không "giải quyết nhu cầu" ngay khi cơ thể báo động. Có thể mẹ cho rằng việc chậm trễ đi vệ sinh một tí không ảnh hưởng gì, nhưng thực tế, khi nhịn đi vệ sinh, ruột sẽ hấp thu nước từ phân và khiến mẹ khó chịu vì táo bón. Mẹ bầu nên tạo thói quen đi ngoài đều đặn, tốt nhất là vào buổi sáng và sau các bữa ăn vì lúc này đại trực tràng có nhu động mạnh nhất.