Nỗi lòng quặn thắt của cặp đôi hiếm muộn 12 năm rong ruổi tìm con

Ngày 13/10/2016 06:05 AM (GMT+7)

12 năm trên hành trình đi tìm con, chị trải qua đủ cung bậc cảm xúc từ buồn, vui, hy vọng và rồi lại thất vọng. Có những lần vì quá mệt mỏi chị đã muốn dừng lại, muốn từ bỏ nhưng chính chồng là người động viên, cùng chị vượt qua mọi khó khăn.

Sợ nghe những câu hỏi “có gì chưa?”

Có vợ, có chồng, có một mái ấm với tiếng cười trẻ thơ là niềm mong ước của bất cứ người phụ nữ nào khi cất bước theo chồng. Nhưng đối với chị H. (37 tuổi, Nam Định), hành trình đi tìm một mái ấm đủ đầy ấy lại quá gian nan và nhiều nước mắt. 12 năm lấy chồng là 12 năm chị trông ngóng được nghe tiếng con gọi “mẹ”.

25 tuổi, chị cất bước theo chồng. Như bao người phụ nữ khác, chị cũng mong ngóng có một gia đình với tiếng cười trẻ thơ. Nhưng hơn 1 năm sau ngày cưới, dù không áp dụng các biện pháp tránh thai nào nhưng anh chị vẫn chẳng thể có con.

Lo lắng, sốt ruột, chị cũng tìm mua thuốc bắc của mấy thầy thuốc dưới quê nhưng cũng chẳng thấy có kết quả. Vậy là vợ chồng lại đưa nhau lên bệnh viện phụ sản Hà Nội khám.

Ngày ấy, bác sĩ chẩn đoán chị nội tiết kém, ống dẫn trứng hẹp nên khả năng đậu thai kém. Vậy là sau đó, 2 vợ chồng lại dắt nhau lên Hà Nội sinh sống để tiện đường chữa trị cho chị.

Do thời gian chữa trị không cố định nên anh chị không xin được việc làm ổn định. Vậy là anh mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, còn chị đi thu nhặt sắt vụn trên đất thủ đô. Cứ kiếm được bao nhiêu hai vợ chồng tích cóp lại để đi chữa trị.

Từ đó đến nay, hễ ai mách chỗ nào có thầy thuốc giỏi là 2 vợ chồng lại tìm đến. Từ Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Nam... chị chẳng nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu nơi. Chị cũng chẳng nhớ nổi mình đã uống bao nhiêu loại thuốc vào người, từ thuốc đông y, tây y, thuốc nam, thuốc bắc... chỉ cần người ta nói chữa được hiếm muộn là chị lại uống.

12 năm lấy chồng, có lẽ câu nói mà chị thấy sợ nhất là “có gì chưa?”. Chị may mắn khi không phải chịu áp lực từ gia đình chồng. Nhưng những câu hỏi thăm của họ hàng, làng xóm chị không đếm nổi bao nhiêu lần. Mỗi câu hỏi ấy lại như 1 nhát dao cứa vào tim chị, đến nỗi chỉ cần nghe thấy nó nước mắt của chị có thể rơi bất cứ lúc nào.

Kiên trì suốt bảy năm uống thuốc thấy không có kết quả, chị hạ quyết tâm đến  Bệnh viện Phụ sản bắt đầu hành trình nhờ máy móc, kỹ thuật. Chị nộp hồ sơ, chờ duyệt và làm tất cả các thủ tục xét nghiệm rồi đằng đẵng chờ. Chị làm thủ thuật, chuyển phôi ba lần nhưng đều thất bại.

Kích trứng, chuyển phôi rồi hy vọng, đợi chờ và hụt hẫng luôn là vòng luẩn quẩn trong những ngày tháng đó. Với chị, cảnh bon chen giữa sáng sớm để đợi chờ đến lượt như nỗi ám ảnh chẳng thể nào nguôi.

Nỗi lòng quặn thắt của cặp đôi hiếm muộn 12 năm rong ruổi tìm con - 1

Hành trình 11 năm đi chữa trị, chị H trải qua đủ cung bậc cảm xúc.

Gần đây, nghe nhiều người nói phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kết quả thành công cao hơn. Vậy là vợ chồng chị lại tích cóp từng đồng từng hào để vào viện chữa trị.

Đến nay đã hơn 1 tuần kể từ ngày các bác sĩ chuyển phôi vào trong tử cung của chị. Cả anh và chị đều đang mong chờ một phép màu đưa con đến với gia đình.

Chồng – người bạn đồng hành suốt cuộc hành trình

Sau ngày chuyển phôi vào tử cung, các bác sĩ khuyến cáo chị ít đi lại, ít làm việc nặng, chị lại ở nhà tĩnh dưỡng, cố giữ cho bào thai trong bụng. Vậy là mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay anh đảm đương.

Ngày nào cũng vậy, anh dậy từ sáng sớm, chuẩn bị đồ ăn cho vợ ở nhà rồi mới đi làm. Tối về anh lại nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo. Nhìn cách người đàn ông ấy chăm vợ, ai cũng nghĩ rằng anh chị là cặp vợ chồng son.

Chị bảo, “trong suốt cuộc thời gian đi chữa trị, tôi may mắn khi có được một người chồng luôn quan tâm, chăm sóc cho mình, chưa một lần anh trách hay tạo áp lực cho tôi về chuyện con cái. Nhiều khi thấy tôi nản lòng, anh lại động viên “con cái là của trời cho, thoải mái lên vợ, đừng bận tâm gì cả”, vậy là hai vợ chồng lại cùng nhau đi chữa trị”.

Trong suốt thời gian đi chữa trị, chưa bao giờ chị phải đi một mình, đi bất cứ nơi đâu, chị luôn có chồng đồng hành cùng. Chẳng ngại trời nắng hay mưa, hai vợ chồng lại bon bon trên chiếc xe máy đi tìm đứa con.

“Nhìn cảnh anh chăm sóc, chơi đùa với những đứa trẻ con hàng xóm, tôi biết anh cũng đang mong ngóng có 1 đứa con đến nhường nào. Nhưng anh chẳng bao giờ nói ra cả, anh sợ tôi sẽ càng thêm lo lắng và buồn” đôi mắt chị ngấn lệ.

Đối với chị, anh cũng là một người chồng rất tâm lý, hiểu vợ. Trong cuộc hành trình 11 năm đi tìm con ấy, không ít lần chị đã muốn buông bỏ. Nhưng  hiểu được tâm lý của vợ, anh luôn động viên kịp thời, đúng lúc. Vậy là chưa bao giờ chị có cơ hội nói ra hai chữ “từ bỏ”.

Chị bảo, trên đời này, người mà chị mắc nợ nhiều nhất có lẽ là anh. Kể từ ngày lấy nhau đến giờ, cứ có bao nhiêu tiền, anh chị lại đổ dồn hết vào việc chữa trị. Có những thứ dù rất thích nhưng anh cũng chẳng dám mua, chẳng dám tiêu pha gì.

Lần này, thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, anh chị đã tốn đến cả gần trăm triệu. Kinh tế gia đình không có, anh chị lại đi vay mượn mỗi nơi một ít. Đưa tay sờ xuống bụng, trong mắt người phụ nữ ấy ánh lên vẻ hy vọng: "Hy vọng ông trời sẽ thương chúng tôi mà cho đứa con này ở lại..." chị H tâm sự.

Khi được hỏi, anh chị có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ xin con nuôi hay chưa, anh chỉ cười vào bảo: “Con cái là của trời cho, chắc ông trời chưa cho chúng tôi thôi. Vẫn còn nước thì vợ chồng tôi vẫn còn tát...”.

Nhìn cách vợ chồng họ chăm nhau, thực sự cảm thấy nể phục và có chút ghen tị với chị. Bởi lẽ có không ít những cặp vợ chồng đã đường ai nấy đi chỉ vì chuyện con cái. Hy vọng sẽ có một phép màu sớm đến với cặp vợ chồng ấy để anh chị sớm có được đứa con bồng bế.

Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu