Nỗi sợ Tết của những vợ chồng hiếm muộn: Không dám về quê, lủi thủi trong phòng trọ vì quá áp lực

Thảo Nguyên - Ngày 04/01/2023 14:00 PM (GMT+7)

Với nhiều người Tết đến là niềm vui và hạnh phúc, nhưng với các cặp vợ chồng hiếm muộn đang trong hành trình tìm con, Tết đến với họ luôn là một áp lực trĩu nặng trong lòng.

Vợ chồng bao năm tìm con, từng rơi vào trạng thái "sợ Tết", giờ có con mới thực sự có Tết

Đó chính là lời khẳng định thật lòng của vợ chồng anh Hoàng Văn Hưng (Q.12, TP.HCM). Suốt bao năm tìm con, vợ chồng anh từng rơi vào trạng thái "sợ Tết". Nhưng giờ đây cuộc sống của gia đình anh Hưng đã thay đổi hoàn toàn đổi.

Theo anh Hưng chia sẻ, kể từ khi có 2 bé Hoàng Bảo Lâm và Hoàng Bảo Vy, vợ chồng anh mới trút bỏ đi tâm lý nặng nề bấy lâu. Nguyên nhân là do vợ chồng anh bị hiếm muộn, bao năm tìm con đều thất bại. Vì thế Tết đến thật sự là một nỗi ám ảnh lớn với 2 vợ chồng.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hưng (Q.12, TP.HCM) kể từ khi có con mới có Tết.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hưng (Q.12, TP.HCM) kể từ khi có con mới có Tết.

Bởi mọi người cứ gặp nhau ngày Tết, câu cửa miệng của người thân, bạn bè thường là hỏi về con cái. Dù không ai ác ý, nhưng các câu hỏi khiến họ thường buồn rầu, không biết trả lời thế nào. Cứ sau mỗi cuộc gặp như thế, tâm lý của vợ chồng lại càng nặng nề thêm.

Trong khi đó, anh Hưng là con trai trưởng nên áp lực có con rất lớn.  May mắn cuối cùng đã đến với vợ chồng hiếm muộn khi có 2 con song sinh. Hiện với vợ chồng anh Hưng: “Có con là có Tết và ngày nào cũng là Tết" - anh Hưng thú nhận.

Tết của vợ chồng công nhân hiếm muộn lủi thủi ở phòng trọ chẳng dám về quê

10 năm vào Bình Dương làm công nhân, lấy chồng được 5 năm và "thả" từ đó đến nay, nhưng chuyện con cái với chị T (30 tuổi, quê Nghệ An) trở nên quá xa vời bởi chồng chị bị tinh trùng yếu.

Hàng tháng, bao tiền tiết kiệm eo hẹp từ đồng lương công nhân, vợ chồng chị T đều dành dụm hết vào việc can thiệp thụ tinh trong ống nghiệm tìm con. Thế nhưng 2 lần làm thụ tinh ống nghiệm, chị T vẫn chưa đón nhận tin vui có bầu.

Vì hiếm muộn suốt 5 năm qua đến nay, vợ chồng chị T mới chỉ về quê ăn Tết được đúng một lần. Đó là cái Tết của một năm sau cưới. Những cái Tết sau đó, hai vợ chồng chị T đều phải viện lý do tăng ca dịp Tết, nghỉ quá ít ngày hoặc không kịp mua vé máy bay… mà chẳng dám về quê.

Ở lại Bình Dương đón Tết, vợ chồng hiếm muộn chỉ biết lủi thủi trong phòng trọ.

Nhiều vợ chồng hiếm muộn sợ Tết. (Ảnh minh họa)

Nhiều vợ chồng hiếm muộn sợ Tết. (Ảnh minh họa)

Vợ chồng hiếm muộn 5 năm không dám về quê ăn Tết, 8 năm không có Tết

Chị Hoàng Xuân (Thanh Hóa) đã có 8 năm không có Tết, 5 mùa xuân chị không dám về quê vì áp lực vô sinh đè nặng.

Người ta gọi chị Xuân là "cau điếc", chị cũng dần quen bởi vì bản thân chị bị buồng trứng đa nang, béo phì, đa u xơ tử cung, dính buồng tử cung… nhưng đối diện với Tết vẫn khiến chị trĩu lòng.

3 năm đầu tiên sau kết hôn, vợ chồng chị cũng thường về quê ăn Tết. Thế nhưng trong những ngày Tết, chị Xuân thường phải đối mặt với những câu hỏi thăm như "đã có tin vui chưa" cho đến những lời cay độc như "cây độc không trái, gái độc không con", "ăn nhiều béo đến tịt đẻ", "kiếm tiền mà làm gì khi con không có"... Dần dần nghe những lời xì xào xa gần khiến chị Xuân ám ảnh, không dám về quê ngày Tết.

Suốt 5 năm qua, người vợ xứ Thanh không dám về quê ăn Tết. Và kể từ khi cưới nhau đến nay không có con được 8 năm cũng là 8 năm vợ chồng chị không có Tết.

Hành trình tìm con vốn đã gian nan, chị Xuân lại phải cộng thêm những áp lực quá lớn từ bên ngoài khiến người phụ nữ khát con càng thêm áp lực. May mắn, sau 8 năm không có Tết vì "mặc cảm vô sinh", cuối cùng vợ chồng chị Xuân đã có cái Tết đầu tiên của mình được hưởng hạnh phúc làm mẹ.

Nhờ tiến bộ của y học và kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng thoát khỏi gánh nặng tâm lý và có được hạnh phúc làm bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Nhờ tiến bộ của y học và kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng thoát khỏi gánh nặng tâm lý và có được hạnh phúc làm bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Theo các bác sĩ hiếm muộn cho biết, tâm lý ảnh hưởng rất lớn trong điều trị vô sinh hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Áp lực từ người bệnh, cộng thêm áp lực từ gia đình, xã hội dễ tạo thành một vòng luẩn quẩn khó gỡ. Thực tế, áp lực tâm lý quá sẽ khiến người trong cuộc stress, gây ra rối loạn phóng noãn và việc thụ thai tự nhiên rất khó. Khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm nếu chị em có những bất ổn về mặt tâm lý sẽ khiến tử cung co bóp mạnh, phôi thai khó làm tổ.

Bởi thế các bác sĩ hiếm muộn khuyến cáo, chính bản thân phụ nữ hiếm muộn cần tự cởi bỏ áp lực cho chính mình. Bên cạnh đó, gia đình và những người xung quanh cần có thái độ thông cảm hơn với phụ nữ hiếm muộn.

Hiện đã có nhiều biện pháp tiên tiến được áp dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam. Nhờ sự tiến bộ của y học và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra phác đồ cá thể hóa cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn. Điều này giúp cho nhiều cặp vợ chồng thoát khỏi gánh nặng tâm lý và có được hạnh phúc làm bố mẹ. Do đó các cặp vợ chồng hiếm muộn không nên bi quan.



SỰ KIỆN

Tết Nguyên Đán

Ngày
Giờ
Phút
Giây

Ngày diễn ra : Chủ nhật 22/01/2023

Tức ngày : 01/01/2023 ( Âm lịch )

8 năm hiếm muộn, phút được ôm con sinh non vào lòng, người mẹ 2 tử cung mừng mừng tủi tủi
Rất may mắn trong lần chuyển phôi đầu tiên, mọi chuyện đều suôn sẻ, chị T.N đã có bầu. Đây là niềm vui không chỉ riêng vợ chồng hiếm muộn này mà còn của gia đình nội ngoại 2 bên.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiếm muộn - Vô sinh