Nếu mẹ vẫn kiểm tra sức khỏe thai kỳ bình thường theo lịch định kỳ thì không cần quá quan tâm đến kích thước bụng bầu.
Hầu hết các mẹ bầu đều tỏ ra lo lắng khi bụng bầu của mình nhỏ hơn những mẹ bầu cùng tuần thai khác và cũng có không ít những người vô cùng tự hào vì sở hữu bụng bầu to “hơn người” bởi họ nghĩ bụng bầu to đồng nghĩa với việc con cũng sẽ to lớn. Tuy nhiên trên thực tế thì điều này không hoàn toàn đúng.
Các mẹ cần biết rằng hình dạng và kích cỡ của bụng bầu không ảnh hưởng quá nhiều đến cân nặng của em bé. Có rất nhiều lý do khiến bụng mẹ có thể nhìn to hơn hoặc bé hơn.
Chiều cao của mẹ bầu
Nếu bạn có chiều cao vượt trội và bụng dài thì em bé của bạn sẽ có rất nhiều không gian để phát triển. Tử cung của bạn khi đó cũng có xu hướng dài ra chứ không đẩy quá nhiều về phía trước. Kết quả là bụng bạn sẽ nhìn nhỏ hơn những mẹ bầu có chiều cao khiêm tốn.
Ngược lại nếu bạn thấp, bé thì không gian giữa hông và xương xườn cũng nhỏ vì vậy tử cung sẽ đẩy ra phía ngoài và bụng bầu nhìn sẽ bự hơn.
Nếu bạn có chiều cao vượt trội và bụng dài thì em bé của bạn sẽ có rất nhiều không gian để phát triển. (ảnh minh họa)
Mẹ mang thai lần đầu
Người phụ nữ có con đầu lòng thường có xu hướng bụng bầu nhỉ gọn hơn vì các cơ bụng lúc này chưa được giãn nở hết mức. Bụng mẹ sẽ săn chắc và gọn gàng hơn nhiều so với lần mang thai thứ 2, thứ 3. Vì vậy mẹ đừng nghĩ rằng cứ bụng bầu to là con sẽ to.
Vị trí của em bé
Thai nhi rất năng động trong bụng mẹ và bé thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí đặc biệt là từ cuối giai đoạn thứ 2 thai kỳ. Từ tuần 32, em bé thường có xu hướng quay đầu xuống dưới nhưng vị trí lưng có thể quay ra ngoài hoặc úp vào cơ thể mẹ. Đây cũng chính là lý do khiến bụng bầu của mẹ nhìn to hơn hoặc nhỏ hơn.
Vị trí của ruột
Khi bạn mang thai, bên trong bụng mẹ không chỉ có em bé mà còn có cả nhau thai, nước ối và cả cơ quan nội tạng của mẹ nữa. Khi tử cung phát triển lớn hơn, ruột có thể được đẩy ra phía sau làm cho bụng bầu tròn và nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên nếu ruột đợc đẩy sang hai bên tử cung thì bụng mẹ sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cơ thể thay đổi do lần mang thai trước
Quá trình mang thai có thể làm kéo dài các cơ bụng mẹ để bé phát triển và những cơ này không thể phục hồi hoàn toàn sau sinh. Vào lần mang thai thứ 2, mẹ có thể nhận thấy bụng mình to sớm hơn, điều này không có nghĩa là con bạn sẽ lớn hơn. Đây là do cơ thể của mẹ đã thay đổi do lần mang thai trước đó.Để hạn chế vấn đề này, sau sinh lần đầu, mẹ có thể tập luyện thể thao để phục hồi cơ bắp và giúp các cơ bụng chặt chẽ, nhỏ hơn hơn.
Quá trình mang thai có thể làm kéo dài các cơ bụng mẹ để bé phát triển và những cơ này không thể phục hồi hoàn toàn sau sinh. (ảnh minh họa)
Lượng nước ối
Lượng nước ối trong tử cung mẹ cũng có thể dao động, thay đổi theo mỗi giờ. Trong 20 tuần đầu, hầu hết nước ối được sản xuất từ cơ thể mẹ nhưng vào những tháng cuối thai kỳ, lượng nước này chủ yếu là các chất tiết ra của phổi và lượng nước tiểu.
Vì vậy, lượng nước ối trong bụng mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến hình dáng bụng bầu và kích thước bụng bầu cùng có thể thay đổi trong ngày theo lượng nước ối.
Di truyền
Di truyền đóng vai trò quan trọng với kích thước thai nhi. Nếu cả hai bố mẹ đều cao thì sau này các em bé cũng thường sẽ sở hữu chiều cao lý tưởng còn nếu bố mẹ có chiều cao bình thường thì có nhiều khả năng bé cũng sẽ nhỏ nhắn. Vì vậy hình dáng bụng bầu to hay bé không liên quan nhiều đến cân nặng, chiều dài của thai nhi khi chào đời.
Và mỗi mẹ bầu cũng có kích thước, hình dáng bụng bầu khác nhau nên chị em không nên so sánh bụng mình với người khác, nẩy sinh tâm lý lo lắng vì sợ em bé trong bụng mẹ không phát triển tốt. Nếu mẹ vẫn kiểm tra sức khỏe thai kỳ bình thường theo lịch định kỳ thì không cần quá quan tâm đến kích thước bụng bầu.