Quá trình mang thai diễn ra như thế nào?

Ngày 28/08/2018 18:58 PM (GMT+7)

Để giúp các mẹ hình dung cụ thể hơn về quá trình mang thai, Thạc sỹ, bác sỹ Trịnh Thị Thúy sẽ chia sẻ một số kiến thức về sự phát triển của em bé thông qua bài viết dưới đây.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 1

Tác giả bài viết: Thạc sỹ, Bác sỹ Trịnh Thị Thúy - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 2

Thạc sỹ, Bác sỹ Trịnh Thị Thúy - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Mỗi con người là một cá thể duy nhất với một bản chất di truyền riêng biệt, được tạo ra từ noãn của mẹ và tinh trùng của cha.

Quá trình hình thành con người từ một tế bào nhỏ phát triển thành một đứa trẻ biết thở, biết cử động, biết vui, biết buồn....là cả một hành trình kỳ diệu.

1. Quá trình hình thành thai

- Quá trình thụ tinh của trứng

Sự thụ tinh là sự kết hợp giữa một giao tử đực (tinh trùng) và một giao tử cái (noãn) để hình thành một tế bào mới gọi là trứng được thụ tinh (hợp tử). Sự thụ thai là sự thụ tinh kèm theo sau đó là sự làm tổ của trứng. Sau khi làm tổ, trứng phát triển thành thai và các phần phụ của thai (bánh rau, dây rau, và nước ối).

Với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày, hiện tượng phóng noãn sẽ diễn ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh. Xung quanh thời điểm rụng trứng, các tua của loa vòi tử cung tăng nhu động, liên tục quét trên bề mặt của buồng trứng.

Noãn sau khi được phóng, bị hút về phía loa vòi tử cung và bị cầm giữ bởi các tua vòi, nhu động của vòi tử cung giúp noãn di chuyển nhanh chóng vào 1/3 ngoài vòi tử cung (nơi tiếp giáp giữa đoạn eo và đoạn bóng vòi tử cung) và đợi tinh trùng đến thụ tinh. Noãn chỉ có thể thụ tinh được trong vòng 24h sau khi được phóng.

Tinh trùng được sản sinh trong ống sinh tinh. Ra khỏi ống sinh tinh, tinh trùng có hình dạng cố định nhưng chưa di động, chưa thụ tinh được, chúng chỉ có khả năng trên sau khi đi qua ống mào tinh.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 3

Tinh trùng được sản sinh trong ống sinh tinh. (Ảnh minh họa)

Khi giao hợp, có khoảng 200 triệu tinh trùng được trộn với tinh tương tạo thành tinh dịch được phóng vào trong âm đạo. Ngay sau khi được phóng vào âm đạo, tinh dịch sẽ bị đông vón trong khoảng thời gian 30-60 phút và cầm tù tinh trùng ở cùng đồ âm đạo.

Sau đó, dưới tác động của các men ly giải protein có trong tinh dịch, được hoạt hóa bởi pH acid của âm đạo, sẽ ly giải khối đông này và giải phóng các tinh trùng đang bị cầm giữ. Các tinh trùng di động nhất sẽ vượt qua rào chắn chất nhầy cổ tử cung, số còn lại sẽ bị hủy diệt trong môi trường pH acid của âm đạo.

Sau đó, tinh trùng tiếp tục vượt qua tử cung, qua lỗ vòi tử cung đến vòi tử cung. Trên đường di chuyển, một số lượng lớn tinh trùng bị giữ lại tại các tuyến niêm mạc tử cung hay lạc vào trong ổ bụng. Cuối cùng, chỉ còn vài trăm tinh trùng hiện diện tại địa điểm sảy ra hiện tượng thụ tinh.

Thời gian tinh trùng sống được trong đường sinh dục của người phụ nữ là khoảng 2-3 ngày. Nhưng tinh trùng thường mất khả năng thụ tinh trước khi mất khả năng di động. Chỉ một tinh trùng duy nhất có khả năng thâm nhập được qua màng trong suốt, gặp gỡ với màng bào tương của noãn bào để thực hiện quá trình thụ tinh.

Ngay sau khi tinh trùng xuyên qua màng trong suốt của noãn , một sự hoà hợp vỏ bọc noãn và vỏ bọc thân tinh trùng xảy ra, nhân tinh trùng hoàn toàn được đưa vào trong bào tương noãn, đuôi rời khỏi đầu và bị giữ lại bên ngoài màng trong suốt.

Tại vùng ngoài cùng của noãn, một phản ứng vỏ noãn sẽ ngăn chặn không cho một tinh trùng nào khác được lọt vào chất noãn. Nhân tinh trùng biến đổi trở thành tiền nhân đực, noãn cũng hoàn thành quá trình phân bào đang dang dở, tống xuất cực cầu thứ 2 ra khỏi chất noãn để trở thành tiền nhân cái.

Hai tiền nhân này tiếp tục phát triển riêng rẽ, sau đó xích lại gần nhau và hoà lẫn thành một sau khi cởi bỏ hoàn toàn màng bọc nhân để tạo thành hợp tử, như vậy bộ nhiễm sắc thể đặc trưng của loài đã được khôi phục và từ đây khởi động quá trình phân chia liên tục của trứng đã thụ tinh.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 4

Quá trình di chuyển và làm tổ của trứng đã thụ tinh. (Ảnh minh họa)

- Quá trình di chuyển và làm tổ của trứng đã thụ tinh

Hợp tử lưu lại khoảng 48 giờ trong đoạn bóng của vòi tử cung, tiếp tục phân bào để đạt được từ 2-8 tế bào (giai đoạn phôi dâu). Sau đó dưới tác dụng của hoạt động các nhung mao vòi tử cung, hoạt động của lớp cơ vòi tử cung và sự lưu thông của dịch vòi tử cung, trứng nhanh chóng vượt qua vòi tử cung về buồng tử cung.

Cuối cùng, sau 3-4 ngày từ khi thụ tinh, trứng đã về được buồng tử cung khi đang ở giai đoạn 8 – 16 tế bào và chuẩn bị cho quá trình làm tổ.

Sau khi vào đến buồng tử cung, trứng còn tự do khoảng 48 giờ rồi mới chìm vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ khi đã ở giai đoạn khoảng 50 tế bào (giai đoạn phôi nang).

Quá trình làm tổ bắt đầu vào khoảng ngày thứ 7 và hoàn thành vào ngày thứ 13-14 sau khi thụ tinh bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn định hướng của phôi nang giúp cúc phôi hướng về phía bề mặt niêm mạc tử cung, bám dính vào niêm mạc tử cung và sau đó là giai đoạn xâm nhập của phôi nang vào lớp niêm mạc tử cung.

Niêm mạc tử cung,dưới ảnh hưởng của progesterone và các yếu tố kích thích nội mạc mạch máu phát triển để đủ điều kiện để đón nhận hợp tử. Vị trí làm tổ thường ở mặt sau đáy tử cung, nhưng cũng có thể "lạc chỗ" gây nên hiện tượng chửa ngoài tử cung.

Kể từ giờ phút này, phôi thai phát triển phụ thuộc vào cơ thể mẹ: hoàng thể chu kỳ trở thành hoàng thể thai kỳ dưới tác dụng kích hoạt của βhCG, đảm nhận duy trì thai kỳ cho đến khi nhau thai có thể đảm nhận nhiệm vụ chế tiết progesteron.

2. Quá trình phát triển của thai

- Tháng đầu tiên

Diễn ra quá trình thụ tinh, di chuyển và làm tổ của trứng đã thụ tinh như đã mô tả ở trên. Sự phát triển bình thường đòi hỏi sự hiện diện của 2 bộ NST của bố và mẹ mà vai trò không giống nhau. Bộ NST của bố sẽ cần thiết cho sự phát triển các phần phụ và bộ NST mẹ cần cho sự phát triển của cúc phôi.

Cúc phôi sẽ phát triển thành lá thai trong: nguồn gốc của hệ tuần tiêu hóa và hệ hô hấp và lá ngoài: nguồn gốc của da và hệ thần kinh. Ở giai đoạn này các mẹ vẫn chưa có gì nhiều để quan sát ít nhất là bằng mắt thường nhưng nếu có thể đặt những tế bào đang sinh sôi nảy nở kia dưới kính hiển vi, mẹ sẽ kinh ngạc khi thấy sự thay đổi đang diễn ra từng chút một.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 5

Quá trình làm tổ của thai nhi. (Ảnh minh họa)

- Tháng thứ 2

Bước vào tháng thứ 2, giữa lá thai ngoài và lá thai trong, xuất hiện thêm lá thai giữa là nguồn gốc của hẹ tuàn hoàn, hệ tiết niệu, mô cơ, xương và mô liên kết. Ở phôi thai phân biệt thành 3 vùng: vùng trước là đầu, vùng giữa nhô ra để trở thành bụng, lưng có rãnh thần kinh, vùng sau là phần đuôi và có mạng lưới thần kinh.

Tim được hình thành, những nhịp đập đầu tiên của tim bắt đầu ở tuần thứ 6. Não được chia làm 2 bán cầu. Cuối thời kỳ phôi, phần đầu phôi đã có phác hình của mắt, mũi, miệng, tai , mầm chi xuất hiện và ngày càng rõ nét. Hình hài của con chẳng khác gì một chú nòng nọc. Tuy nhiên các mẹ đừng sợ hãi, bé vẫn ổn và đang trên hành trình để trở thành hình thù một đứa trẻ.

Tháng thứ 2 thai kỳ, nhiều mẹ sẽ bị ốm nghén, song giai đoạn nghén không kéo dài. Thực tế ốm nghén là một dấu hiệu đáng mừng vì nó cho thấy thai kỳ đang bình thường và các tế bào lá nuôi đang làm tốt nhiệm vụ tiết ra hormon thai nghén của chúng. Từ tuần thứ 8 giai đoạn phôi thai chấm dứt và chuyển sang giai đoạn thai nhi.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 6

Những nhịp đập đầu tiên của tim bắt đầu ở tuần thứ 6. (Ảnh minh họa)

- Tháng thứ 3

Sang tuần thứ 9, thai nhi bước vào thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức, thận, não, ruột gan đã bắt đầu hoạt động, ngón tay, ngón chân đã rõ ràng và tách rời ra khỏi lớp màng, hệ tiêu hóa cũng như hệ thần kinh bắt đầu phát triển.

Tuần thứ 10, thai nhi có những cử động đầu tiên.

Tuần 11, thận bắt đầu bài tiết nước tiểu, các tế bào thần kinh phát triển rất nhanh, khuôn mặt của thai bắt đầu được định hình

Ở tuần thứ 12, thai đã có gần như đầy đủ các bộ phận, các phản xạ được hình thành, ruột phát triển nhanh và được xếp vào trong khoang bụng, cổ hình thành rõ rệt khiến đầu và thân trông không còn có vẻ như dính vào nhau, đó là cơ sở của việc siêu âm đo độ mờ da gáy đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down của thai. Bắt đầu từ tuần này, việc cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào bánh rau. Hiện tượng ốm nghén của mẹ đã giảm và mất dần.

- Tháng thứ 4

Bắt đầu tháng thứ tư, mắt mũi nằm ở vị trí cân đối so với đầu, khuôn mặt đã gần giống với lúc trẻ chào đời. Lông tơ bao phủ khắp thân và sẽ rụng đi sau khi sinh, gan bắt đầu tạo mật, lách bắt đầu quá trình tạo tế máu, mí mắt còn khép chặt nhưng bé đã có phản xạ với ánh sáng, vị giác đã hình thành, từ tuần 14 bộ phận sinh dục cảu bé đã được nhận biết rõ rệt qua siêu âm.

Thai huy động can xi đẻ phát triển hệ xương, mầm răng đầu tiên xuất hiện từ tuần 15, móng tay, móng chân hình thành ở tuần 16, các tuyến mồ hôi bắt đầu phát triển. Ở tuổi thai này bé bắt đầu cử động nhiều hơn, nhất là vào ban đêm và sau bữa ăn. Các bà mẹ mang thai từ lần 2 trở đi đã bắt đầu có thể cảm nhận được chuyển động của thai trong bụng ở cuối tuần 16.

- Tháng thứ 5

Trong tháng thứ 5, bé con sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, các dây thần kinh được một lớp mỡ bao bọc gọi là màng bọc myelin.

Các cử động thai nhiều và rõ rệt hơn, các bà mẹ con so cũng đã có thể cảm nhận được thai máy ở tuần 18, cơ quan thính giác bắt đầu hoạt động, tóc bắt đầu mọc, chất gây được tạo ra để bảo vệ da bé, phân su được tạo ra trong ruột, lông mày, mi mắt xuất hiện, âm đạo của bé gái được hình thành ở tuần 20.

Đến thời điểm này có thể mẹ đã tăng thêm khoảng 4 – 5 kg. Ngực đã bắt đầu tiết sữa non.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 7

Trong tháng thứ 5 - 6, bé con sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. (Ảnh minh họa)

- Tháng thứ 6

ở tuần 21 em bé đã nặng khoảng 450 gram. Những chồi răng đã xuất hiện dưới lợi. Từ giờ, tai của bé nhạy cảm hơn với âm thanh, bé sẽ giật mình để phản ứng lại khi có tiếng ồn, vì vậy mẹ phải chú ý không để môi trường xung quanh ảnh hưởng đến con yêu của mình.

Cũng từ tháng này trở đi bé bắt đầu nhận diện âm thanh từ giọng nói của mẹ và môi trường xung quanh, da thai còn nhăn và được bao bọc bởi chất gây, tuần 24 phổi bắt đầu tiết chất surfactant giúp các phế nang không bị xẹp khi trẻ ra đời.

- Tháng thứ 7

Tháng thứ 7, bé có thể nhắm mở mắt và nhận biết ánh sáng thay đổi, da thai bớt nhăn do nhiều mỡ dưới da, xuất hiện móng tay, móng chân. Nếu là bé trai, tinh hoàn đã bắt đầu di chuyển xuống bìu. Trong tháng này, các tế bào não tăng lên, lông mi, chân mày và tóc mai cũng xuất hiện.

Các cơ quan của bé đã phát triển hoàn chỉnh nhưng phổi chưa trưởng thành nên bé chưa thể sống độc lập ngoài môi trường được, tuy nhiên những tiến bộ y học hiện đại đã có thể giúp những đứa trẻ chào đời vào thời điểm này sống sót.

Mẹ bắt đầu xuất hiện những cơn co tử cung nhẹ và thoáng qua, không gây đau bụng, đó là những cơn co tử cung sinh lý.

- Tháng thứ 8

Tuần 32 bé nặng khoảng 1700 - 1800g. Não của bé trước đây vốn khá phẳng, giờ đã xuất hiện các nếp nhăn, đó chính là phần dùng để tư duy.

Bé cũng bắt đầu gặp mộng mị và học được cách mở mắt khi thức, nhắm mắt khi ngủ. Bé bắt đầu quay đầu xuống dưới để chuẩn bị cho việc ra đời. Tử cung dần trở nên chật chội nên bé không còn đạp nhiều như lúc trước.

Quá trình mang thai diễn ra như thế nào? - 8

Sự phát triển của thai nhi từ tuần thai thứ 4 đến 40. (Ảnh minh họa)

- Tháng thứ 9

Tuần 36 thai đã nặng 2800g và tiếp tục tăng nhanh về cân nặng, bé tiếp tục tích thêm lớp mỡ dưới da để kiểm soát thân nhiệt sau khi ra đời. Lúc chào đời bé đã nặng khoảng 3000g – 3500g. Phổi của thai đã trưởng thành, nếu ra đời, trẻ đã có thể tự hô hấp được.

Ở những tuần cuối cùng của thời kỳ thai nghén, cơ thể mẹ và bé sẽ có những thay đổi để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chuyển dạ.

Ở “phút thứ 89” này, việc đi khám hàng tuần sẽ giúp mẹ nhận thức rõ đã đến gần ngày sinh chưa.

Việc các mẹ cần làm ở thời gian này chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thạt tốt để “vượt cạn” thật an toàn.

Lịch tiêm phòng cho mẹ bầu trong quá trình mang thai
Trong quá trình mang thai, các mẹ bầu không chỉ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, mẹ bầu cũng cần phải tham khảo, nắm rõ lịch tiêm phòng trong mỗi giai đoạn thai kỳ để cả mẹ và bé tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ths, Bs Trịnh Thị Thúy - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi