Thứ rau này rất nhiều người nhầm lẫn với rau ngót, ngày xưa mọc hoang dại chẳng ai thèm hái ăn nhưng hiện tại được săn lùng như rau quý, rất bổ dưỡng.
Rau chùm ngây tốt như thế nào mà được coi là rau quý?
Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera, được biết đến và sử dụng hàng ngàn năm nay ở Hi Lạp, Ấn Độ, Ý. Hiện nay có khoảng 80 quốc gia trên thế giới trồng chùm ngây làm rau ăn.
Trước kia, chùm ngây vốn là cây mọc hoang, nhưng gần đây nhiều người rỉ tai nhau về giá trị dinh dưỡng cao của nó nên tìm mua để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Thậm chí có những nơi bán với giá khá cao từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/kg.
Cùng trọng lượng, lá và hoa của chùm ngây có nhiều vitamin C hơn trái cam bảy lần, gấp 4 lần chất canxi và 2 lần protein có trong sữa, giàu vitamin A hơn cà rốt 4 lần, nhiều sắt hơn rau dấp cá 3 lần và hàm lượng K của chùm ngây gấp hơn 3 lần hàm lượng K trong trái chuối.
Rau chùm ngây có giá trị dinh dưỡng cao.
Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn là dược liệu quý chữa bệnh. Các bộ phận của cây chưa nhiều khoáng chất quan trọng và là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin, Beta – carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics...
Ví dụ như rễ cây chùm ngây chống co giật, chống sưng, lợi tiểu, giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate. Ngoài ra khi lấy rễ chùm ngây sắc nước uống có thể trị đau răng, đau tai, trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách...
Vỏ thân cây chùm ngây trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng... Lá cây giã nát đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ. Hạt cây chùm ngây thì điều trị phong thấp, trị táo bón, mụn cóc và giun sán...
Chùm ngây tốt nhưng tại sao phụ nữ chuẩn bị mang thai và bà bầu không nên ăn?
Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu tăng cao, đặc biệt là canxi để giúp phát triển hệ xương của thai nhi. Mặc dù rau chùm ngây có lượng canxi gấp 4 lần sữa nhưng lại được bác sĩ khuyến cáo không nên thêm vào thực đơn của mẹ bầu. Bởi vì trong rau chùm ngây có chất alpha – sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Phụ nữ có thai giai đoạn đầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ.
Khi bạn có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Vì thế các nhà khoa học nhắc nhở “phụ nữ có thai không được ăn rau chùm ngây”.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai được khuyến cáo không nên ăn rau chùm ngây.
Ở một số tộc người trên thế giới, chẳng hạn như tại vùng Tây Bengal (Ấn Độ), rễ cây chùm ngây được sử dụng như một vị thuốc để tránh thai. Trong chùm ngây có chứa alpha-sitosterol, một chất giúp ngừa thai bằng cách khiến cho trứng đã thụ tinh không thể bám vào thành tử cung để làm tổ, vì vậy chị em đang mong muốn có con cũng không nên ăn rau chùm ngây.
Hiện nay các nhà khoa học mới chỉ tìm ra tác dụng làm sảy thai của rễ cây, đồng thời tìm thấy thành phần alpha-sitosterol ở hoa và vỏ cây chùm ngây. Tuy vậy, các mẹ bầu vẫn nên tránh sử dụng loại rau này trong thai kỳ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.