Sau sinh bao lâu có thể "đặt vòng"?

Ngày 24/03/2014 12:57 PM (GMT+7)

Đặt vòng tránh thai không thể tùy tiện vì đây là loại dụng cụ khá "kén" người dùng.

Theo số liệu thông kê, hàng năm có khoảng 38% số người mang thai ngoài ý muốn – xấp xỉ 80 triệu người mỗi năm và có khoảng 42 triệu ca nạo phá thai trên toàn thế giới (số liệu từ Wikipedia). Phải thừa nhận đa số những trường hợp này đều là những người thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai cần thiết nhất và hầu hết họ đều thuộc độ tuổi vị thành niên hoặc những người vừa mới sinh nở, chủ quan với các biện pháp tránh thai.

Việc áp dụng những biện pháp tránh thai ở những thời điểm này là vô cùng cần thiết, tuy nhiên chọn biện pháp phù hợp với từng người không phải là dễ. Để chọn được biện pháp phù hợp, các mẹ cần có kiến thức đầy đủ về từng phương pháp tránh thai, đi khám sức khỏe sinh sản và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai như uống thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai, cấy que tránh thai, sử dụng bao cao su... Mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm khác nhau. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về chi tiết từng biện pháp. Hy vọng sẽ cung cấp đủ kiến thức để các mẹ chọn được cánh tránh thai ưu việt nhất.

Tham khảo Phần 1: 9 phương pháp tránh thai hiệu quả nhất tại đây

Kỳ 1: 9 phương pháp tránh thai hiệu quả nhất

KỲ 2: Vòng tránh thai

Việc sử dụng vòng tránh thai là một biện pháp tránh thai khá phổ biến và tiện dụng. Điểm đặc biệt về phương pháp này được nhiều người lựa chọn là vì chúng mang lại hiệu quả tránh thai cao (tới 99%). Tuy nhiên, việc đặt vòng tránh thai không thể tùy tiện mà phải tuân theo chỉ dẫn của các bác sỹ sản - phụ khoa.

Tìm hiểu về vòng tránh thai

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là “vòng” vì mấy chục năm trước người ta dùng loại có hình tròn như cái nhẫn. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều loại vòng với hình dáng khác nhau như vòng chữ S, chữ T... Thông dụng nhất hiện nay phải kể đến vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2 - 3 cm, giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.

Đặt vòng tránh thai có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng cũng như ngăn trứng làm tổ trong tử cung để phát triển thành bào thai.

Sau sinh bao lâu có thể quot;đặt vòngquot;? - 1

Hai loại vòng tránh thai phổ biến nhất.

Ưu điểm

Hiệu quả tránh thai cao đến 99%

Lợi ích của vòng tránh thai là có hiệu quả tránh thai với tỷ lệ rất cao, hiệu quả này có thể đạt được ngay sau khi đặt vòng hoặc cũng có thể kéo dài tới 5 năm. Dụng cụ tương đối bền, thoải mái, dễ sử dụng và không tốn kém.

Giảm nguy cơ mắc bệnh

Ngoài ra, vòng tránh thai còn có những ưu điểm rõ rệt, như làm giảm lượng máu mất khi hành kinh, giảm đau bụng kinh, giảm xuất hiện và phát triển u xơ tử cung - một hiệu quả có được nhờ tác dụng của progesterone, giảm nguy cơ viêm vùng chậu...

Không ảnh hưởng đến chuyện vợ chồng

Phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng trước đây và kể cả hiện nay được rất nhiều phụ nữ lựa chọn, không giống như những phương pháp tránh thai khác, đặt vòng không ảnh hưởng gì đến quá trình giao hợp giữa vợ và chồng.

Nhược điểm

Tuy có những lợi ích thiết thực nhưng, không phải ai cũng có thể sử dụng biện pháp này, đặc biệt nếu sử dụng không đúng cách, không theo hướng dẫn rất có thể sẽ gây họa cho người phụ nữ.

Dễ viêm nhiễm

Nhược điểm lớn nhất của vòng tránh thai là nguy cơ viêm vùng chậu, hiếm muộn, thai ngoài tử cung và tụt vòng.

Theo những nghiên cứu gần đây, với việc sử dụng vòng tránh thai hiện đại, thao tác vô trùng, nguy cơ viêm vùng chậu là rất thấp (nếu đặt vòng tránh thai đúng kỹ thuật, tỷ lệ tụt vòng trong 6 tháng đầu chỉ khoảng 3%), chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang mắc các bệnh này ở thời điểm đặt vòng tránh thai. Điều này sẽ được giảm thiểu nhờ việc sàng lọc đối tượng thích hợp.

Mặc dù vòng tránh thai có tác dụng tốt để ngăn cản thai trong tử cung, nhưng nếu một người đang đặt vòng tránh thai mà mang thai thì khả năng thai ngoài tử cung sẽ cao hơn so với người không áp dụng biện pháp tránh thai nào.

Sau sinh bao lâu có thể quot;đặt vòngquot;? - 2
Hình ảnh vòng tránh thai được đặt trong tử cung.

Thủng tử cung

Ngoài ra, những chị em đặt vòng tránh thai, nếu để quá lâu so với thời hạn quy định của bác sĩ và nhà sản xuất thì sẽ có những nguy cơ như: vòng gãy và xuyên thủng cơ tử cung, nguy cơ dính thai, vì hiệu quả tránh thai của vòng hết hạn sẽ giảm đi hoặc không còn.

Phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai thấy đau bụng ngày càng nhiều, cảm giác đau nhói khi ấn vào bụng dưới, ra huyết âm đạo nhiều và kéo dài. Ngoài ra kèm theo các dấu hiệu khác như: sốt, tiểu gắt buốt, khi quan hện thấy đau … thì cần đến bác sĩ khám và kiểm tra ngay.

Lưu ý khi đặt vòng tránh thai

Trước khi đặt vòng, bạn cần được khám phụ khoa để nếu có viêm nhiễm thì chữa khỏi trước. Nếu trong thời gian mang vòng mà thấy có triệu trứng viêm nhiễm như dịch âm đạo vàng, xanh, ra nhiều, mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị. Khi điều trị, cán bộ y tế có thể tạm tháo vòng, trong thời gian đó, bạn hãy sử dụng một biện pháp tránh thai khác.

Sau sinh bao lâu có thể quot;đặt vòngquot;? - 3
Vòng tránh thai mang lại hiệu quả tránh thai cao tới 99%. (ảnh minh họa)

Ai TUYỆT ĐỐI không được đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp hiệu quả nhưng lại rất “kén” người sử dụng, nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp sau thì nên lựa chọn một cách thức tránh thai khác:

- Nghi ngờ có thai.

- Sau phá thai nhiễm trùng.

- Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây.

- Viêm cổ tử cung.

- Bệnh lý ác tính đường sinh dục.

- Dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung

- Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.

- Đối với dụng cụ tử cung phóng thích nội tiết, chống chỉ định trong trường hợp ung thư vú.

Đặc biệt, các bác sỹ thường không muốn đặt vòng cho người chưa có con vì viêm âm đạo là một bệnh khá phổ biến. Họ sợ bạn không may bị các vi khuẩn gây viêm lan lên ống dẫn trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đặt vòng dưới sự theo dõi cẩn thận của bác sỹ.

Sau sinh bao lâu thì có thể đặt vòng tránh thai?

Thời điểm đặt vòng tránh thai lý tưởng nhất là vào ngày thứ 3 hoặc 4 của kỳ đèn đỏ. Các mẹ cần lưu ý không nên đặt vòng tránh thai ngay sau sinh nở. Hãy chờ cho tử cung được hồi phục và trở lại kích thước bình thường. Nếu không, khi cổ tử cung còn mở hoặc giãn rộng thì vòng tránh thai có thể bị rơi ra ngoài. Nên đặt vòng tránh thai trong khoảng 2-3 tháng sau sinh (lâu hơn càng tốt). Nếu sinh mổ, nên chờ 6 tháng mới đặt.

Để tìm hiểu thêm về các biện pháp tránh thai, mời các mẹ tiếp tục đón đọc các kỳ sau:

Kỳ 3: Thuốc tránh thai

Kỳ 4: Miếng dán tránh thai

Kỳ 5: Thuốc tiêm tránh thai

Kỳ 6: Que cấy tránh thai

Kỳ 7: Bao cao su

Kỳ 8: Thắt ống dẫn tinh

Kỳ 9: Triệt sản

Kỳ 10: Cho con bú vô kinh

Mời các mẹ đón đọc vào 10h00 thứ 2 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của website Eva.vn.

Thái Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tránh thai