Trầm cảm sau sinh có thể khiến mẹ chán ghét đứa con do chính mình sinh ra.
Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân như: sự thay đổi về mặt hóa học trong cơ thể, thay đổi về lối sống và các mối quan hệ của phụ nữ sau sinh... dẫn đến các biểu hiện tâm lý tiêu cực như chán ghét trẻ con. Cùng nghe chia sẻ của chị Jennifer Craven (Mỹ) để biết thêm về chứng bệnh ‘khó hiểu’ này.
"Đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong đời tôi: tôi bước vào phòng, nghe thấy tiếng con gái mình khóc, nhưng thay vì đi tới dỗ dành bé, tôi chỉ ngồi xuống, không nói gì, không làm gì và cũng không hề cảm thấy gì. Tôi cảm thấy hoàn toàn trống rỗng. Tôi đã khóc và tự hỏi mình rằng “Mình bị làm sao thế này?”.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích chơi cùng trẻ con. Tôi luôn hăng hái xung phong trông con cho các cô, các dì. Những lúc như thế, mọi người trong gia đình tôi thường nói: “Nhìn con bé kìa, sau này làm mẹ nhất định là khéo lắm đây!”. Tôi tin rằng ai trong đời cũng sẽ có một giấc mơ cháy bỏng của riêng mình, với tôi giấc mơ ấy chính là được làm mẹ. Cứ như thế, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi kết hôn với người yêu thời trung học của mình. Rất nhanh sau đó, tôi đã hân hoan trong niềm vui chuẩn bị làm mẹ.
Mang thai là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi. Mọi người thường nói tôi may mắn khi mang thai rất ‘nhẹ nhàng’, bởi tôi không bị ốm nghén và cũng không tăng cân nhiều. Tôi luôn nhớ cảm giác hạnh phúc của mình khi cảm nhận được bé di chuyển trong bụng mình khi ấy. Kết hôn, rồi mang thai, tất cả đều diễn ra như tôi mong đợi, tôi hạnh phúc mong chờ ngày mình chính thức được làm mẹ, được ẵm con gái bé nhỏ trên tay. Thế những, tôi đã không hề biết trước rằng tất cả những viễn cảnh hoàn hảo mà tôi vẽ ra cho mình ấy sẽ không trở thành hiện thực sau khi con tôi chào đời. Tôi bị mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Chán ghét trẻ con là biểu hiện thường gặp của chứng trầm cảm sau sinh. (ảnh minh họa)
Cảm giác trống rỗng và vô cảm đến rất nhanh và đột ngột, tôi cảm thấy như bất lực với chính bản thân. Ngay trong tuần đầu sau khi sinh, tôi đã cảm thấy có gì đó không đúng. Thay vì đắm chìm trong niềm hạnh phúc lần đầu tiên được làm mẹ, tôi lại không muốn gần gũi với con gái mình. Tôi thực sự không cảm thấy yêu thích con gái như tôi vẫn luôn tưởng tượng. Khi con khóc, tôi không muốn dỗ dành. Tôi hoàn toàn không muốn chăm sóc nó. Tôi thậm chí còn cảm thấy bực bội với sự có mặt này của con gái mình và nghĩ tới cuộc sống trước khi có con. Tôi còn nghĩ: “Có lẽ sinh con là một sai lầm lớn”.
Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn cố gắng tỏ ra là một người mẹ mới sinh bình thường trước mọi người. Thế nhưng, không ai hiểu được rằng cảm giác tội lỗi là bối rối đang dày vò tôi ngay lúc ấy. Tôi luôn tự hỏi tại sai tôi lại có thể không yêu quý đứa con mà mình đã trông ngóng từng ngày để được ẵm trên tay. Tôi đã luôn mong được làm mẹ nhiều hơn bất cứ điều gì cơ mà? Tôi đã từng nghe tới chứng trầm cảm sau sinh, nhưng cho rằng mình không thể nào lại bị như thế. Tôi không hề thấy triệu chứng gì biểu hiện trước đây, thậm chí chưa từng nghĩ tới trong suốt 9 tháng mang thai.
Sự xấu hổ và lo lắng đã khiến tôi trở nên gần như luôn im lặng. Dù đã cố gắng che dấu và trốn tránh, nhưng cuối cùng vẫn là em họ tôi đã thấy những biểu hiện lạ của tôi. Em tôi đã hỏi: “Chị chắc chắn đang gặp chuyện gì lo lắng phải không, nói em nghe, biết đâu em có thể giúp chị”. Cảm thấy không thể gánh chịu việc này một mình được nữa, tôi đã khóc và nói với nó rằng tôi không hiểu tại sao mình lại không cảm thấy yêu con gái?
Sau khi biết chuyện, mọi người trong gia đình đã luôn bên cạnh tôi, giúp tôi cân bằng về thể chất, tinh thần cũng như tình cảm. Tuy nhiên ngay cả khi đã thành thực chia sẻ mọi suy nghĩ của mình với mọi người, cảm giác xấu hổ và lo lắng vẫn luôn đeo bám tôi. Chỉ khi tôi nói chuyện với bác sĩ, tôi mới hiểu được những biểu hiện của mình thực ra là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh, gây ra do sự mất cân bằng về mặt hóa học, ngoài ra con người hoàn toàn không có khả năng kiểm soát nó.
Bằng việc kết hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm với các liệu pháp nói chuyện tâm lý cổ điển, tôi đã dần dần thoát khỏi các triệu chứng bệnh. Chỉ trong một tháng, tôi đã thay đổi hoàn toàn trở thành một bà mẹ ‘đầy đủ cảm xúc’.
Khi ngày sinh con thứ hai của tôi gần đến, tôi đã rất lo mình có thể sẽ lại mắc chứng trầm cảm thêm một lần nữa. Tôi cho rằng do mình đã mắc một lần, thì nó sẽ dễ dàng quay lại. Nhưng không, con gái thứ hai của tôi đã chào đời trong niềm hạnh phúc hân hoan của mẹ bé. Biết rằng chứng trầm cảm không nằm trong tầm kiểm soát của con người nhưng tôi luôn cảm thấy không công bằng của mình cho con gái đầu của mình. Tôi có thể đã bỏ lỡ vài tuần đầu tiên bên con gái đầu của mình nhưng tôi luôn cố gắng bù đắp lại cho con bé sau này.
Có rất nhiều những cuốn sách nói về việc nên chuẩn bị trước khi sinh, nhưng lại có rất ít thông tin về những thay đổi tiêu cực về mặt tâm lý do việc sinh con mang lại. Khi còn đang vật lộn với chứng bệnh trầm cảm, tôi luôn cảm thấy như mình không thể nói với ai và cũng không ai có thể hiểu được cảm giác khủng khiếp mà tôi đang phải trải qua. Nhưng sau này, khi đã trở lại bình thường, qua tìm hiểu thì thực tế tôi biết cũng có một số bạn bè từng trải qua những cảm giác tương tự. Theo thống kê khoa học, có tới 16% phụ nữ chịu ảnh hưởng của chứng trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, tại sao không nhiều phụ nữ chia sẻ về vấn đề này?
Tôi hy vọng thông qua câu chuyện của mình, các bà mẹ tương lai sẽ hiểu hơn về chứng bệnh tâm lý khó nói này và có thể chữa trị kịp thời trong trường hợp không may mắc phải. Đừng ngần ngại chia sẻ câu chuyện của bản thân bạn, bởi có thể kinh nghiệm đó sẽ giúp được nhiều người hơn bạn nghĩ đấy."