Yumi Dương đã trải qua ca sinh khá vất vả vì cổ tử cung mở chậm và khung xương chậu nhỏ.
Gần 2 tuần sau khi hạ sinh con đầu lòng cho chồng Việt Kiều, Yumi Dương mới đây đã chia sẻ lại hành trình sinh con đầy vất vả của mình. Vì quyết tâm sinh thường nên nữ MC đã phải chịu đau đớn hàng chục tiếng đồng hồ trong trạng thái căng thẳng, đói khát, kiệt sức và sốt cao.
Yumi Dương mang bầu 40 tuần 4 ngày, tăng tổng cộng 11kg. Khi đến những ngày cuối thai kỳ, cô đã rất mong sinh nhưng em bé vẫn "ở lì" trong bụng mẹ. Khi có cơn đau nhẹ, nữ MC đi khám thì được thông báo bé đã vào vị trí nhưng cổ tử cung lại vẫn đóng chặt nên chưa sinh được.
Yumi Dương sinh con đầu lòng hôm 22/10 vừa qua.
Sau đó, cô được bác sĩ nong cổ tử cung và cho về. Với mong muốn cổ tử cung mở nhanh, Yumi Dương về nhà đi bộ liên tục. Khi thấy cơn đau dồn dập thêm và ra máu, cô lại nhập viện nhưng kết quả bác sĩ vẫn cho về vì chưa sinh được.
"Đến sáng ngày 21/10, mình lại chạy qua gặp bác sĩ xem sao rồi. Lần này vẫn chọt để nong cổ tử cung nhưng so với lần chọt trước thì đau hơn nhiều, máu ra lênh láng. Chọt xong bác sĩ cho mình nhập viện luôn.
Xuống đến nơi thì mình lại vào chiếc phòng đo cơn gò hôm nọ tiếp, lần này các cô cho mình thay đồ luôn chắc có vẻ sẽ sinh hôm nay rồi. Mình nằm đó đo thì Ái hêu nó gò nhiều lắm gò như kiểu ok tôi ra đây đừng hối nữa. Nằm ở đó từ 10:30-11:45 thì mình được đưa vào phòng sinh - trời ơi là phòng sinh nghĩa là phòng này là trạm cuối rồi, mình sẽ sinh ở căn phòng này đấy.
Lúc này thay vì sợ hãi thì những cơn đau vẫn liên tục dập tới, cứ đều đặn 5 phút một lần đau đến nỗi không muốn nghĩ gì chỉ muốn tập trung nằm hít thở và nghĩ xem khi nào đỡ đau. Lúc này chồng mình vẫn chưa được vào phòng vì đi thay đồ rồi sát trùng tay chân các kiểu. Nằm một mình trong căn phòng to, rồi cô y tá đi vào truyền nước biển - cái nước gì ấy mà làm mình đau hơn gấp đôi khi nó đưa vào", Yumi Dương chia sẻ.
Dù đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh thường nhưng khả năng phải mổ của cô vẫn cao vì cổ tử cung chỉ mở 1,5cm, cơn gò thất thường và nước ối không vỡ. Tuy vậy, thấy cô quyết tâm sinh thường nên bác sĩ cho biết sẽ cố gắng kiên nhẫn và giúp đỡ hết sức. Và đến khi cơn đau rút ngắn còn 3 phút/lần, Yumi Dương quằn quại nằm trên giường thì em bé bỗng dưng... im ắng.
Nữ MC chịu nhiều đau đớn khi sinh vì cổ tử cung mở chậm.
Nữ MC kể tiếp: "Mình vẫn thế vẫn toát mồ hôi, xây xẩm, không kêu la nửa lời nhưng chồng biết mình đau nhiều vì chỉ nhìn thấy mình im lặng nhưng nước mắt chảy dài hai bên má, tay nắm chặt thành giường và bắt đầu kiệt sức vì đau, đói và cả khát nước. Vì vẫn còn nguy cơ đi mổ nên ekip vẫn không thể cho mình ăn gì để lấy sức mà chống chọi với cơn đau và co thắt vùng bụng dưới. Nói đúng hơn, mình có khả nănng mổ cao đó.
Khoảng 2:00 chiều vậy là đau đớn đỉnh điểm như này đã kéo dài gần 6 tiếng. Cô y tá vẫn ra vào truyền thêm nước và theo dõi cơn gò, check cổ tử cung. Mọi thứ như một cuốn phim chậm mãi chưa đi đến nửa đoạn vì cổ tử cung vẫn chặt kín, mở được vỏn vẹn 2cm rồi nằm đó luôn trong khi cơn gò giảm , nước ối không vỡ và mình - sản phụ quằn quại thì đã nằm đây chịu cơn đau ấy 6 tiếng rồi. Cô y tá, bác sĩ cùng ekip vẫn kiên nhẫn với mẹ con mình lắm".
Cơn đau đẻ kéo dài cùng với việc không được ăn uống do có khả năng sinh mổ khiến Yumi Dương dần kiệt sức. Đến 2:45 chiều, ngưỡng chịu đựng đã hết giới hạn, khiến cô hụt hơi và ê ẩm toàn thân. Lúc này, y tá tiến hành bấm ối cho cô và chuẩn bị gây tê màng cứng.
"Thuốc tê vào, êm ái dễ chịu bớt đau thì mình nằm xuống, cảm nhận như đang bay lên đâu đó giữa chín tầng mây, dù rất đói và khát, kiệt quệ nhưng mình vẫn ngủ được vì cơn đau kéo dài từ 9:30 sáng đến giờ, ngủ để có sức một chút rặn, ngủ để tinh thần đỡ căng cứng và quan trọng nhất để cổ tử cung được mềm ra, nở thêm nhiều cm hơn.
5:00 chiều, mình dậy nhìn đồng hồ và thấy cơ thể đang nóng ran, hai mắt không mở nổi dù giấc ngủ cũng đã khá trọn vẹn rồi. Vừa lúc đó cô y tá vào check xem mở được mấy cm, cô vừa đưa tay vào tử cung đã nói là “ôi em sốt rồi, sốt khá cao đó để chị đo nhiệt độ“ téng tèng 40 độ, mà đang trên bàn đẻ mà sốt thì cũng xin gọi là ăn trọn.
Mình thấy cả người sắp bốc cháy vì nóng. Cô bảo mình sốt do kiệt sức mất nước, đói ... nhưng làm sao giờ vì mình vẫn có khả năng đi mổ thì ăn uống kiểu gì, uống vào dễ ói ra vì đang truyền đủ thứ trên tay. Thế là chịu đựng như vậy thêm tầm 2 tiếng, trong hai tiếng sốt đó thì cứ 30 phút mình tự bấm nút điều chỉnh thuốc tê cho vào người. Đau thì không đau nữa nhưng thấy lả đi, hai chân lúc này tê liệt", người đẹp kể tiếp.
Con gái đầu lòng của Yumi Dương chào đời bằng phương pháp sinh thường.
Đến 7 giờ tối, mọi thứ có vẻ tiến triển tốt, tử cung đã mở đủ, em bé đã tụt xuống sẵn sàng và cơn sốt đang giảm dần. Yumi Dương nghĩ rằng ca sinh tiếp theo sẽ diễn ra thuận lợi. Vậy nhưng không ngờ, đúng lúc này thì y tá vào thông báo tình hình: "Mọi thứ ok lắm nhưng có một điều chị hơi lo là đầu bé đang to hơn xương chậu của em, nếu em không rặn tốt và đúng cách và mạnh thật mạnh thì em bé không ra được em à. Mà nếu em không rặn được thì cuối cùng vẫn phải mổ đó".
Câu nói như sét đánh ngang tai với bà mẹ đã chịu đau đớn suốt mấy ngày và quằn quại từ sáng đến tôi vì không muốn sinh mổ. Nghe những lời y tá nói, cô chỉ biết tự động viên bản thân và trả lời: "Dạ em vẫn mong muốn và cố gắng nhất để sinh thường chị, em tin bác sĩ, bác nói sao em sẽ theo".
Đến 7h40, bác sĩ vào phòng sinh và động viên Yumi Dương hãy cố gắng hết sức, rặn đúng và rặn mạnh thì mọi chuyện sẽ ổn.
Cô nhớ lại: "Mọi thứ sẵn sàng, mình chuẩn bị đợi cơn gò rồi rặn, tất cả những gì trong đầu mình lúc này là các bài thở tập yoga, lớp học tiền sản duy nhất của bác sĩ mà hai vợ chồng đã học, và còn lại là niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ làm được, tất cả là vậy.
Trong khoảng thời gian từ 7:50-8:10 là 20 phút mệt nhất trong suốt đoạn đường mang thai/ đau bụng/ chuyển dạ sinh con vì mình đã gần đến đích, mình rặn theo cơn gò và rặn mạnh đến nổi mạch máu trên mặt đã vỡ hết, rặn mạnh đến nỗi hai hàm răng cắn chặt vào nhau ê buốt tê tái, ví dụ người ta cần 100% sức để rặn thì mình chắc phải 150% vì cái vụ xương chậu cứ ám ảnh trong đầu, con mà không lọt đầu qua được thì con phải làm sao đây...Cố lên ! Ráng lên thôi mình sẽ làm được. Lúc rặn, mình rớt nước mắt mà không có tí cảm xúc nào, vì toàn bộ đầu óc đang lo hít thở và push. Dù không đau nhưng sao nước mắt cứ chảy. Đến đợt rặn thứ 3-4 gì đó, mình còn nhớ nếu đợt này không ra nữa thì chắc kiệt sức rồi, lấy hết hơi cuối thì èo một phát Ái Hêu ra rất nhanh, mình không kịp định hình khi thấy con phọt ra từ bên dưới, tóc rất nhiều, cảm giác như cả bầu trời xanh mây trắng đang hiện ra trước mặt, con được đặt lên người mình, nước mắt trào ra lúc này đã là nước mắt thật sự của niềm tự hào về chính bản thân, chồng đứng kế bên rưng rưng chắc sắp xỉu vì sợ".
Nhìn con chào đời khỏe mạnh, hồng hào, mọi đau đớn đều tan biến hết.
Nghe con cất tiếng khóc chào đời, nhìn con đỏ hỏn nằm trong lòng mình, bao đau đớn, vất vả trong suốt hơn 40 tuần thai và sau đó là ca sinh khó khăn đều tan biến hết. Yumi Dương cảm thấy nhẹ nhõm, an tâm và thoải mái đến lạ kỳ.
Chia sẻ câu chuyện đi sinh của mình, Yumi Dương hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho những bà mẹ sắp sinh khác. Cô động viên các mẹ bầu: "Hãy tin vào bản thân mình, tin vào cơ thể mình và sự kỳ diệu của việc làm mẹ, và điều đó sẽ giúp bạn có nhiều sức mạnh hơn để vượt qua những cơn đau, vượt qua suy nghĩ rằng “ mình không thể", hãy lạc quan, dù cho đến lúc không còn tia hy vọng nào vẫn luôn giữ một tinh thần tốt".