Sau khi xuất viện, chị Hương được y tá đến tận nhà chăm sóc trong suốt một tuần đầu.
Sống tại Hà Lan hơn 10 năm nay, đã trải nghiệm nhiều điều đáng nhớ ở đất nước của những cối xay gió khổng lồ nhưng với chị Trần Thu Hương thời kỳ mang thai và sinh con có những ấn tượng mà không bao giờ chị quên.
Chọn phòng khám tư thay vì bệnh viện
Nhiều người hẳn đang thắc mắc không biết cuộc sống của Hương và gia đình tại Hà Lan như thế nào?
Hương sống tại Hà Lan từ năm 18 tuổi, sau khi học đại học tại đây thì ở lại làm việc và lấy chồng luôn. Hiện tại, gia đình Hương đang sống ở một thành phố nhỏ gần biên giới với Đức. Trong thành phố không có nhiều người Việt, cũng như người nước ngoài nên không có cửa hàng bán đồ châu Á. Mỗi lần đi cửa hàng châu Á để mua đồ ăn phải lái xe mất khoảng hơn 30 phút. Vì không thích ăn đồ Tây nên Hương cũng thường xuyên nấu cơm, nấu bún, phở hoặc các món Việt Nam đơn giản. Sau khi tốt nghiệp, Hương kinh doanh về ăn uống, ông xã là người Hà Lan đang làm việc cho một công ty máy tính.
Khi bắt đầu có bầu, bản thân Hương và các mẹ bầu ở Hà Lan đi khám sức khỏe thai kỳ như thế nào?
Khi nghi ngờ bản thân mình có bầu thì ai cũng mua que thử thai về để kiểm tra, ở Việt Nam cũng thường thế mà. Sau khi que thử thai thông báo là mình đã có “tin vui” thì sẽ liên lạc với bác sĩ gia đình. Bác sĩ này sẽ hỏi han thông tin sơ qua và chuyển mình đến trung tâm chuyên khám và chăm sóc bà bầu. Ở đây, cả thành phố chỉ có một trung tâm như vậy.
Ở Hà Lan, chế độ thai sản được chi trả thế nào Hương?
Chi phí khám thai và sinh nở được bảo hiểm chi trả. Mức bảo hiểm hàng tháng ở đây có thể đóng ở mức cao, trung bình và thấp. Tất cả các chi phí cho bầu bí, sau sinh và bảo hiểm cho em bé đều được miễn phí. Riêng người nào đóng bảo hiểm thấp, nếu muốn sinh ở viện thì phải đóng thêm khoảng vài triệu VNĐ tiền viện phí. Nhưng đấy chỉ là trường hợp đẻ thường, đẻ dễ dàng nhưng vẫn muốn vào viện thì mới phải trả thêm. Chứ trường hợp đẻ khó, hoặc có chỉ định của bác sĩ, bắt buộc phải vào viện thì cũng vẫn đượcmiễn phí. Chế độ thai sản với phụ nữ đi làm ở Hà Lan là nghỉ đẻ 4 tháng, hưởng lương 100%.
Ngoài ra, em bé sau sinh sẽ được hỗ trợ tiền bỉm và sữa. Em bé càng lớn thì càng được hỗ trợ nhiều.
Có vẻ lạ là chị em bầu ở Hà Lan không đến bệnh viện khám thai như các mẹ bầu Việt Nam, mà lại đến các trung tâm chăm sóc bà bầu?
Đến bác sĩ tại nhà cũng như đến khám ở trung tâm chăm sóc bà bầu, thực chất là để giảm tải cho bệnh viện. Trung tâm này nếu nói chính xác thì cũng như một phòng khám tư nhân ở Việt Nam thôi. Tại đây, có đầy đủ máy móc để siêu âm, thăm khám, các bác sĩ ở đây cũng có thể đỡ đẻ, và có trách nhiệm y hệt bác sĩ ở bệnh viện. Những người chăm sóc, đỡ đẻ ở Hà Lan chỉ có 1 từ chung, dịch ra tiếng việt là nữ hộ sinh, chứ họ không gọi là bác sĩ như ở Việt Nam (cho dù là làm ở bệnh viện hay trung tâm chăm sóc sức khỏe bà bầu).
Nếu mẹ bầu không có tiền sử bệnh tật nghiêm trọng (bệnh tim, sinh đôi trở lên, ....) thì cứ thăm khám tại trung tâm bình thường. Ngay khi đi khám thai lần thứ nhất, Hương đã được cho một danh sách những thứ cần phải chuẩn bị cho em bé như giường, nôi, tủ quần áo, bồn tắm, quần áo, tã lót, đo nhiệt độ, lược chải tóc, cắt móng tay..... và những đồ dùng mà mẹ cần phải chuẩn bị riêng cho mình.
Chị Trần Thu Hương bế em bé Lara trong ngày đầu tiên sau khi sinh.
Bầu bí không phải gắng ăn cho 2 người
Trong thời gian mang bầu, các bác sĩ ở trung tâm khuyên Hương về chuyện ăn uống thế nào?
Về chuyện ăn uống thì bác sĩ khuyên không cần phải cố gắng ăn cho 2 người, vì thực ra em bé chỉ cần thêm năng lượng tương đương với 1 miếng bánh ngọt hoặc 1 cốc sữa uống thêm thôi, chủ yếu là tránh chất kích thích, rượu bia, cafe,... và kê đơn uống thêm axit folic vì axit folic rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi nhưng chất này lại không có nhiều trong thức ăn hàng ngày. Bản thân Hương ăn uống không nhiều lắm, chỉ ăn nhiều bữa hơn một chút. Việc ăn uống đơn giản, mỗi tuần cố gắng ăn 2 lần cá, còn lại chủ yếu nấu cơm để ăn cùng các món Việt Nam.
Ở đây, mọi người thường ăn bơ, pho mát, các sản phẩm từ sữa rất nhiều nên hầu như không có người nào bị thiếu canxi trong quá trình mang thai. Ở Hà Lan, sữa bầu cũng không hề phổ biến, cửa hàng không có bán. Bà bầu ở Hà Lan thường chỉ uống bổ sung viên vitamin dành riêng cho phụ nữ mang thai. Viên vitamin này tổng hợp và bổ sung thêm axit folic, tăng lượng canxi và sắt so với những viên vitamin thông thường.
Phụ nữ có thể chọn sinh tại nhà
Đến những ngày gần sinh không biết bà bầu tại Hà Lan có chuẩn bị gì nhiều không?
Trước ngày dự sinh khoảng một tháng rưỡi (tuần 34-35 của thai kỳ), bác sĩ sẽ hẹn bà bầu đến để nói chuyện và lên kế hoạch cho việc sinh em bé. Hương sẽ nêu nguyện vọng của bản thân như: sinh con ở nhà, ở bệnh viện, sinh trong bồn tắm, yêu cầu có nhạc và loại nhạc gì, mong muốn có những ai có mặt lúc mình sinh con, có muốn dùng thuốc giảm đau hay không và dùng thuốc giảm đau loại gì.
Ngoài ra, bác sĩ cũng hướng dẫn mình tỉ mỉ về chuyện dọa sinh, trường hợp nào là bình thường hay nguy hiểm, lúc nào thì chỉ cần bình tĩnh ở nhà chờ đợi, lúc nào cần liên lạc với bác sĩ. Cũng ở lần hẹn này, bác sĩ sẽ nói những thứ cần đem theo khi nhập viện, khuyên chậm nhất là đến tuần 37 phải chuẩn bị đầy đủ tất cả đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé, vì từ tuần này trở đi có thể sinh con bất cứ lúc nào.
Bé Lara con gái chị Thu Hương
Vậy bạn có chọn cách sinh con ở nhà không?
Hương không dám chọn vì vẫn tin tưởng bệnh viện hơn. Còn em chồng mình là người sinh cả 2 con tại nhà. Nhiều người ở Hà Lan vẫn chọn cách này. Sản phụ có thể đề nghị sinh con tại nhà ở những nơi như bồn tắm, nền nhà hay ngay trên giường. Ngày sinh sẽ có bác sĩ của bệnh viện và bác sĩ của trung tâm nơi chuyên khám cho bà bầu, đảm nhận vai trò đỡ đẻ là bác sĩ đến từ bệnh viện.
Ở Việt Nam khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, các mẹ bầu đã được đưa vào bệnh viện, còn ở Hà Lan thì sao Hương?
Theo hướng dẫn của bác sĩ, lúc mới đau thì mấy tiếng mới đau 1 lần, lúc này bình tĩnh ở nhà chờ đợi. Nếu là ban ngày thì các bà bầu ở đây sẽ gọi ngay trung tâm để thông báo. Nếu là đêm thì đợi đến sáng hôm sau. Sau đấy trung tâm sẽ cử người đến kiểm tra xem xét tình hình, xong sẽ về. Sau khi cơn đau kéo đến dồn dập khoảng 10 phút 1 cơn đau và mỗi cơn đau kéo dài 1 phút thì các bác sĩ sẽ đến và đưa sản phụ vào bệnh viện.
Khi vào viện thì mỗi bà bầu được nằm 1 phòng riêng biệt từ lúc vào viện cho đến khi ra viện. Trong phòng có giường, có các máy móc hỗ trợ việc sinh đẻ, có phòng tắm và nhà vệ sinh riêng, có cả khu bếp riêng để máy pha cà phê, pha trà, tủ lạnh... để phục vụ bà bầu và gia đình nếu có nhu cầu uống nước.
Chồng được tự tay cắt rốn cho con
Khi sinh con tại bệnh viện Hương thấy thế nào? Có nhiều người trong gia đình đi cùng không?
Hương chuyển dạ vào ban đêm. Đêm đó chỉ có 3 bà bầu, các y tá bảo như vậy là đông nhất rồi. Ở Hà Lan, khi đến bệnh viện sinh con thường chỉ có chồng đi cùng chứ không đi nhiều người. Trước khi sinh, có thể chọn số người đi cùng như chồng, bố mẹ hay anh chị em. Khi vào khu vực sinh em bé, chồng cũng được vào cùng. Việc cho chồng vào như vậy giúp vợ có thêm động lực và bớt đi sự sợ hãi, lo lắng đặc biệt trong lần đầu tiên sinh con. Chính chồng là người được tự tay cắt rốn cho con, đó là trải nghiệm thật tuyệt vời.
Chồng chị Thu Hương tự tay cắt rốn cho con gái yêu Lara.
Quá trình đau đẻ của Hương diễn ra thế nào, có gì đặc biệt để chia sẻ vời các mẹ bầu khác không?
Cơn đau đẻ của mình bắt đầu từ 1h đêm hôm trước, mấy tiếng mới xuất hiện 1 lần nên vẫn ngủ như bình thường. Đến sang hôm sau gọi cho bác sĩ, 12h trưa đến kiểm tra thì cổ tử cung mở 1cm. Đến 5h giờ chiều bác sĩ mới đến khám lần nữa, lúc đó cổ tử cung mở 3cm. Lúc này Hương được đưa vào viện.
Hương được đưa thẳng đến phòng riêng, các thủ tục nhập viện được bác sĩ ở trung tâm chăm sóc bà bầu làm hết. Chồng đi cùng và lúc nào cũng ở bên cạnh vợ. Sau khi được tiêm thuốc giảm đau thì mình khỏe lại như bình thường. Vừa nằm trên giường chờ sinh, vừa gửi tin nhắn và chat với gia đình và bạn bè. Đến 1h đêm mới bắt đầu đau đẻ, ca của mình là ca đẻ khó, suýt nữa thì phải mổ để lấy em bé ra. Nhưng may mắn mọi chuyện cuối cùng cũng suôn sẻ.
Sinh xong có y tá giúp đỡ tại nhà
Sau khi sinh xong, cả mẹ và bé có kiêng khem nhiều như ở Việt Nam không bạn?
Sau khi sinh em bé xong thì y tá đưa em bé cho mẹ để bú luôn, kích thích sữa về. Sau đó khoảng 1 tiếng thì y tá mới đón lấy bé và đưa đi kiểm tra sức khỏe, đo cân nặng, chiều cao. Sau khi kiểm tra xong, bác sĩ giao em bé cho mẹ để mẹ cho bé bú tiếp, trong khi đó thì y tá dọn dẹp phòng và giường sạch sẽ. Cuối cùng nhân viên bệnh viện đưa đến 1 cái giường bé xíu, cao ngang giường mình nằm, để em bé nằm trong đó và đặt cạnh giường của mẹ, bố mẹ lúc nào cũng có thể nhìn thấy con mình nằm. Lúc đó cả bố mẹ mới được nghỉ ngơi thực sự.
Sáng hôm sau, tầm 9h, y tá mới gọi Hương dậy, giúp tắm rửa, thay quần áo rồi ăn sáng. Và nhân viên hỏi Hương có muốn nằm viện nữa không hay là muốn về nhà, vì sức khỏe của mẹ và bé đểu tốt. Khoảng 12h trưa mình về nhà luôn. Như vậy là vào viện lúc 5h chiều hôm trước, đến 12h trưa hôm sau thì về nhà.
Khi về tới nhà, có ai hỗ trợ Hương hay bạn tự làm mọi việc?
Sau khi về đến nhà thì có y tá đến giúp đỡ Hương ở nhà. Cô y tá này sẽ đến giúp trong vòng 8 ngày. Nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa - massage cho bé, chăm sóc mẹ, trông em bé để mẹ nghỉ ngơi. Các bé sơ sinh ở Hà Lan được kê đơn uống vitamin K và D từ lúc được 8 ngày tuổi. Vitamin D uống tới lúc bé 4 tuổi, vitamin K chỉ cần uống đến khi bé 3 tháng.
Chi phí cho việc y tá đến chăm sóc sau sinh có cao không bạn?
Hương không mất đồng nào cho việc đi sinh cũng như chăm sóc sau sinh vì đã đóng bảo hiểm hàng tháng rồi. Từ lúc có bầu đến lúc xuất viện cũng như y tá đến chăm sóc hai mẹ con tại nhà cũng đều miễn phí hết. Sau đó, cứ 1 tháng bố mẹ mang em bé đi khám 1 lần, cả tiêm chủng phòng ngừa cũng đều miễn phí.
Ồ, dịch vụ sinh nở ở Hà Lan thật tuyệt vời. Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chúc gia đình nhỏ của bạn luôn hạnh phúc!