Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối...
Gần đây, nhiều bạn đọc viết thư về tòa soạn hỏi về các tai biến sản khoa, đặc biệt là tai biến tắc mạch ối; nguyên nhân do đâu; có cách nào khắc phục và hạn chế được các tai biến này không? Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin giới thiệu những kiến thức về tai biến sản khoa tuy ít gặp nhưng nguy hiểm khó lường này.
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Tắc mạch ối xảy ra khi nào?
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ: Vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.
Tắc mạch ối xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. (nguồn:http://w.w.w.netterimages.com)
Bệnh cảnh lâm sàng
Tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối Khi có đồng thời 4 tiêu chuẩn sau: Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim; Thiếu ôxy cấp tính; Bệnh lý đông máu hay chảu máu nặng mà không có các lý giải khác; Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này. Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm: xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu; Xquang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi; điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và song T thay đổi. |
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp bị tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.
Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Chảy máu từ các vết chọc kim, catheter, chọc tủy sống hay ngoài màng cứng. Tình trạng rối loạn đông máu nặng nề có thể liên quan đến thromboplastin có trong nước ối đã hoạt hóa quá trình đông máu, làm cho hoạt động tiêu sợi huyết trở nên quá mức. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.
Yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối
Tắc mạch ối có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào trong cuộc đẻ hoặc mổ lấy thai sau đẻ... Tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối. Con rạ có nguy cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường. Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.
Chọc hút nước ối có thể gây tắc mạch ối.
Cơ chế gây tắc mạch ối
Dấu hiệu của tắc mạch ối gần giống như một choáng phản vệ. Cơ chế chính xác của phản ứng dạng phản vệ với nước ối chưa được hiểu rõ ràng. Nước ối tác động như một dị vật trong dòng máu và kết quả là giải phóng nhiều chất trung gian nội sinh khác nhau như: histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan... Chính các chất trung gian này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng lâm sàng của tắc mạch ối.
Hiện nay, các nhà khoa học đang hướng sự chú ý tới sự phân rã nhân các tế bào khổng lồ, giải phóng các histamin và các enzym tryptase, đồng thời hoạt hóa chuỗi phản ứng phức tạp khác. 75% số trường hợp bị tắc mạch ối là xảy ra ở người con rạ, liệu có thể có vai trò phản ứng dị ứng mẫn cảm với kháng nguyên của thai trong những lần đẻ trước để lần sinh sau xảy ra hiện tượng đáp ứng miễn dịch nhắc lại. 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai, liệu có vấn đề dị ứng? 41% số người bệnh có tiền sử dị ứng.
Cần chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng. Chẩn đoán xác định sau cùng là kết quả mổ tử thi (tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi người mẹ) cùng với biểu hiện lâm sàng dữ dội, đặc trưng. Do vậy sẽ rất khó chẩn đoán trong thể bệnh trung bình.
Tóm lại, thai nghén và sinh nở là hiện tượng sinh lý bình của người phụ nữ. Nhưng các trường hợp đó rất dễ dàng chuyển sang tình trạng bệnh lý dẫn đến cái chết của thai phụ, trong đó tắc mạch ối tuy ít gặp nhưng là cấp cứu sản khoa không thể dự báo được, trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ đề này gửi về địa chỉ bandoc@eva.vn để được sẻ chia, tư vấn từ chuyên gia. |