Mang song thai 2 buồng ối, 1 bánh rau. Ở tuần thai thứ 29, chị Huyền đi khám thai định kỳ thì phát hiện một thai đã bị lưu.
Mới đây, thông tin từ phía lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, đơn vị y tế này vừa tiếp nhận một trường hợp khá hy hữu. Đó là trường hợp sản phụ mang song thai 2 buồng ối, 1 bánh rau.
Sản phụ B.T.P.H. (sinh năm 1990, sống tại Hải Phòng) nhập viện ở tuần thai 29 trong tình trạng một thai đã bị lưu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy đây là trường hợp đặc biệt có nguy cơ sinh non. Các bác sĩ đã tiến hành dùng mọi biện pháp để người mẹ vừa mang thai đã chết lưu vừa đảm bảo giữ thai còn lại nhằm kéo dài tuổi thai cho bé.
nhờ các bác sĩ tâm huyết và giàu kinh nghiệm của bệnh viện đã làm nên điều kỳ diệu khi giữ thai thành công thêm 5 tuần (Ảnh: BVCC)
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh chia sẻ: Tình trạng thai còn lại ngay tại thời điểm nhập viện là hoàn toàn ổn định nhưng mẹ con sản phụ phải đối mặt với nguy cơ sinh non, vì bình thường với ca song thai một thai lưu, thai còn lại sẽ ảnh hưởng, thường chỉ có thể giữ thêm tối đa một tuần.
Chưa kể, khi một thai đã mất trong song thai một bánh rau, thai sống còn lại có nguy cơ thiếu máu nặng, có thể bị mất tim thai ngay từ trong bụng mẹ bất cứ lúc nào…”.
Trước cơ hội sống của đứa con còn lại chỉ 50/50, chị H. hoang mang, xót xa, chị nhớ như in cảm giác khi nghe bác sĩ tư vấn mà tai ù đi... “Tôi chỉ còn cách là trông chờ và đặt niềm tin, niềm hy vọng vào các bác sĩ ở bệnh viện”.
Song rất may mắn thay, nhờ các bác sĩ tâm huyết và giàu kinh nghiệm của bệnh viện đã làm nên điều kỳ diệu khi giữ thai thành công thêm 5 tuần.
Bác sĩ Hiền Lê cho biết thêm: “Đó là 5 tuần đầy khó khăn và rất kiên cường của cả mẹ và bé. Với các bé có nguy cơ sinh non, 1 ngày trong bụng mẹ bằng 10 ngày nuôi ở ngoài. Đây có thể coi là kỳ tích của cả mẹ, cả bé và ekip y bác sĩ”.
Sau dưỡng thai 5 tuần, ở tuần thai thứ 34, nhận thấy em bé không tăng cân, các bác sĩ quyết định mổ chủ động. Bé trai chào đời với cân nặng 1.4kg, khi thai nhi ra khỏi bụng mẹ có các dấu hiệu như: Tím tái, khó thở, thở rút lõm lồng ngực; thể trạng non yếu, không bú được, dịch dạ dày xanh bẩn, không tự khóc, nhịp tim rời rạc…
Mười ngày sau sinh, bé tăng hơn 3 lạng, sức khỏe ổn định (Ảnh: BVCC)
“Ngay lập tức chúng tôi đưa ra phương pháp hỗ trợ: Bệnh nhi được cho thở máy, nuôi lồng kính, sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng và phương pháp nuôi dưỡng tĩnh mạch bằng đặt Catheter qua tĩnh mạch rốn…”, bác sĩ Chuyên khoa II - Lê Tố Như, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh nhớ lại.
Trải qua những giờ phút thập tử nhất sinh với bệnh vàng da sinh lý, suy hô hấp, viêm ruột, viêm đường tiêu hóa… phải chiếu đèn thường xuyên, dùng kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch, em bé đã kiên cường chiến đấu và tiến triển từng ngày.
Mười ngày sau sinh, bé tiêu hóa tốt, dịch dạ dày trong, không nôn trớ, phản xạ bú tốt. Bác sĩ hướng dẫn mẹ da kề da, cho bé bú đúng cách, sau những ngày hồi sức tích cực bé tăng hơn 3 lạng, sức khỏe ổn định, không xuất hiện tình trạng thiếu máu và ngừng thở.