Em bé sinh ra trong tuần này vẫn cần một lồng ấp bởi lượng mỡ vẫn chưa đủ giữ ấm cho cơ thể.
Dưới đây là những thay đổi cụ thể của thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Em bé hiện đã dài khoảng 47 cm và nặng xấp xỉ 2,7 kg. Chân và tay bé sẽ vô cùng tròn và mũm mĩm bởi những lớp mỡ tiếp tục phát triển, nhưng lượng mỡ vẫn chưa đủ để giúp bé giữ ấm nếu mẹ sinh con vào tuần này. Em bé sinh ra trong tuần này sẽ cần một lồng ấp để giữ ấm.
Phản xạ của bé giờ đã khá tốt khi có thể phản ứng lại âm thanh, ánh sáng hoặc âm nhạc. Thai nhi hiện giờ đã chiếm không gian nhiều hơn so với thể tích nước ối. Bạn vẫn tiếp tục cảm thấy sự chuyển động của bé, nhưng với không gian bên trong tử cung bị hạn chế, những cú đá hay đấm sẽ không được mạnh mẽ.
Thai nhi hiện giờ đã chiếm không gian nhiều hơn so với thể tích nước ối (Ảnh minh họa)
Những thay đổi bên trong cơ thể mẹ
Bụng bạn sẽ ngày càng lớn hơn, với tử cung đẩy lên phía lồng ngực. Khó thở có thể là một vấn đề xảy đến với bạn cho đến khi bé được sinh ra, nhưng có thể chỉ khoảng 1 tuần nữa thôi. Nếu bạn không gặp những vấn đề mang thai thông thường khác chẳng hạn như chứng khó tiêu hoặc bị sưng mắt cá chân và bàn chân, chúng có thể xuất hiện trong tuần này.
Khi bạn phải mang một cái bụng lớn trên cơ thể, và các khớp của bạn cũng trở nên lỏng lẻo hơn do sự thay đổi hooc-môn khi mang thai, sự kết hợp ‘đáng ghét’ đó không hề ‘ủng hộ’ cho những chuyển động nhẹ nhàng, duyên dáng. Hoàn toàn bình thường khi bạn có chút vụng về trong những tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt bởi trung tâm của lực hấp dẫn sẽ thay đổi với em bé và tử cung ngày càng lớn hơn của bạn. Việc luôn ý thức rằng cơ thể hiện giờ giữ thăng bằng kém sẽ khiến bạn cẩn thận hơn, đặc biệt khi đi trên các sàn trơn và gập ghềnh.
Với sự gia tăng trọng lượng và kích thước trong khi mang thai, một số phụ nữ có thể bị trầy, rộp ở giữa hai đùi và dưới ngực. Da có thể bị đỏ, sưng tấy và cũng có thể bị ẩm, đặc biệt ở vùng nếp gấp của da. Nếu bạn nhận thấy có mùi hôi, đó có thể là một dạng nấm với tên gọi intertrigo. Vấn đề này cần được giải quyết triệt để trước khi sinh, bởi nếu không bạn có thể lây sang cho con mình.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Nếu bạn bị ngã, em bé có thể sẽ được bảo vệ bởi tử cung và xương chậu của mẹ, nhưng bạn nên liên hệ với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ để đảm bảo không có lý do gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự chảy máu, rỉ nước hay co thắt bất thường, gọi bác sĩ của bạn ngay lập tức hoặc đi thẳng đến nơi cấp cứu gần nhất.
Để tránh bị trầy rộp ở da, hãy mặc đồ cotton và tốt nhất không nên mặc quần, giữ cho các khu vực dễ bị cọ xát càng khô càng tốt.
Nhiều phụ nữ đã sinh con trong tuần này. Nếu không, bây giờ là thời điểm tốt để hoàn thành kế hoạch sinh nở của bạn. Sau lần thăm khám thai tuần cuối cùng, bạn phải có rất nhiều thông tin hữu ích để giúp đưa ra quyết định cho mình. Kế hoạch sinh nở của bạn cần bao gồm nơi bạn muốn sinh con, người sẽ bên cạnh khi bạn lâm bồn, những quyết định về đối phó với cơn đau trong quá trình sinh nở và ý kiến của bạn về việc sử dụng các can thiệp y tế chẳng hạn như sử dụng kẹp. Nó cũng bao gồm vị trí sinh nở mà bạn thích, thiết bị hỗ trợ sinh nở có thể bạn muốn dùng tới như thảm lót sàn hay ghế nhồi hạt đậu và bất kỳ tiện ích đặc biệt mà bạn muốn sử dụng như một bể tắm sinh nở.
Hãy nhớ rằng một kế hoạch sinh nở không phải là cố định, bạn có thể thay đổi nó khi sinh hoặc khi cần thiết phải có sự can thiệp y tế như sinh mổ.