Theo Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương), sâu trong tử cung của mẹ bầu, thai nhi 5 tuần tuổi đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tác giả bài viết: Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) |
Thai 5 tuần tuổi - Em bé của bạn phát triển ra sao?
Sâu trong tử cung của bạn, phôi thai đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tại thời điểm này, bé có kích thước của một hạt tiêu và trông giống một con nòng nọc nhỏ hơn một con người. Phôi thai lúc này được chia thành 3 lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì. Các cơ quan và bộ phận cơ thể bé sẽ hình thành từ 3 lớp này. 2 bên vùng đầu đã có 2 mẩu nhỏ, sau này sẽ phát triển thành đôi tai.
Thai nhi 5 tuần tuổi bằng khoảng hạt tiêu.
Ống thần kinh trung ương – nơi não, tủy sống, dây thần kinh và xương sống của bé sẽ mọc lên – bắt đầu phát triển ở ngoại bì (ectoderm). Nơi này cũng hình thành làn da, tóc, móng tay, tuyến vú, mồ hôi và men răng...
Tim và hệ tuần hoàn của bé bắt đầu hình thành ở trung bì (mesoderm). Tuần này, trên thực tế, trái tim bé nhỏ của bé bắt đầu phân chia thành các buồng, đập và bơm máu. Trung bì cũng sẽ hình thành các mô cơ, sụn, xương và dưới da của em bé…
Lớp thứ 3, hay còn gọi là nội bì, sẽ là “ngôi nhà” của phổi, ruột và hệ thống tiết niệu sớm cũng như tuyến giáp, gan và tuyến tụy. Trong khi đó, nhau thai nguyên thủy và dây rốn cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Xem video: Những việc mẹ bầu không nên làm để tránh gây hại thai nhi
Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào?
Bạn có thể cảm thấy khó chịu. Nhiều phụ nữ thấy đau ngực, mệt mỏi và đi tiểu thường xuyên hơn vào những tuần đầu. Bạn cũng có thể thấy buồn nôn mặc dù đây là hiện tượng thường xuất hiện ở những tuần sau đó. Tất cả những triệu chứng này là dấu hiệu sớm nhất báo bạn đã có thai.
Bắt đầu từ tuần này, bạn cũng có thể lên kế hoạch về việc tập thể dục (một số phụ nữ phải đợi đến kỳ tam cá nguyệt đầu tiên mới nên tập thể dục). Tập thể dục ở tuần thứ 5 thai kỳ? Nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng luyện tập sẽ giúp săn chắc các múi cơ, tăng sự dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể, ngăn ngừa một số cơn đau nhức. Tập luyện còn giúp bạn kiểm soát được cân nặng hiệu quả (đặc biệt là khi bạn đang thừa cân) và giảm căng thẳng hiệu quả nhất.
Lưu ý: Mẹ nên chọn những cách tập luyện nhẹ nhàng, an toàn và phù hợp như đi bộ, bơi lội…
Mang thai tuần thứ 5, mẹ sẽ cảm nhận được những dấu hiệu có thai đầu tiên như đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi... (ảnh minh họa)
Kiến thức cho mẹ: Để có một thai kỳ khỏe mạnh
Những tháng đầu thai kỳ rất quan trọng cho sự phát triển của bé. Vì vậy để có một thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ nên:
Chăm sóc tiền sản sớm và theo dõi khám thai
Chăm sóc tiền sản tốt là điều cần thiết cho sức khỏe của chính bạn và em bé. Mẹ nên khám thai đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa.
Uống vitamin cho bà bầu
Hầu hết các chất cần bổ sung trước và trong thai kỳ có chứa nhiều axit folic, sắt và canxi sẽ có trong viên uống vitamin tổng hợp. Phụ nữ mang thai cần nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng cũng đừng vì thế mà lạm dụng vitamin, bởi nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn và trong một số trường hợp có thể gây nguy hiểm.
Điều quan trọng là, cần bổ sung đủ axit folic khi đang cố gắng thụ thai và trong tam cá nguyệt đầu tiên, vì nó làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các khuyết tật bẩm sinh của ống thần kinh như tật nứt đốt sống…
Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng
Nhiều loại thuốc – thậm chí một số thuốc kê toa – không an toàn cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị bệnh mãn tính, đừng chần chừ, hãy hỏi ngay y kiến bác sĩ để xem thuốc có an toàn hay không. Nên thông báo mọi loại thuốc đang dùng với bác sĩ, từ thảo dược đến thuốc tây… để nhận được lời khuyên đúng nhất.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề, bao gồm: sảy thai, các vấn đề nhau thai và sinh non. Nó cũng làm chậm sự tăng trưởng của bào thai và làm tăng nguy cơ chết lưu, tử vong ở trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu đã chứng minh, hút thuốc làm tăng nguy cơ con sinh ra bị hở môi hoặc vòm họng…
Không bao giờ là quá muộn để cắt giảm hoặc bỏ hút thuốc lá. Mỗi điếu thuốc bạn hút vào sẽ làm giảm cơ hội sinh ra một em bé khỏe mạnh.
Ngừng uống rượu
Uống rượu mỗi ngày có thể làm tăng tỷ lệ bé sinh ra nhẹ cân và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khả năng tập trung, ngôn ngữ… Chưa có nghiên cứu chính xác là phụ nữ mang thai có thể uống liều lượng rượu bao nhiêu thì không ảnh hưởng đến thai kỳ. Vì vậy, tốt nhất là hãy bỏ qua rượu trong thực đơn ăn uống của mẹ bầu.
Ngay từ bây giờ, mẹ bầu cần có lối sống lành mạnh để có thai kỳ hoàn hảo nhất. (ảnh minh họa)
Đảm bảo nơi sinh sống và môi trường làm việc an toàn
Một số công việc hoặc sở thích có thể gây nguy hiểm cho bạn và bé yêu đang phát triển của bạn. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng (như chì hoặc thủy ngân), một số tác nhân sinh học hoặc bức xạ… bạn cần điều chỉnh và thay đổi càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, một số sản phẩm vệ sinh, thuốc trừ sâu, dung môi và chì trong nước uống từ các đường ống cũ cũng có thể gây hại cho thai nhi. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về thói quen hàng ngày của bạn. Từ đó, tìm ra cách tránh hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm tại nhà và nơi làm việc.
Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 5: Lên lịch khám thai
Nếu bạn chưa làm việc này, đã đến lúc bạn nên chọn bác sĩ và lên lịch hẹn cho lần khám thai đầu tiên. Để chuẩn bị cho lần khám thai này, hãy ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng để bác sĩ có thể xác định ngày dự sinh của bạn.
Ngoài ra, mẹ cũng nên đặt ra trước những câu hỏi mình đang bận tâm để có thể hỏi và nhận tư vấn từ bác sĩ.
Bà bầu cũng cần hỏi người thân cả 2 bên nội, ngoại về lịch sử y tế của gia đình. Bác sĩ sản khoa đều muốn biết liệu có bất kỳ bệnh mãn tính hay bất thường về di truyền nào xảy ra ở một trong hai bên nội, ngoại của bạn hay không.